Phát biểu tại Diễn đàn thương mại Việt Nam - EU với chủ đề "Thương mại nông sản- đối tác phát triển bền vững", do Bộ Công thương tổ chức ngày 6/12, tại Hà Nội, bà Miriam Garcia Ferrer, Trưởng ban kinh tế và thương mại (Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam) đã nói như vậy, một khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được ký kết vào đầu năm tới.
Ảnh minh họa |
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng, EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Năm 2017 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với EU đạt 52,89 tỷ USD, tăng 13,8% so với 2016. Hiện EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, là điểm đến của 18% lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó chủ yếu là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Theo các chuyên gia kinh tế, việc thực thi Hiệp định EVFTA sẽ là động lực lớn thúc đẩy quan hệ đầu tư, thương mại giữa 2 bên trong tương lai gần. Được biết, hiện hai bên vẫn đang nỗ lực nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục để đưa bản hiệp định này có thể thực thi trước tháng 5/2019.
Nhận định kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chiếm tỷ lệ cao hơn so với kim ngạch nhập khẩu tại thị trường EU, bà Miriam Garcia Ferrer cho rằng, đây là cơ hội rất lớn đối với Việt Nam. Đặc biệt khi EVFTA đi vào thực thi sẽ mang lại cơ hội cho cả 2 bên bởi trong số 10 quốc gia xuất khẩu nhiều nhất vào thị trường châu Âu, Việt Nam đang đứng thứ 10 và chiếm 2% tổng kim ngạch nhập khẩu vào EU. Tuy nhiên, bà Miriam Garcia Ferrer cũng khuyến cáo, các mặt hàng nông sản và thực phẩm xuất khẩu vào EU từ trước đến nay đều phải tuân thủ các điều khoản thương mại cũng như khuôn khổ pháp lý. Do vậy, hai bên cần phải biết “luật chơi” và tuân thủ những quy định chung giúp minh bạch thị trường, giải quyết các bất đồng phát sinh trong hoạt động thương mại.
Bà Miriam Garcia Ferrer cho hay, theo lộ trình, các hoạt động thương mại từ Việt Nam tới EU sẽ được miễn thuế sau 7 năm, từ EU tới Việt Nam là 10 năm. Riêng đối với một số loại hàng nông sản, EU có ưu tiên cho Việt Nam gồm các sản phẩm gạo, mía đường… và hoạt động xuất khẩu này sẽ không bị tính thuế và không có hạn ngạch.
Đề cập đến vấn đề kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như dư lượng chất hóa học có trong nông sản, thực phẩm, bà Miriam Garcia Ferrer thừa nhận, EU vốn là thị trường lương thực, thực phẩm có tiêu chuẩn cao nhất thế giới nên thường xuyên bị chỉ trích là “quá ngặt nghèo”. Bởi lẽ, EU là thị trường chung nên các quy định được xem xét từ từng quốc gia và Ủy ban liên minh châu Âu nên phải có tiêu chuẩn chung. “Tiêu chuẩn cao nhất là nông sản nhập khẩu vào EU là phải an toàn. Quy định nghiêm ngặt này với mong muốn tăng thuận lợi hóa thương mại và không muốn mất thời gian nên những quy định này phải được thực hiện nhanh chóng. Đây là thị trường chung nên phải đặt ra một số nguyên tắc và mọi thông tin đều được minh bạch được trên website cũng như quy trình xử lý tự động”, bà Ferrer nói.
Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng cho rằng, một khi EVFTA đi vào thực thi sẽ thúc đẩy đầu tư từ EU sang Việt Nam và Việt Nam sẽ được EU chuyển giao công nghệ, nhất là lĩnh vực nông nghiệp với cam kết hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam. Quan điểm của EU là sẽ không tập trung vào sản lượng xuất khẩu mà chú trọng đến chất lượng để Việt Nam không chỉ đáp ứng mà sẽ vượt các tiêu chuẩn do EU đề ra.