Tại vùng núi hiểm trở Sierra Maestra gần nơi cố chủ tịch Cuba Fidel Castro từng xây dựng căn cứ kháng chiến chống lại chế độ độc tài Fulgencio Batista hồi cuối những năm 1950, người dân ở đây vẫn nhắc tới ông với một lòng biết ơn và thành kính bởi những gì cuộc cách mạng năm xưa cùng những chính sách cải cách của ông đã mang lại cho họ và cho đất nước, theo Reuters.
Fidel Castro hồi tháng 10/1977 (Ảnh: Prensa-latina.cu) |
Fidel Castro qua đời năm 2016, em trai đồng thời là người kế nhiệm ông, chủ tịch Cuba Raul Castro cũng vừa từ chức, nhường lại vị trí cho người mới là ông Miguel Diaz-Canel, 57 tuổi. Sự kiện này đánh dấu một thời khắc lịch sử khi lần đầu tiên trong gần 60 năm, Cuba có chủ tịch không mang họ Castro. Song tuyên bố trong phát biểu nhậm chức, ông Miguel Diaz-Canel khẳng định vẫn sẽ “trung thành với di sản của lãnh tụ Fidel Castro”.
Tại Santo Domingo, ngôi làng gần nhất với "Comandancia La Plata", nơi ông Fidel Castro từng ẩn náu, nơi đặt “tổng hành dinh” của lực lượng du kích trong thời kỳ kháng chiến, người dân địa phương nói họ vẫn nợ cuộc cách mạng do ông Fidel Castro lãnh đạo.
“Tôi có một cuộc sống vui vẻ. Tôi có đất để lập trang trại, tôi có gia súc, gia cầm để chăn nuôi”, nông dân Paulo Alvarez, 55 tuổi, chia sẻ. “Tôi biết ơn cuộc cách mạng vì điều đó. Trước đây, tôi không được như vậy”.
Chính phủ Cuba đã xây dựng hàng loạt cơ sở y tế, trường học, làm đường tới những địa điểm xa xôi, hẻo lánh như Santo Domingo, ngôi làng chỉ có vài trăm cư dân thưa thớt nằm sâu trong những cánh rừng thuộc vùng núi Sierra Maestra, bên cạnh một con sông.
Luis Enrique Perez từng là giáo viên trong vùng. Tuy nhiên, công việc giảng dạy có mức lương quá thấp nên anh đã bỏ việc. Perez chuyển sang làm hướng dẫn viên du lịch tại "Comandancia La Plata", nơi ngày nay thu hút rất đông khách du lịch, những người muốn tìm hiểu về di sản chính trị của Cuba. Công việc mới mang đến cho Perez nguồn thu nhập tốt hơn.
“Tôi có thể kiếm nhiều tiền hơn và có cơ hội thực hành ngoại ngữ với khách du lịch. Đây thực sự là niềm đam mê của tôi”, Perez cho hay, tay chỉ vào chiếc giường nơi lãnh tụ Fidel Castro từng nằm, giờ đây được lưu giữ như một kỷ vật lịch sử.
Ở những nơi khác trên khắp đất nước Cuba, ký ức về Fidel Castro cũng như một phần không thể tách rời khỏi cuộc sống.
Ông Vlas Sile, 68 tuổi, làm việc tại các đồn điền mía ở Cuba từ khi còn nhỏ. Năm 9 tuổi, ông từng nhìn thấy chủ tịch Fidel Castro đi qua trước mặt mình. Sile vẫn nhớ trước khi có cuộc cách mạng, ông thường xuyên bị những người bảo vệ tại đồn điền mía đánh đập vì ăn mía nguyên liệu.
“Cả nhà tôi bây giờ đều có bằng đại học, các con tôi đều là những nhà nông học và chúng tôi tất cả đều làm việc trên các cánh đồng mía”, ông cho biết. “Fidel và cuộc cách mạng là tất cả đối với tôi. Fidel mang đến cho chúng tôi mọi thứ: Giáo dục, an ninh, thực phẩm. Chúng tôi nợ ông ấy mọi thứ. Tôi sẽ phụng sự cuộc cách mạng với mạng sống của mình nếu cần. Và tất cả chúng ta đều nên thế”.
Cố chủ tịch Cuba Fidel Castro thời trẻ (Ảnh: AP) |
Ông Carlos Valdes, 66 tuổi, là một nông dân từng sống tại thành phố Santa Clara, thủ phủ tỉnh Villa Clara. Valdes kể ông “luôn cần cù làm việc mỗi ngày trên những cánh đồng” không phải chỉ đơn giản để kiếm tiền nuôi sống bản thân mà bởi ông tin rằng ông có trách nhiệm phải tạo ra thực phẩm phục vụ cách mạng. “Fidel giống như cha tôi và cái chết của ông ấy đối với tôi giống như mất đi một người cha”, ông Valdes nói.
Julio Alvarez, 73 tuổi, người điều hành một trường bắn, mới 15 tuổi khi ông tận mắt thấy lực lượng cách mạng diễu hành qua đường phố thủ đô Havana. “Nó thật sự tuyệt vời”, ông nhớ lại. “Fidel đứng trên chiếc xe Jeep, niềm nở chào đón những người đến để gặp ông. Giờ đây, chứng kiến cảnh ông ấy trở về với cát bụi là điều tôi không bao giờ muốn thấy”.
Còn theo bà Concepcion Garcia, 55 tuổi, sống ở Havana, chính cố chủ tịch Fidel Castro đã “đưa Cuba lên bản đồ thế giới”. Tháo bỏ cặp kính và chỉ vào mắt, Garcia bày tỏ bà phải cảm ơn cuộc cách mạng và cả lãnh tụ Fidel Castro vì nhờ có ông, nhờ có cách mạng mà bà mới được phẫu thuật đục thủy tinh thể miễn phí. Garcia quả quyết bà không bao giờ đủ tiền trả chi phí cho cuộc phẫu thuật nếu không có chính sách chăm sóc y tế xã hội tuyệt vời của Cuba.