| Hotline: 0983.970.780

Gắn kết tình hữu nghị Việt - Nhật bằng âm nhạc

Thứ Tư 23/08/2023 , 09:26 (GMT+7)

Dàn nhạc giao hưởng lễ hội Việt – Nhật lưu diễn tại Nhật Bản với chủ đề ‘Tình hữu nghị’, ‘nguyện cầu’ và 'hy vọng’ nhằm tưởng nhớ các nạn nhân thiên tai.

Dàn nhạc giao hưởng lễ hội Việt - Nhật đầu tiên 

Hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973-2023), dàn nhạc giao hưởng lễ hội Việt - Nhật đầu tiên trong lịch sử, quy tụ những nghệ sỹ tài năng của hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản.

Dàn nhạc có sự tham gia của 60 nghệ sĩ, một nửa của Việt Nam và một nửa của Nhật Bản. Chỉ huy dàn nhạc là nhạc trưởng Đồng Quang Vinh (Nhà hát Vũ kịch Việt Nam), Soloist là Nguyễn Việt Trung, ngôi sao trẻ đầu tiên ở Việt Nam lọt vào vòng chung kết Cuộc thi piano quốc tế Chopin sau 4 thập kỉ. Dàn nhạc sẽ lưu diễn tại 6 tỉnh, thành phố Nhật Bản, gồm Gunma, Tokyo, Iwate, Fukushima, Miyagi, Nara.

Dàn nhạc giao hưởng lễ hội Việt - Nhật với 60 nghệ sĩ sẽ có buổi lưu diễn tại 'Đất nước mặt trời mọc' vào tháng 10, hướng đến kỷ niệm 50 năm thiết lập ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.  

Dàn nhạc giao hưởng lễ hội Việt - Nhật với 60 nghệ sĩ sẽ có buổi lưu diễn tại 'Đất nước mặt trời mọc' vào tháng 10, hướng đến kỷ niệm 50 năm thiết lập ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.  

Giám đốc dự án, bà Matsuda Ayuko cho biết, chủ đề xuyên suốt của chuyến lưu diễn là ‘Tình hữu nghị, nguyện cầu và hy vọng’. Nhạc phẩm chính của buổi công diễn chứa đựng đầy đủ các ý tưởng này, đó chính là kiệt tác “Bản giao hưởng số 5” của Beethoven.

6 buổi công diễn đã được lên kế hoạch với buổi công diễn đầu tiên sẽ diễn ra tại tỉnh Gunma - nơi có nhiều người Việt sinh sống và làm việc, sau đó là thủ đô Tokyo.

Đáng lưu ý, ban tổ chức chương trình đã lựa chọn 3 tỉnh Đông Bắc Nhật Bản là Fukushima, Miyagi và Iwate. Đây là nơi chịu thiệt hại nặng nề của trận động đất, sóng thần 12 năm trước, cũng là nơi ghi nhận tình cảm trong sáng, chân thành của nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Nhật Bản trước thiên tai.

Bà Matsuda Ayuko, Giám đốc dự án phát biểu tại buổi họp báo.  

Bà Matsuda Ayuko, Giám đốc dự án phát biểu tại buổi họp báo.  

Nguyện cầu, hy vọng gắn kết tình hữu nghị Việt - Nhật

Bà Matsuda Ayuko chia sẻ, tính đến nay đã 12 năm trôi qua kể từ khi xảy ra thảm họa động đất, sóng thần tại Đông Bắc Nhật Bản. Trong đạo Phật, đây là cột mốc của 13 hồi kỵ đối với người đã khuất. Theo truyền thống Nhật Bản, 13 hồi kỵ là giỗ lần thứ 13, đếm theo năm sẽ là năm thứ 12. Theo phong tục Nhật Bản chỉ tổ chức giỗ vào giỗ đầu, giỗ thứ ba, thứ sáu và 13, tức là đám tang (3 hồi kỵ), 6 năm sau ngày mất (7 hồi kỵ) và 12 năm sau ngày mất (13 hồi kỵ). Số 13 là Đại Phật Như Lai nghĩa là 12 năm sau ngày mất thì linh hồn đó mới hoà vào vũ trụ.

Bởi vậy, ban tổ chức mong muốn thông qua âm nhạc để cầu siêu cho các linh hồn của những nạn nhân trong thảm họa động đất, sóng thần và nguyện cầu một tương lai tràn đầy hy vọng. Ban tổ chức cũng sẽ dành tặng 100 vé mời cho thân nhân các nạn nhân chịu thiệt hại nặng nề bởi thảm họa cũng như gia đình người Việt Nam sinh sống tại khu vực này.

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh - Nhà hát Vũ kịch Việt Nam chỉ huy dàn nhạc giao hưởng lễ hội Việt - Nhật. 

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh - Nhà hát Vũ kịch Việt Nam chỉ huy dàn nhạc giao hưởng lễ hội Việt - Nhật. 

Đặc biệt, kết thúc chuyến lưu diễn, dàn nhạc giao hưởng lễ hội Việt – Nhật sẽ biểu diễn tại Đại Phật Điện của chùa Đông Đại Tự (ngôi chùa bằng gỗ lớn nhất thế giới) tại tỉnh Nara.

Đây là nơi đã có giao lưu với Việt Nam từ hơn 1000 năm trước, sự khởi đầu cho mối lương duyên giữa chùa Đông Đại Tự với Việt Nam cũng bắt đầu từ âm nhạc khi vào năm 752, một tăng lữ của Việt Nam đã tới ‘cúng dường’ bằng vũ điệu và âm nhạc tại lễ ‘Khai quang điểm nhãn’ Đại tượng Phật tại đây.

Buổi biểu diễn cuối cùng sẽ diễn ra tại Đại Phật Điện của Đông Đại Tự ngôi chùa bằng gỗ lớn nhất thế giới tại tỉnh Nara, Nhật Bản. Ảnh: ST. 

Buổi biểu diễn cuối cùng sẽ diễn ra tại Đại Phật Điện của Đông Đại Tự ngôi chùa bằng gỗ lớn nhất thế giới tại tỉnh Nara, Nhật Bản. Ảnh: ST. 

Trao đổi với PV về ý tưởng lựa chọn tác phẩm cổ điển khi âm nhạc của chuyến lưu diễn bao gồm cả sự cầu siêu và bình an, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh cho biết, nhạc cổ điển là ngôn ngữ chung của toàn thế giới, do đó hầu hết các tác phẩm cổ điển được các bạn Nhật Bản lựa chọn trong đó mở đầu là bản Concerto số 1 viết cho Piano của Chopin, hầu hết những tác phẩm Chopin đều gợi đến nỗi buồn, nỗi nhớ người thân nhưng không bi quan mà đầy hy vọng.

Cũng theo nhạc trưởng Đồng Quang Vinh: Tác phẩm thứ hai được các bạn Nhật Bản lựa chọn là bản giao hưởng định mệnh của Beethoven, định mệnh ở đây đó chính là duyên. Điều này muốn nói lên rằng mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản nó như là duyên, là định mệnh vậy. Bằng âm nhạc cổ điển, ngôn ngữ chung của thế giới, các bạn Nhật Bản cũng như chương trình mong muốn gửi gắm đến khán giả về tình hữu nghị lâu bền.

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh cũng chia sẻ thêm, về tác phẩm cuối cùng sẽ có cả dàn đồng ca của các bạn thiếu nhi, phối kết hợp cùng với nhạc cụ Việt Nam đây là một thông điệp gửi gắm đến tương lai để tiếp nối tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.

Chuyến lưu diễn dự kiến diễn ra từ ngày 2 đến ngày 10 tháng 10.

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.