Sẽ có đề xuất quan trọng với cây chỉnh sửa gen
Năm 2022, hạn hán đã tàn phá hàng loạt trang trại tại Châu Âu, từ ô liu tại Tây Ban Nha, ngô và hoa hướng dương tại Hungary cho đến các cánh đồng ngô tại Ý và Rumani đều chịu thiệt hại nặng nề.
Việc bãi bỏ các quy định liên quan đến kỹ thuật chỉnh sửa gen để tạo ra giống cây trồng tốt hơn sẽ là câu trả lời cho vấn đề này. Cây trồng được sản xuất bằng kỹ thuật chỉnh sửa gen sẽ chống chịu tốt hơn với hạn hán và bệnh tật, đồng thời yêu cầu lượng nước tưới ít hơn so với giống cây trồng thông thường.
Vào tháng 7 tới đây, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đề xuất cho phép nới lỏng các quy định đối với thực vật được chọn tạo thông qua kỹ thuật gen mới (New Genomic Technlogies - NGT).
EC cho biết các quy định hiện hành áp dụng cho sinh vật biến đổi gen, bao gồm việc cấp phép và ghi nhãn là không phù hợp để áp dụng cho các sản phẩm chỉnh sửa gen theo công nghệ mới.
Bà Stella Kyriakides, Ủy viên Y tế của EU, cho biết: “Thực vật được sản xuất bằng kỹ thuật gen mới có thể hỗ trợ phát triển bền vững. Các đề xuất này là dấu hiệu mạnh mẽ cho nông dân, các nhà nghiên cứu và ngành công nghiệp rằng đây là con đường phía trước của EU".
Một số người chỉ trích rằng những kỹ thuật này là biến đổi gen kiểu mới, tuy nhiên, trên thực tế, đây là sự kết hợp của các công cụ chỉnh sửa gen làm thay đổi cấu trúc di truyền của thực vật mà không cần sử dụng thêm các gen ngoại lai. Đây chính là điểm khác biệt với các sinh vật chuyển gen thông thường có chứa DNA từ các loài khác.
Nhiều nước ủng hộ
Một số quốc gia chịu thiệt hại lớn về nông nghiệp do biến đổi khí hậu như Pháp, Italia, Đức hay Tây Ban Nha cũng ủng hộ việc thay đổi các quy tắc của EU với cây trồng chỉnh sửa gen.
Vào tháng 4/2023, ông Marc Fesneau, Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp bày tỏ lo ngại về sự chậm trễ của châu Âu và cho rằng cần thúc đẩy ứng dụng công nghệ sinh học nhằm nhanh chóng tạo ra những giống cây trồng có khả năng chống chịu bệnh, giúp Châu Âu có thêm công cụ đối phó với biến đổi khí hậu.
Cuối tháng 5 vừa qua, Hội đồng Kinh tế, Xã hội và Môi trường (CESE) đã thông qua ý kiến về những kỳ vọng và thách thức của xã hội liên quan đến các kỹ thuật gen mới trong phiên họp toàn thể, qua đó khuyến nghị chính phủ Pháp ưu tiên các loại cây trồng chỉnh sửa gen mang lại lợi ích bền vững và mở đường cho việc thiết lập khung pháp lý trong tương lai.
Cũng trong những ngày cuối tháng 5, Ủy ban Nông nghiệp và Môi trường Thượng viện Italia đã phê duyệt sửa đổi cho phép tiến hành các thử nghiệm đồng ruộng đối với một số cây trồng ứng dụng về công nghệ tiến hoá hỗ trợ (Assisted Evolution Technologies - Tea), trong đó có cây trồng tạo ra bằng kỹ thuật chỉnh sửa gen.
Đây là một bước tiến quan trọng để công nghệ này hỗ trợ Italia sản xuất nông nghiệp bền vững, giảm tác động lên môi trường, và tối ưu hóa việc sử dụng nước và hóa chất.
Các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu và nông nghiệp có quan điểm gần như nhất trí rằng những kỹ thuật này không phải là biến đổi gen và có thể giúp chúng ta đạt được các mục tiêu xanh mà Châu Âu đang hướng tới, chẳng hạn như giảm sử dụng thuốc BVTV, đồng thời giúp chống lại biến đổi khí hậu và mầm bệnh.
Ông Luigi Cattivelli, Giám đốc Trung tâm Genomics và Bioinformatics của Crea (trung tâm nghiên cứu lớn nhất của Italia trong lĩnh vực thực phẩm nông nghiệp), nhận xét: “Đây là một bước làm thay đổi nhận thức của đất nước về cải tiến gen. Giờ đây giới nghiên cứu và giới kinh doanh có thể hợp tác với nhau để cung cấp nhanh chóng các giống cây trồng chỉnh sửa gen cho nông dân”.
Bà Bettina Stark-Watzinger, Bộ trưởng Nghiên cứu Liên bang Đức, cho rằng, luật hiện hành về kỹ thuật di truyền ở Đức và Châu Âu đã lỗi thời. Bà chia sẻ: “Chúng tôi nhìn thấy một cơ hội lớn trong các kỹ thuật nhân giống mới giúp chọn tạo giống cây trồng một cách hiệu quả, có mục đích và an toàn. Chúng ta có thể sử dụng chúng để chống lại nạn đói trên thế giới”.
Phát biểu tại cuộc họp của các Bộ trưởng Nông nghiệp các quốc gia thành viên EU vào tháng 9 năm ngoái, ông Luis Planas, Bộ trưởng Nông nghiệp Tây Ban Nha đã tham gia câu lạc bộ những người ủng hộ chỉnh sửa gen và ca ngợi các kỹ thuật này như một công cụ tuyệt vời để tạo ra hạt giống cần ít nước và phân bón hơn và có khả năng chống chọi với khí hậu tốt hơn.