| Hotline: 0983.970.780

Niềm vui ngập tràn trên cánh đồng lúa - tôm

Thứ Năm 04/01/2024 , 14:00 (GMT+7)

Nông dân Cà Mau đang bước vào vụ thu hoạch lúa trên đất nuôi tôm. Đâu đâu bà con cũng ngập tràn niềm vui vì lúa trúng mùa, giá cao chưa từng thấy.

Mô hình lúa - tôm tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Ảnh: TL.

Mô hình lúa - tôm tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Ảnh: TL.

Năm nay đón Tết vui...

Giá lúa gạo trên thị trường vào những tháng cuối năm đang lập đỉnh, cao nhất từ trước tới nay. Điều này giúp nông dân có thêm động lực để phát triển sản xuất. Hiện nay, những cánh đồng lúa – tôm ở các huyện Thới Bình, Cái Nước, Trần Văn Thời, U Minh và TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) đang bước vào chính vụ thu hoạch. Dẫu có cực nhọc, vất vả nhưng tất cả đều hồ hởi, vui tươi, hăng hái làm việc, tất bật thu hoạch để bán lúa cho thương lái. 

Hiện giá lúa trên thị trường được thương lái đến tận ruộng thu mua với giá dao động từ 8.200 – 10.000 đồng/kg. Cụ thể, giá lúa ST24, ST25 được thu mua với giá từ 9.000 – 9.800 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 8.800 – 9.200 đồng/kg; OM 5451 từ 8.200 – 8.600 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, nông dân lãi khoảng 35 – 40 triệu đồng/ha, có hộ lãi đến 50 triệu đồng/ha. Đó là chưa kể các sản phẩm thủy sản nuôi kết hợp với lúa như tôm sú, tôm càng, cua biển...

Từ tờ mờ sáng, gió chướng ùa về khẽ lướt vào da thịt lạnh buốt, ông Phan Văn Hoàng, ngụ TP Cà Mau đã lật đật thức dậy chuẩn bị ra đồng chờ máy đến cắt lúa. Vừa đi, ông Hoàng sực nhớ ra điều gì, ông ngoái đầu nhìn lại nhắc con trai: “Tranh thủ dậy sớm ra phụ tao, hôm nay đã hẹn máy gặt rồi. Dậy trễ, người ta bỏ là cắt tay đó nghen mậy”. Dứt lời, ông cầm phích nước đi thẳng ra ruộng, khuất dần sau màn sương mù lạnh buốt.

Giá lúa vụ mùa tại Cà Mau hiện dao động từ 8.200 - 10.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay. Ảnh: Trọng Linh.

Giá lúa vụ mùa tại Cà Mau hiện dao động từ 8.200 - 10.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay. Ảnh: Trọng Linh.

Gia đình ông Hoàng có hơn 0,5ha đất nuôi tôm kết hợp trồng lúa. Vụ mùa năm nay, ông vừa thu hoạch khoảng 3 tấn lúa Đài thơm 8, được thương lái đến tận ruộng thu mua với giá 9.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông lãi hơn 22 triệu đồng. “Năm nay trúng mùa, trúng giá nên thương lái đến tận ruộng thu mua, máy vừa cắt xong là họ tự cân, tự chở nên mình đỡ công vận chuyển, phơi sấy. Năm nay, nông dân chúng tôi có cái tết ấp áp rồi”, ông Hoàng khoe.

Tại các địa phương có diện tích canh tác hẹp, máy gặt đập liên hợp không thể xuống đồng nên người dân phải thuê nhân công để cắt lúa. Nhờ vậy, nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương cũng có thêm thu nhập từ việc cắt lúa thuê. Trung bình mỗi ngày, thợ cắt lúa có thu nhập từ hơn 300.000 đồng/người.

Bà Phạm Thị Út, ngụ huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) cho biết: “Mỗi công lúa được chủ ruộng thuê với giá 600.000 đồng (1.000m2/công), lúa đổ ngã thì 800.000 đồng/công. Mỗi ngày vợ chồng tôi cắt 1 công là chuyện bình thường, có hôm khoẻ thì được khoảng 1,5 công. Nhờ vậy, mình có thêm việc làm lúc nhàn rỗi”.

Hợp tác xã lúa - tôm Trí Lực (xã Trí Lực, huyện Thới Bình) hiện có 17 thành viên và 450 xã viên liên kết với diện tích gần 1.000ha lúa - tôm. Xã viên sản xuất lúa - tôm theo hướng hữu cơ để đảm bảo cho tôm và lúa phát triển song song, không sử dụng hoá chất, phân bón hoá học.

Hằng năm, Hợp tác xã cung ứng cho thị trường trên 10 tấn gạo mang thương hiệu của Hợp tác xã. Giá gạo của Hợp tác xã bán khá cao và được khách hàng ưu chuộng với sản phẩm gạo chất lượng cao như ST24, ST25. Ngoài sản xuất lúa, bà con còn thả tôm càng xanh, cua, cá để tăng thêm thu nhập. Đây được xem là mô hình sản xuất bền vững, hạn chế ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, chất lượng sản phẩm được xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU…

Trong thời gian tới, mô hình trên sẽ tiếp tục được mở rộng với diện tích 10 ngàn ha đạt chứng nhận quốc tế ASC. Hiện Hợp tác xã cũng liên kết chặt giữa "4 nhà" (nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp) để đồng hành, phát triển bền vững.

Ông Lê Văn Mưa, Giám đốc Hợp tác xã lúa tôm Trí Lực cho hay, hiện các xã viên đang bước vào vụ thu hoạch lúa.

“Vụ mùa năm nay, xã viên trúng mùa, trúng giá lúa. Do đây là lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ, nằm trong chuỗi liên kết sản xuất nên được Hợp tác xã ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp thu mua với giá ổn định. Nông dân canh tác theo mô hình này không sợ thương lái ép giá, giá lúa thu mua lúc nào cũng cao hơn thị trường. Sản lượng lúa đạt từ 6 – 6,5 tấn/ha. Hiện giá thu mua lúa đang dao động từ 9.100 – 9.800 đồng/kg. Với mức giá này, năm nay nông dân địa phương đón một cái tết đầm ấm, đủ đầy”, ông Mưa phấn khởi.

Giá tôm tăng trở lại

Sau thời gian dài ảm đạm, tôm nguyên liệu rớt giá thê thảm do ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu, hiện bà con nuôi tôm vùng bán đảo Cà Mau đang rất háo hức chờ thu hoạch vụ tôm khi giá tôm trên thị trường đang "ấm" trở lại.

Giá tôm sau nhiều tháng giảm liên tục bắt đầu tăng trở lại. Ảnh: Trọng Linh.

Giá tôm sau nhiều tháng giảm liên tục bắt đầu tăng trở lại. Ảnh: Trọng Linh.

Bà Huỳnh Cẩm Ngân, hộ nuôi tôm công nghiệp ở thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn) cho biết, tôm thẻ loại 20 con/kg hiện được thu mua với giá 190.000 đồng/kg; loại 30 con/kg là 140.000 đồng/kg; loại 100 con/kg là 83.000 đồng/kg. “Giá tôm bắt đầu tăng trở lại nên người nuôi tôm chúng tôi rất vui, hi vọng tôm sẽ tăng giá mạnh trong thời gian tới”, bà Ngân vui vẻ cho biết.

Tại TP Cà Mau, từ sáng sớm, anh Trần Hoàng Giao đã vội ra đồng thăm lú để bắt tôm đem bán. Anh Giao vừa thu hoạch xong vụ lúa, giờ là lúc cải tạo lại ao đầm để thả giống tôm vụ mới. “Vụ lúa vừa thu hoạch rất thành công, gia đình bán một ít, phần còn lại dự trữ để ăn trong năm. Trúng mùa lúa nên tranh thủ thời gian này tôi đặt lú bắt tôm nuôi xen canh đem bán. Giá tôm đang tăng nên bà con nông dân nơi đây rất có niềm tin để thả thêm giống vụ mới”, anh Giao hào hứng.

Tại huyện Ngọc Hiển – địa phương có diện tích nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng đạt chuẩn quốc tế lớn nhất tỉnh Cà Mau, hiện bà con cũng hăng hái thu hoạch tôm. “Con tôm ở địa phương được thu mua với giá cao hơn ở nơi khác từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg và được bao tiêu sản phẩm. Người nuôi phải ghi nhật ký quá trình nuôi, cam kết không sử dụng chất ảnh hưởng đến môi trường nuôi, tôm nuôi phải theo tiêu chuẩn sạch mới được thu mua. Đó là lợi thế của địa phương nên chúng tôi luôn giữ vững vùng nuôi và môi trường nuôi không bị ô nhiễm”, ông Lương Huỳnh Hảo, Chủ tịch UBND xã Viên An Đông (huyện Ngọc Hiển) cho hay.

Mô hình tôm - rừng đạt chứng nhận ASC tại huyện Ngọc Hiển (Cà Mau). Ảnh: Trọng Linh.

Mô hình tôm - rừng đạt chứng nhận ASC tại huyện Ngọc Hiển (Cà Mau). Ảnh: Trọng Linh.

Theo ông Hảo, vào chính vụ thu hoạch, mỗi con nước nông dân địa phương bán tôm có thu nhập từ 20 – 30 triệu đồng là bình thường. Cá biệt, có trường hợp thu nhập cả trăm triệu đồng (tùy vào diện tích canh tác).

“Tôm ở đây được thương lái đến tận nơi thu mua và trả tiền thông qua tài khoản ngân hàng. Người dân trong chuỗi sản xuất đều được đơn vị bao tiêu tạo cho một tài khoản ngân hàng để thuận tiện trong việc chi trả chi phí sản xuất và sản phẩm của nông dân”, ông Hảo nói.

Mùi gió chướng phảng phất hòa huyện vào mùi rơm rạ của lúa chín trải dài trên các cánh đồng tạo cảm giác lâng lâng rất lạ, như thay lời của tình đất – tình người về một vụ mùa bội thu. Bà con nông dân ai cũng vui trọn vẹn khi vụ mùa lúa – tôm vừa qua thắng lớn. Điều này tạo động lực lớn cho bà con trong vụ sản xuất tới. 

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

"Mô hình lúa – tôm tại Cà Mau từ lâu đã chứng minh được hiệu quả kinh tế. Gần đây, người dân áp dụng kỹ thuật mới, trồng các giống lúa chất lượng cao, nuôi thêm tôm càng nên cho thu nhập cao hơn. Nhiều năm qua, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh Cà Mau luôn đạt trên 1 tỷ USD, thị trường xuất khẩu chính của mặt hàng này chủ yếu là Châu Âu. 

Những năm qua, tỉnh nhận được sự hỗ trợ tích cực của Bộ NN-PTNT trong việc cung cấp những thông tin liên quan đến các điều kiện, quy định xuất khẩu tôm sang thị trường châu Âu. 

Đối đối ngành hàng lúa gạo, hiện đang có thời cơ, cơ hội lớn. Đây cũng là cơ hội cho người trồng lúa, đặc biệt là người dân ở ĐBSCL nói chung và người dân Cà Mau nói riêng".

(Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau).

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.