Nắm bắt được thông tin vụ việc người dân ở thôn Ngòi Ngần (thôn đặc biệt khó khăn) của xã Bảo Ái, huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) bị ép ký giấy vay nợ và thế chấp bằng rừng do chưa đóng đủ tiền làm đường giao thông nông thôn.
Chiều 10/7, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có buổi làm việc với các hộ dân ở thôn Ngòi Ngần, cũng như trao đổi với lãnh đạo thôn và Chủ tịch UBND xã Bảo Ái, huyện Yên Bình để xác minh rõ nội dung vụ việc.
Gia đình ông Triệu Văn Thiên, Trương Thị Khôi ở thôn Ngòi Ngần có 4 khẩu, phải nộp 8 triệu đồng để làm đường. Đến nay, gia đình đã nộp được 4 triệu đồng và tham gia 2,5 công lao động để đổ bê tông truyến đường (300 nghìn đồng/ngày công) nên được tính là 750 nghìn đồng.
Hiện nay, đường đã làm xong, tổ thu tiền của xóm yêu cầu gia đình bà ký giấy vay nợ 3.250.000 đồng, thế chấp bằng rừng.
Bà Khôi lo lắng: “Nhà tôi đã nộp tiền làm đường được 4 triệu đồng, số tiền này nhà tôi cũng phải đi vay và nộp 2 lần. Hơn 3 triệu số tiền gia đình tôi còn thiếu, chưa có khả năng đóng góp. Khi nhận được hợp đồng cho vay tiền, với nội dung vay tiền để làm đường, tài sản thế chấp là rừng, và cũng không nêu rõ bao nhiêu diện tích rừng, thời hạn vay để trống, thì gia đình tôi rất lo sợ, hoang mang vì lo nếu không trả được tiền họ sẽ lấy đi đất rừng canh tác của mình".
Phóng viên tiếp tục liên hệ với bà Lý Thị Về (thành viên tổ tự quản thu chi làm đường nông thôn mới của xóm Ngòi Bình, xã Bảo Ái - người đại diện bên A, bên cho vay tiền trong tờ giấy vay nợ của nhà bà Khôi) thì được biết: Quá trình làm đường nông thôn mới, ngoài vật liệu xây dựng Nhà nước đầu tư thì xóm phải thuê máy san ủi mặt bằng, đổ bê tông, nhân công nên ban đầu tạm tính 1 triệu/khẩu.
Tuy nhiên sau này đội chi phí nên phát sinh lên 2 triệu đồng/khẩu cho con đường dài gần 1,8km. Gia đình bà Khôi có 4 khẩu nhưng mới đóng 4 triệu đồng tiền mặt và 2,5 ngày công (tương đương với 750.000 đồng), do vậy còn nợ 3.250.000 đồng.
“Chúng tôi đòi mãi chưa trả. Các thành viên trong tổ tự quản đã thống nhất nhờ một cán bộ xã in cho tờ giấy để xác nhận họ còn nợ tiền, sau này sẽ phải trả”, bà Về lí giải.
Ông Lê Thế Vinh - Trưởng thôn Ngòi Ngần, xã Bảo Ái, ông Vinh thông tin: Thôn có 208 hộ dân thì đến 50 hộ nghèo; riêng xóm Ngòi Bình có 22 hộ dân (100 nhân khẩu) thì có tới 6-7 hộ nghèo. Việc làm đường nông thôn mới, ban đầu, thôn đã họp dân và được thống nhất thì mới triển khai. Do đây là làm đường xóm nên bà con tự bầu ra tổ tự quản, giám sát thi công và thu chi.
Việc làm đường giao thông nông thôn đã được Nhà nước đầu tư vật liệu, người dân hiến đất, đóng góp tiền để thuê máy móc đổ bê tông và thuê máy xúc san gạt, tiền công làm… Thế nên sau khi hoạch toán chi phí, tổ tự quản của xóm thu mỗi khẩu 2 triệu đồng để thanh toán tiền công.
“Hiện nay còn gần 10 hộ đóng thiếu tiền làm đường nông thôn mới, chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn hoặc đi làm ăn xa. Giấy cho vay tiền cũng do tổ tự quản của xóm làm, không liên quan đến tôi”, Trưởng thôn Ngòi Ngần nói và cho biết thêm, tất cả nhân khẩu trong thôn phải đóng tiền làm đường nông thôn mới như nhau không giảm trừ cho hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Làm việc với, chính quyền xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, được biết: Năm 2022 thôn Ngòi Ngần được đầu tư xây dựng 2 công trình đường giao thông nông thôn, do đây là thôn vùng 3 (Vùng đặc biệt khó khăn) nên được Nhà nước hỗ trợ 3 vật liệu gồm: xi măng, cát, sỏi.
Trong quá trình thực hiện làm đường của xóm Ngòi Bình (gồm 22 hộ dân, 100 khẩu), để đảm bảo làm hoàn thiện đoạn đường đã đăng ký với Nhà nước là 1,8 km của xóm thì thôn cùng với xóm đã thành lập Ban phát triển thôn (đại diện các thành viên trong xóm) để quản lý, thi công đoạn đường.
Căn cứ quyết định phê duyệt dự toán làm đường thôn Ngòi Ngần, xóm Ngòi Bình đã triển khai họp dân và người dân nhất trí 100% với mức phải đóng góp dự kiến hoàn thiện đoạn đường 1,8 km vào khoảng 200.000.000đ. Với số khẩu thực tế của xóm Ngòi Bình thì mức đóng tương đương 2 triệu đồng/khẩu.
Phương án thi công được thống nhất thì nhân dân trong xóm đã bầu ra tổ tự quản, tổ giám sát, thi công và thủ quỹ của xóm. Sau khi đoạn đường hoàn thành đưa vào sử dụng nhiều hộ gia đình chưa đóng góp đầy đủ nên công tác quyết toán cho đơn vị đổ bê tông, san gạt mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn. Tính tới tháng 6/2023 xóm mới thu được từ các hộ dân trên khoảng 130 triệu, số tiền còn nợ của người dân là 70 triệu đồng.
Ông Nguyễn Minh Tiến - Chủ tịch UBND xã Bảo Ái cho biết: "Thực tế, để đảm công tác giải phóng mặt bằng, đào đắp, mở rộng nền đường, đổ bê tông, thôn Ngòi Ngần đã triển khai họp dân của xóm Ngòi Bình và nhất trí 100% với mức đóng góp dự kiến là 2 triệu đồng/khẩu để thuê phương tiện, máy móc thực hiện.
Trong quá trình thực hiện, còn một số hộ dân chưa đóng đủ số tiền như đã thống nhất nên việc thanh toán cho bên đổ bê tông và máy san gạt mặt bằng còn thiếu, nên tổ tự quản đã đứng ra vay tiền để trả trước cho bên thi công, nhằm gắn trách nhiệm của người dân và tổ tự quản cho việc trả nợ sau này. Vì vậy tổ tự quản mới đề xuất với các hộ gia đình làm hợp đồng vay tiền để có trách nhiệm cùng nhau thanh toán. Tuy nhiên trong hợp đồng cho vay tiền có 2 nội dung mục đích vay tiền làm đường bằng tài sản thế chấp là chưa đúng, chưa phù hợp theo quy định pháp luật".
Hiện nay, xã đã phối hợp với lực lượng công an cơ sở vào cuộc nắm bắt tình hình, trấn an người dân. Đối với hợp đồng cho vay nợ và phải thế chấp rừng là chưa phù hợp sẽ hủy vì không có tính pháp lý. Đồng thời chính quyền xã sẽ phối hợp cùng thôn, xóm tiếp tục tuyên truyền, vận động và giải thích để người dân đồng thuận trong việc đóng góp làm đường.