| Hotline: 0983.970.780

Thuỷ điện Sử Pán 1 xả lũ trôi tài sản dân Bản Hồ (Sa Pa):

Gần 9 tháng chưa nhận được tiền khắc phục hậu quả

Thứ Sáu 28/02/2020 , 13:15 (GMT+7)

Sau gần 9 tháng, Nhà máy thuỷ điện Sử Pán 1 xả lũ cuốn trôi tài sản người dân xã Bản Hồ nhưng tới nay họ vẫn chưa nhận được tiền khắc phục thiệt hại.

Xã Bản Hồ sau một đêm bị lũ cuốn cuối tháng 6/2019 (Ảnh tư liệu).

Xã Bản Hồ sau một đêm bị lũ cuốn cuối tháng 6/2019 (Ảnh tư liệu).

Nhà máy thuỷ điện Sử Pán 1 có công suất 30MW, hoạt động từ tháng 12/2018, do Công ty cổ phần Công nghiệp Việt Long quản lý và vận hành. Thuỷ điện này nằm trên thượng nguồn suối Mường Hoa chảy ra địa phận xã Bản Hồ cũng là khu vực 18 hộ dân thôn Bản Dền (xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) sinh sống nhiều năm nay.

Rạng sáng 24/6/2019, mưa lớn, Nhà máy thuỷ điện Sử Pán 1 xả lũ đột, không thông báo cho người dân nên cuốn trôi tài sản, hoa màu của nhiều hộ. Cho đến nay, hậu quả nặng nề do đợt xả lũ gây ra chưa thể khắc phục.

Ông Đào A Phổng thôn Bản Dền (xã Bản Hồ) cho biết, gia đình phải tích cóp nhiều năm mới xây dựng được căn nhà 2 tầng kiên cố rồi vay ngân hàng mua ô tô kinh doanh. Khi thuỷ điện Sử Pán 1 xả lũ trong đêm làm gãy 5 cột nhà, ô tô hỏng hóc, đồ đạc trong nhà nhiều thứ cuốn trôi… “Sau lũ, tôi thuê thợ đắp xi măng cột nhà để ở tạm qua ngày, chứ thấy nguy hiểm lắm”, ông Phổng nói.

Còn ông Vàng A Yêm người cùng bản cho hay, khi thuỷ điện Sử Pán 1 xả lũ nhiều tài sản gia đình bị cuốn trôi từ bát đĩa, xoong nồi, xe máy rồi đồ đạc trong nhà hỏng hết. Còn ao cá của gia đình bị nứt, cá trôi mất cả tạ… nên cuộc sống sau lũ rất khó khăn. Tuy vậy, ông Yêm cho rằng mình vẫn may mắn vì còn nhà để ở.

Nhiều tài sản của người dân Bản Hồ bị hỏng hóc, lũ cuốn trôi (Ảnh tư liệu).

Nhiều tài sản của người dân Bản Hồ bị hỏng hóc, lũ cuốn trôi (Ảnh tư liệu).

Nhà của ông trưởng thôn Bản Dền Đào A Án cũng không tránh khỏi thiệt hại, nhưng bàn ghế của thôn… cũng bị lũ cuốn trôi không còn cái nào. Lũ cũng mang theo công cụ dụng cụ, máy móc làm mộc giúp ông kiếm sống qua ngày.

Cũng theo những người dân nơi dây, chỉ vì sai phạm của Công ty cổ phần công nghiệp Việt Long và Nhà máy thuỷ điện Sử Pán 1 trong quy trình xả lũ mới gây ra những mất mát nặng nề cho họ.

Từ chỗ có nơi ở ổn định, trồng trọt canh tác đến nay họ phải gánh chịu cảnh ăn ở tạm bợ, bao nhiêu công sức trồng trọt nương rãy nhiều năm qua đổ sông, đổ bể. Họ chỉ mong được đền bù thoả đáng cho những gì mất mát. Thế nhưng gần 9 tháng qua, việc khắc phục hậu quả vẫn chưa giải quyết xong.

Ông Đào A Khởi - Chủ tịch UBND xã Bản Hồ cho biết, sau khi sự việc xảy ra cuối tháng 6/2019, người dân bản Hồ được hỗ trợ ban đầu, hộ ít là 2 triệu đồng, hộ nhiều là 50 triệu đồng. Ở thời điểm đó chưa xác định được nguyên nhân gây ra lũ, nhưng cũng từ đó đến nay chưa có thêm sự hỗ trợ, đền bù nào.

Ông Đào A Phổng chỉ tay vào vệt nước lũ cuối tháng 6/2019. Ảnh: ĐH.

Ông Đào A Phổng chỉ tay vào vệt nước lũ cuối tháng 6/2019. Ảnh: ĐH.

Liên quan vấn đề trên, ông Lê Tân Phong – Chủ tịch thị xã Sa Pa đề nghị làm việc với bà Trần Thị Lan Hương – Phó trưởng phòng NNPTNT thị xã Sa Pa để có thông tin chi tiết. Bà Hương xác nhận, đến nay người dân ở xã Bản Hồ cũng như xã Sử Pán chưa nhận được tiền khắc phục hậu quả sau lũ.

Theo bà Hương, sau khi sự việc xảy ra UBND huyện Sa Pa (nay là thị xã Sa Pa) đã kiểm tra thực tế, tổ chức các buổi làm việc đánh giá mức độ thiệt hại về hạ tầng, nhà cửa, tài sản, hoa màu của người dân. UBND huyện đã thành lập tổ công tác thống kê, thẩm định giá trị thiệt hại của các hộ dân trên địa bàn xã Bản Hồ, xã Sử Pán liên quan đợt mưa lũ ngày 23-24/6/2019.

Đến nay, UBND huyện Sa Pa đã phê duyệt tổng giá trị thiệt hại của nhân dân và tổ chức thông báo, niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã Bản Hồ và cả ở xã Sử Pán.

Cụ thể, theo báo cáo số 637/BC-UBND ngày 20/11/2019, UBND huyện Sa Pa thì giá trị thiệt hại của các hộ dân xã Bản Hồ theo quyết định số 1208/QĐ-UBND ngày 8/11/2019 của UBND huyện Sa Pa có 57 hộ và 2 đơn vị bị thiệt hại.

Trong đó giá trị thiệt hại là trên 2,55 tỷ đồng, bao gồm: Thiệt hại về nhà ở, vật kiến trúc là trên 596 triệu đồng; thiệt hại về tài sản, vật dụng còn hiện trạng hoặc có hoá đơn làm căn cứ xác định là trên 1,38 tỷ đồng; thiệt hại về nông nghiệp là trên 577 triệu đồng.

Cũng theo bà Hương, thiệt hại về tài sản của 49 hộ dân xã Bản Hồ kê khai đã bị nước cuốn trôi không có cơ sở xác định giá trị nên không phê duyệt trong quyết định số 1208/QĐ-UBND ngày 8/11/2019 của UBND huyện Sa Pa…

Hiện UBND thị xã Sa Pa đã có báo cáo, đề xuất phương án hỗ trợ kinh phí thiệt hại cho người dân tới Sở Công thương tỉnh Lào Cai để trình các sở ban ngành, lấy ý kiến thực hiện hỗ trợ cho người dân.

“Sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo các sở ban ngành có chức năng thẩm quyền đến thăm hỏi, động viên bà con nhưng đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Công nghiệp Việt Long - đơn vị chủ quản của Nhà máy thuỷ điện Sử Pán 1 không xuất hiện. Công ty không có lời xin lỗi nào đối với người dân bị thiệt hại, cũng không có bất kỳ động thái nào thể hiện sự quan tâm, thăm hỏi người dân chúng tôi” – ông Đào A Phỏng đại diện 18 hộ dân nói.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.