| Hotline: 0983.970.780

Tái cơ cấu ngành lúa gạo và cà phê

VnSAT nâng cao giá trị xuất khẩu cho ngành hàng cà phê

Thứ Hai 24/08/2020 , 06:00 (GMT+7)

Sau 5 năm triển khai Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), sản xuất và tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên đã gặt hái được thành công ngoài mong đợi.

Sản xuất và tái canh cà phê bền vững của VnSAT có nhiều ưu điểm vượt trội. Ảnh Đăng Lâm

Sản xuất và tái canh cà phê bền vững của VnSAT có nhiều ưu điểm vượt trội. Ảnh Đăng Lâm

Gia Lai là một trong những địa phương được thụ hưởng từ gói hỗ trợ của VnSAT để sản xuất và tái canh cà phê bền vững. Sau 5 năm triển khai, người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai rất phấn khởi với mô hình sản xuất cà phê theo hướng bền vững. Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có buổi trao đổi với ông Lưu Trung Nghĩa- Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai để hiểu rõ hơn về dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững và những hiệu quả mà dự án này mang lại.

Ông Nghĩa cho biết, với diện tích khoảng 97.000 ha, cây cà phê được xác định là cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Gia Lai. Hiện cây cà phê ở Gia Lai tương đối trẻ so với các tỉnh của khu vực Tây Nguyên. Chính yếu tố này dẫn đến sức sản xuất của vườn cà phê tương đối cao, cùng với điều kiện thổ nhưỡng tốt và bộ giống chất lượng đã đã giúp cho cà phê Gia Lai phát triển rất hiệu quả.

Đặc biệt, Gia Lai có thuận lợi khi thu hoạch cà phê vào thời điểm mùa khô nên chất lượng quả cũng được đánh giá rất tốt. Các tập đoàn rang xay cà phê trên thế giới đến Gia Lai cũng đánh giá cà phê nơi đây có mùi vị rất đặc trưng và đủ điều kiện xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cà phê Gia Lai.

Về trình độ canh tác cà phê của người dân cũng tương đối cao. Khi Việt Nam gia nhập WTO hay những hiệp định thương mại EVFTA thì sản xuất cà phê tất yếu phải theo tiêu chuẩn quốc tế. Khi đó các yếu tố độc hại trong sản xuất cà phê phải được loại bỏ, phát triển bền vững phải được đặt lên hàng đầu.

Ông đánh giá như thế nào về mô hình phát triển cà phê bền vững mà VnSAT đang áp dụng?

Ngành nông nghiệp Gia Lai đang định hướng cho người trồng cà phê trên toàn tỉnh hướng đến mô hình phát triển bền vững. Trước đây, cũng có những dự án sản xuất cà phê bền vững nhưng phải thừa nhận rằng, dự án sản xuất và tái canh cà phê bền vững của VnSAT rất tốt, có nhiều điểm tiến bộ.

Khi sản xuất cà phê, người ta quan tâm đến cơ sở hạ tầng cho vùng sản xuất, điều này đã được dự án VnSAT thiết kế, triển khai theo hợp phần rất tốt, người dân rất vui mừng. Từ hạ tầng giao thông đến kho bãi, khu chế biến được VnSAT đầu tư đã giúp cho việc sản xuất cà phê của người dân được nâng cao rõ rệt.

Ông Lưu Trung Nghĩa đánh giá rất cao dự án VnSAT.

Ông Lưu Trung Nghĩa đánh giá rất cao dự án VnSAT.

Trước đây, vấn đề sản xuất cà phê bền vững của chúng ta chưa có mối liên kết để tiêu thụ. Cùng với đó, việc sử dụng quá nhiều phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến năng suất không cao.

Mặt khác, sản xuất cà phê theo mô hình nông trường trước đây cũng không còn hiệu quả. Hiện VnSAT triển khai theo mô hình các tổ chức nông dân, hợp tác xã để từ đó đào tạo, tập huấn các chuyên đề về sản xuất cà phê bền vững từ khâu chọn giống cho đến quy trình kỹ thuật canh tác, chế biến... VnSAT đã liên kết được các hộ dân lại để chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật để trên cơ sở đó, sản xuất ra sản phẩm cà phê chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, VnSAT cũng rất hiệu quả khi đưa công nghệ tưới tiết kiệm, công nghệ chế biến vào trong sản xuất cà phê.

Việc sản xuất và tái canh cà phê bền vững trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã mang lại hiệu quả như thế nào, thưa ông?

Đến nay, Bộ NN-PTNT và Ngân hàng Thế giới đánh giá rất cao tính hiệu quả trong sản xuất và tái canh cà phê mà dự án VnSAT đang thực hiện. Hiện Gia Lai có trên 32.000 ha cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn được các tổ chức quốc tế chứng nhận như GlobalGAP, 4C... Không dễ để cà phê Gia Lai có được chứng nhận này, đó là tín hiệu đáng mừng. Gia Lai cũng đang thực hiện tái canh bền vững được trên 10.000 ha. Với cách làm hết sức thành công và bài bản của VnSAT, ngành nông nghiệp Gia Lai định hướng trong 5 năm tới phấn đấu đạt 80% sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế.

VnSAT đang làm thay đổi nhận thức của người dân vể sản xuất và tái canh cà phê bền vững. Ảnh Tuấn Anh.

VnSAT đang làm thay đổi nhận thức của người dân vể sản xuất và tái canh cà phê bền vững. Ảnh Tuấn Anh.

Cùng đồng hành với việc này, Gia Lai cũng đã chỉ đạo cần nhanh chóng xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cà phê Gia Lai. Vấn đề này sẽ được làm hết sức bài bản với hy vọng mang lại hiệu ứng tích cực cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong sản xuất cà phê.

Hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai rất phấn khởi với mô hình sản xuất cà phê theo hướng bền vững. Khi tham gia sản xuất theo mô hình này, giá bán cà phê chắc chắn sẽ cao hơn so với sản xuất cà phê trước đây. Còn doanh nghiệp sản xuất cà phê bền vững khi có chứng nhận, truy xuất nguồn gốc sẽ dễ dàng tiếp cận được thị trường trong và ngoài nước.

Về mặt xã hội, trình độ lao động của người dân sản xuất cà phê được nâng lên rõ rệt. Việc thực hiện hợp phần cơ sở hạ tầng như làm đường đến vườn cà phê cũng đã phần nào làm thay đổi diện mạo nông thôn. Về môi trường, với việc tưới nước và bón phân phù hợp sẽ giúp đất không bị xói mòn, giảm ô nhiễm môi trường, tránh trường hợp canh tác theo lối “bóc lột đất”…

Có thể nói, việc sản xuất cà phê bền vững của dự án VnSAT mang lại hiệu quả khác hẳn so với sản xuất cà phê trước đây. Thậm chí hiện nay, nhiều hộ dân còn nâng tầm sản xuất cà phê bền vững của dự án VnSAT bằng việc phát triển các vườn cà phê sinh cảnh: Những vườn cà phê này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo cảnh quan du lịch rất hấp dẫn. Đây được xem là hướng đi mới mẻ và hập dẫn để qua đó, tạo tiền đề cho ngành du lịch nông nghiệp phát triển trong tương lai không xa.

Tỉnh Gia Lai có những đề xuất kiến nghị gì trong thời gian tới để nâng cao hiệu qua hơn nữa mô hình sản xuất và tái canh cà phê bền vững?

Qua theo dõi thấy rằng, VnSAT Gia Lai đang thực hiện khá tốt trong việc hỗ trợ người dân sản xuất và tái canh bền vững. Đặc biệt về nguồn vốn hỗ trợ, dù có những tiêu chí khắt khe, nhưng VnSAT Gia Lai thực hiện việc giải ngân nguồn vốn này rất hiệu quả.

Vườn cà phê do VnSAT hỗ trợ luôn có năng suất vượt trội. Ảnh Đăng Lâm.

Vườn cà phê do VnSAT hỗ trợ luôn có năng suất vượt trội. Ảnh Đăng Lâm.

Chính vì tính hiệu quả của dự án nên các địa phương đã đề xuất với VnSAT Trung ương và Bộ NN-PTNT, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho kéo dài thêm thời gian thực hiện để tiếp tục hỗ trợ cho người dân trồng cà phê. Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho kéo dài dự án thêm 18 tháng, đến tháng 6/2022.

Riêng với tỉnh Gia Lai, chúng tôi cũng có những đề xuất riêng. Trên tinh thần sử dụng nguồn vốn có hiệu quả từ dự án VnSAT, chúng tôi tiếp tục đề xuất hỗ trợ thêm về các hợp phần dành cho cơ sở hạ tầng cũng như mở rộng diện tích ngoài vùng dự án để người dân được thụ hưởng nhiều hơn từ gói hỗ trợ.

Ngoài phát triển cây cà phê bền vững, Gia Lai cũng đề xuất với Bộ NN- PTNT và VnSAT Trung ương hỗ trợ cho tỉnh phát triển cây hồ tiêu theo hướng bền vững. Cây hồ tiêu trước đây phát triến rất mạnh ở Gia Lai nhưng sau đó bị thoái trào. Nguyên nhân cũng do quy hoạch chưa phù hợp, cùng với bộ giống chưa tốt, bón phân không hợp lý và đặc biệt không thích nghi kịp với biến đổi khí hậu dẫn đến cây tiêu bị chết hàng loạt. Nếu cây tiêu có quy trình trồng và chăm sóc như cây cà phê và điều chỉnh để áp dụng cho cây hồ tiêu thì hiệu quả kinh tế sẽ mang lại rất lớn.

Vẫn biết để phát triển bền vững cây hồ tiêu là rất khó, nhưng tỉnh Gia Lai sẽ quyết tâm thực hiện nếu có sự đồng hành, hỗ trợ từ dự án VnSAT.

Xin cảm ơn ông!

Ông Phan Trọng Ký, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Chukbo, huyện Krông Buk, tỉnh Đăk Lăk:

Dự án VnSAT đã tạo ra xu hướng tích cực cho nền nông nghiệp Việt Nam. Qua đó xây dựng chuỗi giá trị gia tăng cho sản phẩm để có thể cạnh tranh được với thị trường thế giới. Từ việc đầu tư, hỗ trợ của VnSAT, rất nhiều người dân trong và ngoài HTX đã thay đổi tư duy, mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình tái canh bền vững.

Bản thân tôi thấy rằng, dự án VnSAT rất hiệu quả trong việc hỗ trợ người dân sản xuất và tái canh cà phê bền vững như cung cấp cây giống, chuyển giao công nghệ tưới tiết kiệm, công nghệ chế biến để nâng cao chuỗi giá trị cho cà phê.

Chính với cách làm này, năng suất cà phê của người dân cũng tăng cao, ổn định, bền vững, trung bình đạt khoảng 3,8-4,2 tấn nhân/ha. ĐĂNG LÂM

Xem thêm
Thị trường Trung Quốc - 'Át chủ bài' xuất khẩu trái cây

Kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng tăng và ước tính, năm 2024 sẽ đạt gần 5 tỷ USD.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Thương hiệu quốc gia Việt Nam 'Vươn mình tiến vào kỷ nguyên Xanh'

Tối 4/11, tại Hà Nội diễn ra Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 với chủ đề ‘Vươn mình tiến vào kỷ nguyên Xanh’.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...