Máy tính được đặt tên Darwin Mouse (Chuột Darwin), có khả năng mô phỏng cách thức hoạt động của não người và xử lý các phép tính phức tạp tỏng khi chỉ tiêu tốn điện năng như một siêu máy tính thông thường.
Theo các nhà khoa học thuộc dự án Human Brain ở châu Âu, não người trưởng thành nặng bình quân 1,3kg, là một “siêu máy tính” phức tạp và hiệu quả nhất.
Não người có thể thực hiện 1.000.000 tỷ phép toán lôgic mỗi giây, về lý thuyết là không có giới hạn trong khả năng lưu trữ và chỉ cần năng lượng không quá một bóng đén 20 watt thông thường để hoạt động hết công suất.
Não người đạt được những kỳ tích đáng nể này nhờ có khoảng 86 tỷ tế bào thần kinh, mỗi tế bào đảm đương đến 10.000 kết nối với các tế bào thần kinh khác và chính nhờ các kết nối đó - gọi theo thuật ngữ chuyên ngành là khớp thần kinh - chúng ta có được cảm giác và ý thức. Tái tạo trí thông minh của bộ não và mô phỏng hoạt động của nó trên các thiết bị điện tử là cảm hứng và tham vọng chinh phục của chính con người.
Darwin Mouse có thể tính toán như một bộ não nhờ 792 chíp máy tính Darwin II - loại chip do chính các kỹ sư Đại học Chiết Giang phát triển.
Khi máy hoạt động, nó mô phỏng và hỗ trợ khoảng 120 triệu tế bào thần kinh và 100 tỷ kết nối. Đó là số lượng tế bào thần kinh tương đương với não của một con chuột, nhưng máy đang trong quá trình vận hành thử.
Darwin Mouse nằm kín trong 3 khung máy chủ tiêu chuẩn cao 1,6m, tiêu thụ lượng điện năng là 350 - 500 watt. Để so sánh, siêu máy tính nhanh nhất thế giới là Fugaku hiện cần khoảng 28,3 triệu watt điện.
Zhu Shiqiang, Phó Bí thư Đảng ủy Đại học Chiết Giang đánh giá Darwin Mouse là thành tựu có tính cột mốc trong công nghệ điện toán mô phỏng bộ não (điện toán thần kinh) của Trung Quốc. Một điểm đặc biệt nữa là máy sử dụng các thiết bị sản xuất trong nước cùng hệ điều hành nội Darwin OS.
Như con chíp Darwin II chỉ mới ra mắt năm 2019 nhưng đạt được tiến bộ đáng nể. Nó có thể mô phỏng cơ chế cấu trúc và chức năng của mạng lưới thần kinh của não, với mỗi con chíp mô phỏng khoảng 150.000 tế bào thần kinh.
Mặc dù công nghệ này ở Trung Quốc vẫn còn sơ khai nếu so với siêu máy tính thần kinh SpiNNaker của Đại học Manchester (Anh) - máy xử lý được 2.000 tỷ phép tính mỗi giây, các chuyên gia cho rằng nó có thể được sử dụng để chạy các mô phỏng lớn, thời gian thực và tạo ra những khám phá mới trong lĩnh vực hóa học, y học, khoa học thần kinh và trí tuệ nhân tạo.