| Hotline: 0983.970.780

EU tài trợ ngăn ngừa nguy cơ lây bệnh từ động vật hoang dã

Thứ Năm 08/06/2023 , 16:39 (GMT+7)

Sáng 8/6, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo khởi động và lập kế hoạch thực hiện dự án An toàn trên toàn châu Á vì môi trường toàn cầu (SAFE) tại Việt Nam.

Dự án SAFE được hình thành với mục tiêu rõ ràng là giảm thiểu rủi ro của các đại dịch trong tương lai bằng cách tập trung vào các rủi ro về sức khỏe và tội phạm liên quan đến các cơ sở nuôi động vật hoang dã. Ảnh: Linh Linh. 

Dự án SAFE được hình thành với mục tiêu rõ ràng là giảm thiểu rủi ro của các đại dịch trong tương lai bằng cách tập trung vào các rủi ro về sức khỏe và tội phạm liên quan đến các cơ sở nuôi động vật hoang dã. Ảnh: Linh Linh. 

Những năm gần đây, thế giới đang phải đương đầu với nguy cơ xuất hiện và lan truyền của các bệnh truyền nhiễm mới nổi hoặc tái bùng phát ở người, vật nuôi và động vật hoang dã. Những bệnh này xuất phát từ mối tương tác con người - động vật - hệ sinh thái và có khả năng gây hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người, sinh kế, sự phát triển kinh tế và nhiều vấn đề khác.

Tổ chức Y tế thế giới đã có những minh chứng khoa học cho thấy có khoảng 70% bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật.

Đại dịch Covid-19 khiến con người dành nhiều sự quan tâm hơn tới bệnh lây truyền từ động vật hoang dã sang động vật và sang người, rủi ro từ tiêu thụ thịt thú rừng và an ninh y tế toàn cầu. Mặt khác, buôn bán động vật hoang dã đang trở thành nguồn sinh kế của người dân tại nhiều nước Đông Nam Á.

Ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho biết dự án SAFE do EU tài trợ, và được Văn phòng Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) chủ trì, với các đối tác đồng thực hiện gồm Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO).

Ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Linh Linh.

Ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Linh Linh.

Đối tác Chính phủ là Bộ NN-PTNT thông qua Cơ quan thẩm quyền quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) làm chủ dự án và Vụ Hợp tác quốc tế/Văn phòng điều phối Một sức khỏe là cơ quan phối hợp nhằm huy động điều phối đa ngành.

Ông Vương Tiến Mạnh, Phó Giám đốc CITES đánh giá dự án rất phù hợp với ưu tiên và chủ trương của Việt Nam về bảo vệ động vật hoang dã theo tinh thần Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã.

“Dự án có sử dụng phương pháp tiếp cận Một sức khỏe, huy động đa ngành, đa cơ quan chính phủ trong công tác kiểm soát và ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã trong nước và xuyên biên giới. Dự án kêu gọi các cơ quan quản lý chính phủ có liên quan cùng tham gia vào quá trình rà soát chính sách và cơ chế quản lý động vật hoang dã trong nước và xuyên biên giới”, ông Mạnh cho biết.

Đại diện CITES cũng thông tin, nhiệm vụ dự án nhằm kiểm soát bệnh dịch từ động vật hoang dã cũng là một trong 6 nhiệm vụ chính của Khung Đối tác Một sức khỏe.

“Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã tăng cường các hệ thống giám sát, thúc đẩy các hoạt động buôn bán động vật hoang dã có trách nhiệm đồng thời bảo vệ sinh kế, tăng cường an toàn sinh học tại các trang trại và chợ, đồng thời nâng cao nhận thức về các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Dự án này sẽ  giúp củng cố công việc của chúng tôi và giúp chúng tôi cải thiện công tác quản lý động vật hoang dã nuôi nhốt theo dự thảo kế hoạch quốc gia", ông Mạnh phát biểu.

Thông qua cách tiếp cận Một sức khỏe, các nỗ lực cũng đang được thực hiện để tăng cường sự hợp tác giữa các lĩnh vực y tế công cộng, thú y và môi trường.

Bà Jenna Dawson-Faber, điều phối viên dự án SAFE của UNODC cho biết: “Dự án SAFE được hình thành với mục tiêu rõ ràng là giảm thiểu rủi ro của các đại dịch trong tương lai bằng cách tập trung vào các rủi ro về sức khỏe và tội phạm liên quan đến các cơ sở nuôi động vật hoang dã. Cần phải cùng hành động và huy động sự tham gia của các bên liên quan để đạt được mục đích này”, bà Jenna cho biết.

Dự án SAFE được FAO Việt Nam giới thiệu tại Diễn đàn cấp cao MSK tháng 8/2022 và giới thiệu chi tiết tại cuộc họp nhóm công tác đại dịch (PWG) vào tháng 1/2023.

Dự án nhằm góp phần kiểm soát buôn bán trái phép động vật hoang dã và dịch bệnh từ động vật hoang dã; áp dụng thực hành tốt theo chuỗi giá trị và sản xuất sản phẩm động vật; Giúp tăng cường năng lực điều phối giữa các bên liên quan của Chính phủ (Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương...) và các bên liên quan trong khu vực công và tư nhân tham gia vào chuỗi giá trị động vật hoang dã và sự tham gia của khu vực tư nhân trong kiểm soát dịch bệnh sử dụng phương pháp tiếp cận Một Sức khỏe, để từ đó, tăng cường, mở rộng hơp tác với khu vực và quốc tế về Một sức khỏe.

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.