| Hotline: 0983.970.780

Gà giống lậu tràn ngập nông thôn!

Thứ Năm 25/10/2012 , 09:21 (GMT+7)

Qua tất cả những gì NNVN đề cập trong 8 số báo, sẽ không ai ngạc nhiên khi nói: Gà giống nhập lậu từ TQ đang tràn ngập ở các vùng nông thôn miền Bắc. NNVN xin khép lại loạt bài điều tra này bằng tiếng nói của người bán gà ở các chợ quê và người chăn nuôi...

Qua tất cả những gì NNVN đề cập trong 8 số báo, sẽ không ai ngạc nhiên khi nói: Gà giống nhập lậu từ TQ đang tràn ngập ở các vùng nông thôn miền Bắc. NNVN xin khép lại loạt bài điều tra này bằng tiếng nói của người bán gà ở các chợ quê và người chăn nuôi... 

>> Chăn nuôi, thú y - các ông ở đâu?
>> Đại Xuyên – trung tâm gieo rắc đại họa
>> Bắc Giang – “thành phố trung chuyển gà giống lậu”
>> ''Bao luật'' khủng khiếp
>> Gà lậu đại náo Móng Cái
>> “Gà bay” quốc lộ 1
>> Giáp mặt trùm gà lậu chân Dốc Quýt
>> Mẻ lưới đầu tiên

Chợ quê nhan nhản giống gà Tàu

Gà TQ nhập lậu về Việt Nam có hai loại: “Gà Tàu bay” (hay còn gọi là gà cúng) và gà chân lùn (hay còn gọi là gà K9, gà trọc). Đặc điểm bên ngoài và sinh trưởng của 2 loại gà này khác nhau một trời một vực. “Gà Tàu bay” có đến 90% là gà trống, mào đỏ rói, chân thon và cao, cánh dài, lông rậm, chúng chỉ lớn được 2-3 lạng là bay như chim, vì thế người dân mới gọi nó là “gà Tàu bay”. Thời gian nuôi khoảng 3 tháng, bán với gá ngang ngửa gà ta, nhưng trọng lượng chỉ đạt trên 1kg/con. Do 90% là trống, mào đỏ, chân cao, mã đẹp, gần giống với loại gà Mía vì thế nhiều người chăn nuôi nhầm tưởng là gà Mía. Để phục vụ cho Tết Nguyên đán, loại gà này đang được các hộ dân mua về nuôi nhiều nhất.

Khác với “gà Tàu bay’, “gà trọc” lớn như thổi, “ăn như hốc mả”, sau 3 tháng có thể đạt 4kg/con, nhưng bán lại rẻ, giá chỉ bằng ½ gà ta. Những hộ dân nuôi từ vài trăm con trở lên chuộng loại gà này.

Theo khảo sát của PV NNVN tại 7 chợ quê, gồm: Chợ Yên Trung - Yên Phong, chợ Trang Hạ - Từ Sơn, chợ Lim – Tiên Du (Bắc Ninh); chợ Ché - Tiên Lữ, chợ Thứa – Mỹ Hào (Hưng Yên); chợ Ghẽ - Cẩm Giàng (Hải Dương); chợ cầu Triều Dương – Hưng Hà (Thái Bình) thì tuy số lượng gà giống TQ nhập lậu bày bán không lớn, nhưng cả 7 chợ đều bán 2 loại gà nhập lậu trên. Và, số lượng gà giống TQ tại các chợ này đều nhiều hơn nhiều so với gà ta.

Tại chợ gà Trang Hạ ở huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) mỗi phiên có đến mấy chục người bán gà giống. Gà giống TQ chiếm đa số, người bán hai loại gà này ngồi xen kẽ nhau. Nếu người mua biết thì nói gà TQ là gà TQ, nếu không biết thì nói là gà ta. Bởi, nếu đánh lận được thì người bán ăn to, vì gà ta bán 40-20 ngàn đồng/con, còn gà TQ chỉ bán có 23-25 ngàn đồng/con.

“Nếu có dịch CGC thì gà TQ hay gà ta đều chết hết, sống làm sao được cái bệnh quái gở ấy. Mua gà giống ta về nuôi đắt lắm, đến 40-50 ngàn đồng/con. Dân khó khăn, có việc làm đâu mà có tiền,  thà mua gà TQ giá chỉ bằng nửa nuôi còn hơn. Khi bán cũng dễ, vì dân khó khăn nên người dân chọn mua gà TQ nhiều hơn, chứ mấy khi mua được con gà ta ở vùng này” - bà Hải, một người dân mua gà nói.


Gà giống Trung Quốc bày bán tràn lan

Khi hỏi mua gà TQ với số lượng lớn, một bà bán gà nói: “Mang ra chợ bán là để “chào hàng” là chính, bán cho người dân nuôi vài chục đến trăm con là cùng, còn khi nào gặp mối mới gọi hàng về, bao nhiêu cũng được. Hiện nay mỗi ngày tôi chỉ lấy vài trăm con, ra đây bán không hết lại mang về nhà nuôi, hôm sau lại mang bán. Các chú mua nhiều cần có giấy kiểm dịch thì có liền vì ở đây chúng tôi mua một lô gà ta có giấy kiểm dịch rồi trộn vào trộn gà TQ vào. Lấy nhiều chị lấy giá 25 ngàn đồng/con gà chân lù, 18.000 đồng/con “gà Tàu bay” – bà Thanh, số ĐT 097429828x khẳng định.

Ở chợ Thứa, Mỹ Hào (Hưng Yên) mấy chủ bày bán gà giống tràn xuống lòng đường. Bà bán gà tên Bình mở lồng giới thiệu: “Tôi chỉ đưa ra đây một lồng 50 con, còn để ở nhà, ai mua nhiều tôi gọi điện đưa ra. Bà con ở đây đang nuôi gà TQ nhiều lắm, nhưng mấy ông ở đây (cơ quan chức năng) cứ hoạnh họe xin tiền nên phải để ở nhà. Dân họ có biết gà TQ đâu. Mà biết họ vẫn mua đấy thôi”.

Tại chợ Ghẽ, xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), phía cuối chợ có đến chục người bán gà giống, và cả chục người này đều bán gà giống TQ lẫn với gà ta. Nhưng không một người bán gà nào nói là gà TQ, chỉ đến khi hỏi gà TQ, người bán hàng tên Hùng, 0165372665x mới nói: “Gà chân lùn là gà TQ, nhưng mình bán cho dân thì nói là “gà công ty” thôi. Các anh thạo loại gà này, lấy nhiều về nhà tôi xem, cách đây chỉ gần 1km. Tôi lấy từ chỗ người ta nhập ở Móng Cái về, bao nhiêu chả có”.

Như vậy, khi gà giống nhập lậu từ TQ bán đến tay người dân là 21-23 ngàn đồng/con đối với “gà trọc”, còn “gà Tàu bay” là 15-17 ngàn đồng/con (tất nhiên, khi về đến chợ quê gà TQ đã tăng thêm một đến vài ngày tuổi). Có những nơi cá biệt như chợ Lim, Tiên Du (Bắc Ninh) bán tới 30.000 đồng/con gà chân lùn.

Từ giá bán đến tay người dân này, so với giá các trùm buôn lậu gà giống TQ ở biên giới các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh và Cao Bằng nhập lậu về thì giá này đã cao hơn gấp đôi. “Gà Tàu bay” 1 ngày tuổi mua tại bên kia biên giới chỉ vào 2.500 – 3.000 đồng/con. Còn “gà trọc” mua tại TQ chỉ trên 10.000 đồng. Như vậy, một con gà giống TQ nhập lậu về Việt Nam bán đến tay người dân các trùm buôn lậu và thương lái sẽ lãi được 12.000 -13.000 đồng/con.

Dịch thì chết cả làng

Bà Thanh, thôn Lương Yên, xã Yên Trung, Yên Phong (Bắc Ninh) vừa mua 50 con gà giống TQ xong tặc lưỡi: “Úi giờ, đã dịch CGC thì cả làng chết chứ đâu mình ai. Mấy ông cán bộ và đài báo cứ bảo mua gà giống phải có giấy kiểm dịch, tôi thấy chả gà nào có giấy kiểm dịch cả. Mà thích có giấy kiểm dịch thì gà TQ cũng có giấy kiểm dịch ngay. Năm ngoái, ở vùng này gà chết đầy ra đấy, cả gà có giấy kiểm dịch cũng chết, gà ta cũng chết, gà TQ cũng chết”.

Ông Nam – người chuyên cung cấp gà TQ cho người dân vùng này nói: “Tôi buôn gà TQ năm nay chưa thấy dân kêu chết. Năm ngoái thì chả hiểu sao dân nuôi được một thời gian gà lăn chết hàng loạt. Bây giờ chăn nuôi khó khăn lắm, gà chết vì dịch bệnh là thường xuyên, và dân cũng không trách mình. Đấy là nuôi gà TQ chứ gà ta mà chết thì thiệt hại lớn lắm”.

"Nhà tôi Tết này chỉ trông chờ vào đàn gà TQ mua hôm nay. Cũng muốn mua gà ta nuôi nhưng thứ nhất là không có tiền, thứ hai là chả biết thế nào. Dịch bệnh thì cũng chết hết thôi. Dân bây giờ cũng chả biết tin ai hết. Gà ta nói thế chứ cũng chả tin được đâu. CGC thì cũng chết cả. Giờ chỉ cầu sao đừng xảy ra dịch CGC để nhà tôi có Tết" – chị thôn Lương Yên, xã Yên Trung, huyện Yên Phong, Bắc Ninh.

Theo chân những người dân mua gà giống TQ tại chợ Lim về xã Nam Sơn, TP Bắc Ninh (Bắc Ninh) - nơi thường xuyên xẩy ra dịch CGC. Bà Nghiên, thôn Sơn Nam - một chủ trang trại nuôi gia cầm bảo: “Trước đây tôi ra chợ mua mấy trăm gà về nuôi, khi hỏi nguồn gốc giống từ đâu thì người ta bảo giống gà ta, gà đã được phòng bệnh, tôi hám của rẻ mua về nuôi được thời gian thì lăn đùng ra chết. Thấy vậy, tôi lân la dò hỏi thì mới biết đó là giống gà TQ. Tôi cạch đến già không dây với gà TQ nữa. Nhưng trong thôn Sơn Nam này, nhiều nhà vẫn nuôi gà TQ”.

Ông Vũ Công Tiến, cán bộ thú y Trang Hạ bảo: “Từ trước đến nay chúng tôi kiểm tra và phát hiện nhiều người bán gà giống không rõ nguồn gốc nhưng chỉ nhắc nhở thôi. Chúng tôi biết có nhiều loại gà giống bán ở chợ không có nguồn gốc xuất xứ và chủ yếu người nơi khác mang gà đến bán, chỉ các hộ dân nuôi, còn những hộ chăn nuôi gà với số lượng lớn thì họ có công ty cung cấp nguồn giống, cung cấp thức ăn và thuốc phòng bệnh.

Ông Bùi Văn Quỳnh, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) – nơi có chợ Ghẽ bán gà TQ thì bảo: “Trong mấy năm qua người dân ở xã chăn nuôi nhỏ lẻ, dịch bệnh thường xuyên xảy ra khiến cho nhiều đàn gia cầm chết. Ở xã khi nào có chiến dịch tiêm phòng, thông báo dịch bệnh…. thì mới xuất hiện nên việc quản lý gì cầm không được sát sao”.

Có một sự trùng hợp thú vị là nhiều chợ quê bán gà Tàu chúng tôi đến khảo sát, khu vực xung xung quanh các chợ này thường xuất hiện dịch CGC và các loại dịch bệnh khác. Hỏi đến gà chết do dịch thì dân ai cũng kêu là “sao lắm dịch thế”, “sao người chăn nuôi khổ thế”.

Xem thêm
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Cấp tỉnh không quá 14 Sở

Ban chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 yêu cầu tổng số Sở thuộc UBND cấp tỉnh không quá 14 Sở, riêng Hà Nội và TP.HCM không quá 15 Sở.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là cuộc cách mạng lớn

An Giang có trên 300 nghìn nông dân trực tiếp sản xuất lúa và 229 hợp tác xã đang đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Khởi tố nghi phạm đốt quán hát khiến 11 người chết ở Phạm Văn Đồng

Vụ cháy trên phố Phạm Văn Đồng (Hà Nội) khiến 11 người tử vong. Cảnh sát điều tra CA TPHN đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với nghi phạm 51 tuổi.