| Hotline: 0983.970.780

Gần 3.000 lượt nông dân được đào tạo canh tác lúa thân thiện với môi trường

Chủ Nhật 17/04/2022 , 17:25 (GMT+7)

Dự án 'Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam' đạt nhiều kết quả trong đào tạo, tập huấn cho cán bộ, nông dân.

Ông Mai Bắc Mỹ, Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) - Giám đốc Ban Quản lý Dự án chia sẻ về kết quả sau 2 năm triển khai. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Mai Bắc Mỹ, Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) - Giám đốc Ban Quản lý Dự án chia sẻ về kết quả sau 2 năm triển khai. Ảnh: Tùng Đinh.

Ngày 17/4, Hội thảo chia sẻ kết quả của dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam" (Dự án) được tổ chức với sự tham gia của ông Mai Bắc Mỹ, Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) - Giám đốc BQL Dự án, bà Nguyễn Thị Việt Hà, Phó Trưởng ban Đối ngoại và hợp tác quốc tế (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) - Phó Giám đốc BQL Dự án, PGS. TS Nguyễn Xuân Hồng - Cố vấn cao cấp của Dự án và đại diện Hội Nông dân tại 24 địa phương tham gia dự án.

Theo ông Mai Bắc Mỹ, hiện nay, ngành nông nghiệp cụ thể là lĩnh vực canh tác lúa đang là nguồn phát thải khí CO2 lớn, với sự quan trọng của ngành lúa gạo, việc thay đổi sang canh tác thân thiện với môi trường là điều tất yếu.

Để làm được điều đó, Dự án được ra đời và kéo dài trong 40 tháng từ tháng 3/2020 - tháng 7/2023 tại 24 tỉnh thuộc cả 3 miền. Giai đoạn 2 năm đầu của Dự án, từ 2/2020 - 2/2022 đã đạt được những kết quả, bài học đáng giá là cơ sở để hoàn thành mục tiêu khi Dự án kết thúc vào năm 2023.

Chia sẻ về kết quả ban đầu, bà Nguyễn Thị Việt Hà cho biết, Dự án đã tổ chức được 6 khóa tập huấn đào tạo giảng viên nguồn cho 142 cán bộ của Hội Nông dân, cán bộ Khuyến nông địa phương và tập huấn kỹ năng truyền thông cho gần 200 cán bộ.

Đặc biệt, sau 2 năm, Dự án đã tổ chức được 154 lớp tập huấn cho 2.800 lượt học viên nông dân về kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường. Cùng với đó là hơn 100 sự kiện truyền thông, hội thảo để tuyên truyền, nâng cao nhận thức về canh tác lúa thân thiện với môi trường cho hơn 5.000 cán bộ và nông dân.

Từ quá trình đào tạo, tuyên truyền nói trên, Dự án đã xây dựng được một mạng lưới cán bộ kỹ thuật hỗ trợ hơn 2.000 hộ trên diện tích hơn 860 ha về canh tác lúa thân thiện với môi trường.

"Những điểm mới của dự án là dựa trên cơ sở nghiên cứu hành vi của bà con nông dân, tập huấn mỗi kỹ thuật/vụ thay vì tập huấn tất cả trong 1 khóa, tài liệu được xây dựng công phu, dễ hiểu và ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động để nâng cao hiệu quả”, bà Hà cho biết.

Theo bà Hà, đến nay đã có hơn 2.300 hộ với hơn 7.000 nông dân chuyển từ canh tác lúa truyền thống sang canh tác thân thiện với môi trường.

Canh tác lúa thân thiện với môi trường được nông dân nhiều địa phương hưởng ứng. Ảnh: Tùng Đinh.

Canh tác lúa thân thiện với môi trường được nông dân nhiều địa phương hưởng ứng. Ảnh: Tùng Đinh.

Tại Bắc Giang, Dự án được triển khai tại 2 huyện là Lạng Giang và Yên Dũng, kết quả giảm được lượng phân hóa học 20-30%; giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (giảm lượng chi phi đầu tư); tăng năng suất lúa từ 7-8 tạ/ha (năng suất: 2,3-2,5 tạ/sào); tăng hiệu quả kinh tế 8- 9 triệu đồng/ha.

Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, đây là nền tảng cơ bản nhất để triển khai nhân rộng vì tác động môi trường là lâu dài nhưng hiệu quả kinh tế đối với người dân là rõ ràng, dễ thu hút người tham gia.

Ngoài ra, các hộ nông dân đã ý thức sản xuất ra loại gạo thương phẩm an toàn, nâng cao giá trị hàng hóa, tăng xuất khẩu và bảo vệ sức khoẻ con người có tính lan tỏa, một số hộ khác chưa tham gia mô hình khi thấy hiệu quả cũng đã áp dụng làm theo.

Dự kiến, trong thời gian tới Bắc Giang sẽ tiếp tục mở rộng diện tích và địa phương triển khai dự án này ở 2 huyện mới là Yên Thế và Hiệp Hòa. Bên cạnh sự đầu tư của Hội Nông dân, các huyện của tỉnh Bắc Giang cũng ủng hộ và hỗ trợ thêm kinh phí cho hoạt động của Dự án.

Xem thêm
Phương châm '3 đủ' trong phòng chống đói, rét cho gia súc

Thái Nguyên Tại huyện Phú Lương, công tác phòng chống đói, rét được thực hiện với phương trâm '3 đủ' là đủ ấm, đủ no, đủ vacxin và thú y phòng dịch.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Cay đắng vì mua nhầm giống cúc mâm xôi lạ, chậm trổ bông

Bến Tre Hiện tượng cúc mâm xôi chậm phân cành, chậm phân hóa mầm hoa xảy ra với 70 hộ, số lượng khoảng 149.000 chậu, chiếm khoảng 10% tổng lượng cúc mâm xôi của huyện Chợ Lách.