| Hotline: 0983.970.780

Gắn bó với nghề cả thập niên, thú y viên lương vỏn vẹn 2 triệu đồng/tháng

Thứ Năm 23/11/2023 , 09:22 (GMT+7)

Thái Nguyên Không chỉ mức đãi ngộ chưa tương xứng, nhân viên thú y cấp xã còn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm trong công việc.

Địa bàn rộng, di chuyển khó khăn, lực lượng mỏng

Theo chân anh Trần Văn Cường, nhân viên thú y xã Lâu Thượng, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) thực hiện tiêm phòng bổ sung đợt 2 năm 2023 tới từng hộ dân, chúng tôi được cảm nhận rõ nét những vất vả, thiếu thốn mà người làm công tác thú y cơ sở như anh Cường phải đối mặt.

Từ nhiều năm nay, Võ Nhai luôn được coi là huyện "ba khó" của tỉnh Thái Nguyên: Địa bàn với địa hình phức tạp, chia cắt; mật độ dân cư thưa thớt; tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Những yếu tố trên khiến công tác thú y tại địa phương gặp nhiều khó khăn dù lãnh đạo ngành nông nghiệp, cán bộ thú y cơ sở đã nỗ lực tối đa.

Là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh Thái Nguyên, Võ Nhai có 15 xã, thị trấn với dân số trên 69.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 70%.

Lực lượng thú y xã Lâu Thượng, huyện Võ Nhai di chuyển giữa các điểm tiêm vacxin. Ảnh: Quang Linh.

Lực lượng thú y xã Lâu Thượng, huyện Võ Nhai di chuyển giữa các điểm tiêm vacxin. Ảnh: Quang Linh.

Do dân cư thưa, địa hình chủ yếu là đồi núi đá vôi, nhân viên thú y đi tiêm phòng chỉ có thể di chuyển bằng xe máy, thậm chí phải chuyển sang đi bộ, vượt núi để tiết kiệm thời gian. Tính cả cộng tác viên, lực lượng thú y xã Lâu Thượng chỉ có 3 người.

“Chăn nuôi trên địa bàn xã Lâu Thượng vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Mỗi gia đình nuôi vài con trâu, bò, lợn… nên tổng đàn vật nuôi không lớn nhưng số hộ cần tiêm lại rất nhiều. Các hộ cách xa nhau, nhiều đoạn đường chưa đổ bê tông, một buổi sáng đi không nghỉ chân, tiêm không ngừng tay, chúng tôi cũng chỉ tiêm được 7 hộ”, anh Trần Văn Cường cho hay.

Anh Trần Văn Cường, nhân viên thú y xã Lâu Thượng, huyện Võ Nhai (bên phải) hỗ trợ người dân về kỹ thuật chăn nuôi, thú y. Ảnh: Quang Linh.

Anh Trần Văn Cường, nhân viên thú y xã Lâu Thượng, huyện Võ Nhai (bên phải) hỗ trợ người dân về kỹ thuật chăn nuôi, thú y. Ảnh: Quang Linh.

Bên cạnh khó khăn về việc di chuyển, anh Cường cũng nhắc tới việc các hộ dân chưa chuẩn bị chu đáo trước khi nhân viên thú y tới tiêm.

“Bà con chăn nuôi nhỏ lẻ là chủ yếu, đôi lúc hẹn lịch tiêm nhưng tới nhà lại không có ai. Để tiêm nhanh thì người dân phải nhốt hoặc buộc gia súc cố định trước, nhân viên thú y tới chỉ việc tiêm. Nhưng nhiều nhà tới nơi mới lùa, nhốt động vật lại khiến quá trình tiêm tốn nhiều thời gian”, anh Trần Văn Cường mong muốn người dân có sự chuẩn bị để tiết kiệm thời gian cho nhân viên thú y.

Theo Bà Đặng Thị Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Võ Nhai, hiện nay tỷ lệ áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi trên địa bàn huyện còn thấp, người dân chưa có ý thức cao trong việc báo cáo dịch bệnh, gia súc chết cho cơ quan chức năng, nên cán bộ thú y luôn phải bám sát cơ sở để kiểm soát dịch bệnh trên diện rộng.

Ngành nông nghiệp huyện Võ Nhai đang phối hợp với các Hội, đoàn thể và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức của người dân trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, nhất là tiêm vacxin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm.

Công việc nguy hiểm nhưng chế đội đãi ngộ thấp

Trong hơn 10 năm gắn bó ngành thú y, anh Trần Văn Cường cũng nhiều lần đối mặt với nguy hiểm khi thực hiện thăm khám, tiêm vacxin trên đàn vật nuôi.

“Đã có trường hợp đi tiêm phòng dại chó, gặp con vật hung dữ, trong quá trình tiêm còn quay lại cắn mình. Khi tiêm cho con vật có kích thước lớn như trâu và bò, chúng tôi cũng phải né những cú đá ngang bụng của con vật. Nếu bị đá trúng sẽ gây chấn thượng nặng cho cơ thể con người”, anh Cường tâm tư.

Tình huống nguy hiểm khi chú bò nhảy lên trong quá trình cố định trước khi nhân viên thú y xã Lâu Thượng tiêm vacxin. Ảnh: Quang Linh.

Tình huống nguy hiểm khi chú bò nhảy lên trong quá trình cố định trước khi nhân viên thú y xã Lâu Thượng tiêm vacxin. Ảnh: Quang Linh.

Công việc vất vả, nguy hiểm là thế, nhưng chế độ đãi ngộ cho nhân viên thú y cơ sở vẫn được đánh giá chưa tương xứng. Anh Trần Văng Cường chỉ có thu nhập hơn 2 triệu đồng ở vị trí nhân viên thú y cấp xã. Là lao động chính trong gia đình 3 nhân khẩu, anh Cường phải làm thêm ruộng và chăn nuôi để có đủ tiền nuôi con nhỏ.

Anh Cường bày tỏ: “Tôi rất yêu và muốn gắn bó lâu dài với ngành thú y. Tuy nhiên, mức lương hiện nay còn thấp và công việc phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, vất vả, mong các cấp nghiên cứu tăng mức phụ cấp cho nhân viên thú y cơ sở để anh em yên tâm công tác, cống hiến cho ngành”.

“Hiện nay lực lượng thú y cấp xã rất mỏng nhưng phải gồng mình quản lý địa bàn rộng. Trong thời gian tới, rất mong muốn cơ quan có thẩm quyền có phương án tăng ưu đãi về lương, phụ cấp cho nhân viên thú y cơ sở. Bên cạnh đó, sớm nghiên cứu các chính sách hỗ trợ cụ thể, bảo hiểm cho nhân viên thú y thực hiện công việc nguy hiểm, dễ gặp tai nạn như: tiêm phòng, tiêu hủy xác động vật…”, bà Đặng Thị Hiếu đề xuất.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.