| Hotline: 0983.970.780

Gần Tết, nông dân hồ hởi vì lúa - tôm trúng mùa, được giá

Thứ Sáu 26/01/2024 , 17:19 (GMT+7)

KIÊN GIANG Nông dân huyện Vĩnh Thuận đang bước vào thu hoạch các diện tích lúa - tôm vụ đông xuân với niềm vui trúng mùa, được giá.

Vụ lúa - tôm năm 2023, bà con nông dân huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) gieo cấy trên 17.344ha. Năm nay, ngoài các giống lúa như OM17, 5451, Đài thơm 8, lúa lai F1, lúa Nhật…, huyện cũng tập trung gieo sạ các giống lúa đặc sản như ST24 và ST25, tập trung chủ yếu ở các xã Tân Thuận, Vĩnh Thuận, Bình Minh, Vĩnh Bình Bắc, Vĩnh Bình Nam, Vĩnh Phong, Phong Đông. Các diện tích lúa ST đều được các công ty ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá từ 9.200 - 11.000 đồng/kg.

Những ngày cận Tết, nông dân huyện Vĩnh Thuận đang đón niềm vui lớn khi các diện tích lúa - tôm vừa trúng mùa, vừa được giá. Ảnh: Diễm Trang.

Những ngày cận Tết, nông dân huyện Vĩnh Thuận đang đón niềm vui lớn khi các diện tích lúa - tôm vừa trúng mùa, vừa được giá. Ảnh: Diễm Trang.

Năm nay, vụ lúa đông xuân diễn ra trong điều kiện tương đối thuận lợi. Hiện tại, hầu hết nông dân trồng lúa trên đất nuôi tôm ở huyện Vĩnh Thuận đều trúng mùa. Năng suất lúa ước đạt từ 4 đến 5 tấn/ha, cá biệt có những mô hình lúa - tôm đạt từ 5 – 6,5 tấn/ha.

Ông Nguyễn Chấn Em, Giám đốc Hợp tác xã Đồng Tâm (ấp Bời Lời B, xã Bình Minh, huyện Vĩnh Thuận) cho biết: “Trước đây, nông dân chúng tôi sản xuất lúa theo kiểu truyền thống, nhưng nhờ được các ngành, địa phương hướng dẫn chọn giống và sản xuất theo quy trình hữu cơ, không sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học nên đã mang lại nhiều kết quả tích cực, nhất là cải thiện môi trường sinh thái đồng ruộng, lúa ít sâu bệnh, đặc biệt cho ra sản phẩm sạch, giá cao, được người tiêu dùng ưa chuộng”.

Thời điểm này, anh Lê Văn Út Mười Hai ở ấp Vĩnh Trinh (xã Vĩnh Thuận, huyện  Vĩnh Thuận) đang bước vào vụ thu hoạch lúa – tôm. Năm nay, gia đình anh mạnh dạn đưa vào sản xuất giống lúa ST24 kết hợp với nuôi tôm càng xanh trên diện tích 4ha, áp dụng mô hình sản xuất hữu cơ sinh học và được doanh nghiệp ký kết hợp đồng hỗ trợ sản xuất ban đầu, chuyển giao khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm. Theo tính toán của anh Mười Hai, sau khi trừ hết các khoản chi phí, vụ này anh có lợi nhuận trên 100 triệu đồng, còn tính cả năm gồm 2 vụ tôm và 1 vụ lúa - tôm thì lợi nhuận hơn 250 triệu đồng.

Huyện Vĩnh Thuận đang đẩy mạnh sản xuất lúa - tôm theo hướng hữu cơ. Ảnh: Diễm Trang.

Huyện Vĩnh Thuận đang đẩy mạnh sản xuất lúa - tôm theo hướng hữu cơ. Ảnh: Diễm Trang.

Anh Mười Hai cho biết: “Gia đình tôi rất phấn khởi vì vụ lúa – tôm càng xanh năm nay thành công ngoài mong đợi. Sản xuất lúa - tôm theo hướng hữu cơ không những lúa bán được giá cao mà còn được các công ty đến tận nhà bao tiêu sản phẩm nên không sợ bị thương lái ép giá. Năm nay, dù giá tôm càng xanh có sụt giảm đôi chút so với năm trước, nhưng bù lại tôm nuôi đạt sản lượng nên bù đắp được về giá. Thời gian tới, tôi dự định sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng thêm diện tích canh tác tôm - lúa theo quy trình sản xuất hướng hữu cơ”.

Ông Trần Văn Nhuần ở ấp Kênh 1 (xã Tân Thuận, huyện Vĩnh Thuận) cho biết, năm nay, lúa không những trúng mà mà còn trúng giá. 3ha lúa của gia đình tôi năm nay đạt năng suất bình quân từ 850 – 900kg/1.000m2, với giá 10 ngàn đồng/kg, trừ chi phí còn lãi gần 150 triệu đồng”.

Hiện nay, nông dân huyện Vĩnh Thuận đang bước vào cao điểm thu hoạch lúa, dự kiến đến cuối tháng Chạp sẽ thu hoạch dứt điểm. Bên cạnh niềm vui trúng mùa, được giá, nhiều bà con nông dân còn rất phấn khởi khi được tham gia vào mô hình sản xuất lúa hữu cơ, giúp giá trị sản phẩm lúa được nâng cao hơn so với trước.

Không chỉ trúng mùa, vụ lúa - tôm đông xuân năm nay, lúa còn được doanh nghiệp liên kết, bao tiêu với giá rất cao. Ảnh: Diễm Trang.

Không chỉ trúng mùa, vụ lúa - tôm đông xuân năm nay, lúa còn được doanh nghiệp liên kết, bao tiêu với giá rất cao. Ảnh: Diễm Trang.

Theo ông Võ Hoàng Nguyên, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Thuận, nhờ tuân thủ đúng lịch thời vụ nên vụ lúa đông xuân năm nay của bà con được mùa, ít sâu bệnh và chuột hại. Để nâng cao giá trị sản xuất trong mô hình lúa – tôm, huyện Vĩnh Thuận đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp canh tác theo hướng hữu cơ. Cùng với đó, đẩy mạnh liên kết sản xuất chuỗi, phát huy vai trò của hợp tác xã nông nghiệp làm đầu mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp tiêu thụ.

Xem thêm
Người làm nên thương hiệu 'heo say xỉn'

NINH BÌNH Mấy năm nay tôi không thể vào một trại lợn nào vì chủ trại phòng dịch rất nghiêm, thế mà anh Nga bảo vào thoải mái, lao động ở đây còn thường xuyên về nhà.

Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.