Đây là một đơn vị nắm giữ nhiều game show trên Đài truyền hình TP.HCM và Đài truyền hình Vĩnh Long. Sự làm ăn thua lỗ của Công ty Điền Quân phải chăng là lời cảnh báo nghiêm khắc về sự thoái trào các game show màn ảnh nhỏ.
Năm 2020 cũng xuất hiện một số game show mới như “Chị em chúng mình”, “Chọn ai đây” hoặc “Chân ái”.
Thế nhưng, sự dịch chuyển từ bão hòa đến thoái trào của game show là điều không khó để nhận ra. Hệ lụy ấy hoàn toàn không thể đổ lỗi hết cho đại dịch toàn cầu Covid-19, mà do chất lượng các game show ngày càng dễ dãi và nhảm nhí.
Hai thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, người Việt đón nhận một món ăn tinh thần mới là game show. Đó cũng là giai đoạn đánh dấu sự phát triển vượt bậc của công nghệ truyền hình và sự tham gia của tư nhân vào lĩnh vực sản xuất các chương trình giải trí trên màn ảnh nhỏ.
Có những công ty quảng cáo hoặc những công ty truyền thông được thành lập chỉ nhằm một mục đích duy nhất là thực hiện game show.
Game show giúp các đài truyền hình có được nguồn doanh thu lớn, mà hầu như không cần đầu tư gì về nhân lực và vật lực. Game show được dàn dựng bên ngoài đài truyền hình và được phát sóng theo một hợp động kinh tế khá chi tiết và khá cởi mở.
Đã có nhiều năm, đời sống văn hóa buộc phải thừa nhận khái niệm “quyền lực game show”. Báo chí chạy theo tin tức về game show, doanh nghiệp thương lượng quảng cáo với game show, và buồn vui của công chúng cũng được quyết định bởi game show.
Những game show thuần Việt như “Trúc xanh” hoặc “Đố vui để học” dần dần nhường chỗ cho game show nước ngoài. Những game show mang ý nghĩa từ thiện xã hội như “Ngôi nhà mơ ước”, “Lục lạc vàng”, Vượt lên chính mình” hoặc “Như chưa từng có cuộc chia ly” cũng thúc thủ trước sự cạnh tranh khốc liệt của những game show vui vẻ trẻ trung.
Game show tạo ra một thế hệ ngôi sao mới, điệu đà hơn mà cũng hời hợt hơn như Trấn Thành, Trường Giang, Hari Won, Ngô Kiến Huy, Tóc Tiên, Đông Nhi…
Ngoài game show “Ai là triệu phú” tương đối bền vững, thì số lượng game show ra đời vội vàng và biến mất nhanh chóng chẳng thể nào thống kê cho đầy đủ.
Chỉ riêng ba thương hiệu ăn khách là Đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình TP.HCM và Đài truyền hình Vĩnh Long… đã nảy nở hơn 100 game show như “Ơn giời, cậu đây rồi”, “Gương mặt thân quen”, “I can do that - Tôi có thể”, “Thần tượng Bolero”;
“The Face - Gương mặt thương hiệu”, “Vietnam’s Next Top Model”, “Người bí ẩn”, “Hát mãi ước mơ”, “Thách thức danh hài”, “Ca sĩ bí ẩn”, “Làm vợ phải thế”, “Dạ khúc tình yêu”, “Phiên bản hoàn hảo”;
“Mặt nạ ngôi sao”, “Sao nối ngôi”, “Tiếu lâm tứ trụ”, “Ban nhạc quyền năng”, “Tuyệt đỉnh song ca”, “Kịch cùng Bolero”, “Ca sĩ giấu mặt”, “Cười xuyên Việt”, “Bạn muốn hẹn hò”, “Lựa chọn của trái tim”;
“Vì yêu mà đến”, “Yêu là chọn”, “Giai điệu chung đôi”, “Cho phép được yêu”.
Với sự bùng nổ về số lượng như vậy, vì sao lại bi quan về sự loay hoay thoái trào của game show? Ngoài quy luật hoa nở hoa tàn, thì một nguyên nhân quan trọng nhất để game show nước ta kém chất lượng là không biết lượng sức mình. Những nhà sản xuất cứ tranh nhau chiếm sóng rồi giở các chiêu trò chụp giật để hốt bạc nhất thời, mà không quan tâm đến giá trị đích thực của game show.
Một trong những yếu tố khiến khán giả ngán ngẩm game show là sự “kịch” và “thô” quá mức. Thật khó tin, khi những ngôn từ chợ búa vẫn công khai xuất hiện trên truyền hình, như đoạn tán tỉnh của người nam dành cho người nữ: “Anh chăm em như một con heo vàng nhé. Anh dám chắc với em một điều sau khi chương trình này kết thúc, anh sẽ bưng em về nhà”.
Hiện nay có bao nhiêu game show do người Việt Nam nghĩ ra để phô diễn khả năng của người Việt Nam? Hầu như không có. Các game show ồn ào nhất, đều mua bản quyền tư nước ngoài, bằng tâm lý “thấy người ta ăn khoai thì mình cũng vác mai đi đào”.
Các nhà sản xuất không thèm chú ý rằng, phương Tây có kiểu giải trí của phương Tây, mà chưa chắc phương Đông đã theo đồng cảm và đồng tình.
Mặt khác, một khi đã mua bản quyền của thiên hạ, thì những nhà sản xuất trong nước lại thổi phồng biên độ thẩm mỹ lên theo kiểu đao to búa lớn. Ví dụ, game show “Siêu trí tuệ Việt Nam” là một sự cưỡng cầu rõ nét.
Với bản gốc là “Super Brain” từng làm mưa làm gió nhiều năm trước ở châu Âu, game show “Siêu trí tuệ Việt Nam” được Công ty DID Tivi mua bản quyền từ EndermolShine Group của Đức, rồi bắt tay với HTV2- Đài truyền hình TP.HCM để sản xuất phiên bản Việt.
Tuy nhiên “Super Brain” (bộ óc siêu phàm) bùng lên thành hiện tượng toàn cầu khi được thực hiện tại Trung Quốc với tên gọi “Tối cường đại não” (bộ não xuất chúng). Với dân số hơn 1,4 tỷ người thì việc những người làm chương trình “Tối cường đại não” tìm kiếm những người có khả năng ghi nhớ sự kiện hoặc con số một cách phi thường, cũng không quá khó khăn.
Khi nhập khẩu vào nước ta, “Super Brain” được lấy cái tên khá ngạo nghễ là “Siêu trí tuệ Việt Nam”. Một game show mà lạm dụng ngôn ngữ khua chiêng giống trống của quảng cáo, như một sân chơi dành cho những nhân vật đẳng cấp siêu phàm, thì không sớm vỡ trận mới lạ!
Nếu không có Covid-19, thì game show cũng sẽ lâm vào hoàn cảnh chợ chiều bi đát. Bởi lẽ, nhiều game show mà ít gương mặt. Giám khảo quay qua quay lại cũng chỉ mấy nhân vật ấy. Thí sinh thì hỏng sân chơi nọ liền tót sang sân chơi kia. Vì vậy, tính hấp dẫn giảm dần, và tính nhăng nhố tăng lên.
Tuy có hàng trăm game show, nhưng chỉ có bốn dạng thức. Game show về ca nhạc, game show về tấu hài, game show về thời trang và game show về se duyên. Cả bốn loại game show trên, trong thời gian gần đây, đều tụt giảm thê thảm về lượng người xem.
Bằng chứng rõ nhất là giá quảng cáo phải hạ xuống rất thấp. Ví dụ, game show “Gương mặt thân quen” liên tục điều chỉnh giá quảng cáo từ 370 triệu đồng/30 giây xuống còn 250 triệu đồng/30 giây và lùi dần qua mức 200 triệu đồng/30 giây.
Không giữ chân được công chúng bằng sự hay ho, thì kích động công chúng bằng sự nhảm nhí. Phát ngôn vớ vẩn của giám khảo hoặc hành vi lố lăng của thí sinh, không còn hiệu quả nữa. Kỹ nghệ mới được triển khai chính là bới móc đời tư để bán rẻ một cách công khai.
Chương trình “Sau ánh hào quang” từng tạo cơ hội cho diễn viên Lê Giang bêu riếu chồng cũ là danh hài Duy Phương. Hoặc chương trình “Người ấy là ai” thì nhân vật nam tham gia giới thiệu mình đang độc thân đã bị khán giả tố cáo là giả dối vì vẫn khoe ảnh chụp chung với bạn gái trên Facebook.
Còn chương trình “Hành lý tình yêu” thì khuyến khích diễn viên Michiyo Phạm Ngà nỉ non về sự non kém tình dục của các quý ông.
“Chuyện chăn gối là yếu tố quan trọng giúp xây dựng một cuộc hôn nhân hạnh phúc, nhưng đàn ông Việt Nam đa phần không làm được việc đó… Mỗi một giai đoạn em sẽ thích kiểu đàn ông khác nhau… Cường độ về chuyện chăn gối của 2 anh có thể chịu được mỗi ngày mấy lần, 3 hay là 6 lần?”.
Game show là một món giải trí đã nhàm chán và nguội lạnh. Đời sống văn hóa đang cần sự thay thế thực đơn tinh thần bổ ích hơn. Danh hài Tấn Beo rất có lý, khi cho rằng: “Tôi nghĩ, khi game show đi xuống, nghệ sĩ có thời gian nhìn lại chính mình để khi trở lại, mang theo sự tích cực cho khán giả”.