| Hotline: 0983.970.780

Gặp người phụ nữ Mông sinh nhiều con ở vùng cao Bắc Yên

Thứ Ba 31/12/2024 , 08:00 (GMT+7)

Hình ảnh người phụ nữ Mông bụng chửa vượt mặt, đeo cái gùi sau lưng, một tay dắt con nhỏ lầm lũi vượt núi đi làm đã dần quen thuộc với người dân nơi đây. 

Bà Mùa Thị Tòng (78 tuổi) ở bản Háng Đồng, xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La đã dành trọn 31 năm chửa đẻ. Bà sinh hạ được 15 người con, trong đó có 10 con trai và 5 người con gái. Đến nay, số cháu, chắt, chút của bà đã lên đên gần 70 người. Bà Tòng không thể nhớ hết tên các cháu nội, ngoại của mình.

Đường lên bản Háng Đồng không còn cảnh trèo đèo lội suối như những năm trước đây nữa. Con đường bê tông xuyên rừng dẫn thẳng tới bản Mông. Đến bản hỏi thăm nhà bà Tòng, tôi lại gặp toàn con cháu của bà cả. Mấy chục nóc nhà ở giữa bản là “đại bản doanh” của gia đình bà. Con dâu, con trai, con gái, cháu trai, cháu gái đã lớn dựng vợ gả chồng đều ở quanh bản Háng Đồng. Bà Tòng – người phụ nữ dân tộc Mông cả đời lam lũ, vất vả năm nay đã ở độ tuổi thất thập xưa nay hiếm.

Không nhớ nổi hết tên các cháu nội ngoại 

Biết có khách đến chơi và hỏi thăm về việc sinh đẻ kỷ lục của mình, bà Tòng cảm thấy bất ngờ. Bà Tòng có dáng người dong dỏng cao, khuôn mặt thanh tú, đôi mắt sáng. Tuổi già chưa thể khỏa lấp được nhan sắc mặn mà của người phụ nữ Mông năm nào.

Bà Tòng và các cháu. Ảnh: XT

Bà Tòng và các cháu. Ảnh: XT

Bên gian bếp khói mù mịt, gió lạnh từng đợt lùa qua khe cửa. Bà Tòng kể về cuộc đời mình với bao thăng trầm. Bà đã từng 15 lần sinh nở, nay đã bước sang tuổi 78, nhưng nom bà còn khỏe lắm. Hàm răng trắng đều tăm tắp và chưa bị rụng cái nào. Giọng nói rõ ràng, tinh thần bà còn minh mẫn. Bà Tòng bảo: “Tôi được giời cho sức khỏe nên suốt cả cuộc đời chưa từng ốm đau. Nhờ vậy mà tôi mới gồng gánh nuôi được 15 người con”.

Bà Tòng chia sẻ, một ngày không thăm hết nhà con cháu. Ngay cả những đứa cháu, nội, ngoại bà không thể nhớ nổi tên. Ngoài 15 đứa con đẻ bà còn có 10 cô con dâu và 5 anh con rể. Mỗi khi nhà có công to việc lớn gì, con cháu tề tựu đông đủ ở nhà lên đến hơn trăm người. Mỗi lần như vậy nhà bà phải mổ một con lợn, thậm chí cả một con bò mới cung cấp đủ thực phẩm cho buổi sum họp gia đình.

Mái tóc bà Tòng đã điểm bạc, nhưng trí nhớ của bà còn khá tinh tường. Bà chia sẻ, ngày trước mỗi khi về dưới trung tâm huyện mua thực phẩm, bà đi bộ mất hai ngày. Chồng bà dắt theo 2 con ngựa để gùi muối và một số thực phẩm khác. Mỗi lần xuống chợ là một lần được mở mang, tiếp cận thêm nhiều cái mới. Bà Tòng bảo: “Vui nhất là được ăn kem và món phở ở thị trấn Bắc Yên rất ngon. Tôi chỉ tiếc là xuống chợ hôm trước, hôm sau lại phải vội vàng trở về bản, sợ trời tối phải ngủ dọc đường”.

Trong lớp kí ức của người phụ nữ sinh nhiều con nhất vùng cao Bắc Yên này những câu chuyện về hành trình lấy chồng và sinh con cứ lần lượt mở ra tựa như một cuốn nhật kí. Bà Tòng là người phụ nữ hiếm hoi ở đất này khi tự đẻ và tự đỡ và chăm con rất khéo. Sống giữa nơi rừng sâu núi thẳm mà 15 người con của bà đều khỏe mạnh. Đến nay toàn bộ những người con của bà đã yên bề gia thất. Người con trai cả năm nay tròn 60 tuổi, con trai út 31 tuổi. 

15 lần sinh nở đều tự đỡ và cắt rốn cho con

Ngày bà về làm dâu nhà ông Phau (người cùng bản) – khi đó bà mới bước qua tuổi 15. Ông Phau hơn bà 3 tuổi. Như bao người phụ nữ dân tộc Mông khác, họ lớn lên rồi lấy chồng, sinh con một mạch. Lấy chồng được 1 năm bà bà Tòng đã sinh đứa con trai đầu lòng. Bố chồng bà – triệu phú nuôi trâu của bản Háng Đồng vui lắm. Thế là ông đã có cháu nội để mà bế mà bồng. Bà Tòng kể, bà bụng mang dạ chửa nhưng vẫn phải đi làm nương cho đến lúc đẻ con.

Ngày đó ở đây chưa có trạm y tế, nên phụ nữ sinh con ở nhà. Một tay bà tự đỡ và cắt rốn cho đứa con đầu đời của mình. Lần đầu tiên sinh con bà còn gặp nhiều bỡ ngỡ. Nhưng do bản tính trời sinh, nên bà cũng biết cách chăm sóc con cái. Sinh con được khoảng mươi ngày, bà đã phải địu con sau lưng để lên nương làm việc.

Cuộc sống của bà Tòng vẫn còn những khó khăn nhưng điều quan trọng là trời cho bà sức khỏe tốt. Ảnh: XT

Cuộc sống của bà Tòng vẫn còn những khó khăn nhưng điều quan trọng là trời cho bà sức khỏe tốt. Ảnh: XT

Suốt ngày lên nương tra ngô rồi xuống ruộng cấy lúa hay trồng rau ngoài vườn, bà Tòng làm quần quật từ sáng sớm cho đến khi mặt trời khuất sau đỉnh núi mới ngơi nghỉ chân tay.

Vào những ngày mùa vợ chồng bà ngủ luôn ngoài nương cả tháng trời. Làm việc vất vả lại phải chăm sóc con nhỏ nên cuộc sống của bà chẳng được ngơi nghỉ chút nào. Một năm một vụ nương, 1 vụ lúa… lần hồi khó nhọc trôi qua. Đứa con cả vừa lẫm chẫm tập đi cũng là lúc bà lại mang bầu đứa con thứ hai.

Hình ảnh người phụ nữ Mông bụng chửa vượt mặt, đeo cái “nu cở” – gùi sau lưng, một tay dắt đứa con nhỏ lầm lũi vượt núi đi làm đã dần quen thuộc với người dân nơi đây. 

Đứa con thứ hai chào đời trong ngày đông rét mướt. Bà Tòng còn nhớ là hôm đó bà vừa đi nương về. Chưa kịp ăn cơm tối, bà thấy bụng đau dữ dội. Bà biết mình lại sắp sinh con. Bữa đó bà dùng con dao bên liếp nhà cắt rốn cho con. Bà tự mình vệ sinh rồi sắp xếp chỗ nghỉ cho mình. 

Cuộc sống cứ thế bình lặng trôi qua. Bà Tòng có sức vóc tốt, nên bà làm việc nhà, việc cửa nhanh thoăn thoắt. Bao giờ cái nương, cái rẫy cùa bà cũng xong trước người dân trong bản. Bà vốn có cái nết hay lam, hay làm nên mọi việc lớn nhỏ trong nhà bà đều tự tay lo liệu hết. Ông chồng bà rất lấy làm hãnh diện với hàng xóm.

Mùa nối mùa trôi qua, cuộc sống của người phụ nữ Mông nơi miệt rừng lần hồi khó nhọc trôi qua. Bà Tòng lại là người mắn đẻ, đứa con lớn vừa lẫm chẫm tập đi, bà đã lại mang thai đứa con kế tiếp. Đứa thứ nhất, thứ hai, thứ ba rồi thứ tư cũng vậy.

Bà Tòng luôn mong muốn các con, cháu khôn lớn, khỏe mạnh và được học hành. Ảnh: XT

Bà Tòng luôn mong muốn các con, cháu khôn lớn, khỏe mạnh và được học hành. Ảnh: XT

Lấy chồng chưa được 10 năm mà bà đã có tới 5 đứa con, trai, gái đủ cả. Ngày đó, phụ nữ nơi đây chưa có biện pháp gì để tránh thai, nên cứ chửa là đẻ. Một nách 5 đứa con mà công việc trên nương vẫn vậy, việc nhà lại tăng lên, nhưng bà Tòng lo tròn bổn phận. Có lẽ lần sinh đứa con thứ sáu là bà nhớ nhất.

Cử đó cũng vào ngày đông mịt mùng và rét mướt. Trên đường đi nương, bà bỗng trở dạ. Nhà ở xa, lán nương cũng cách đó cả mấy cây số. Bà đã sinh hạ đứa con thứ sáu của mình ngay bên đường. Sinh con xong bà ôm đứa con đỏ hỏn đi ngược về bản.

Câu chuyện về cuộc đời người phụ nữ Mông 15 lần sinh nở được tái hiện qua lời kể của bà Tòng. Có lẽ ngay bản thân bà cũng không nghĩ rằng từ lúc lấy chồng và về nhà chồng, bà chỉ quanh quẩn với việc chửa đẻ. Liên tiếp các năm sau đó bà lần lượt sinh hạ thêm 9 đứa con nữa.

Đứa con trai út của bà năm nay cũng tròn 31 tuổi.

Theo tính toán của bà Tòng, bà đã mất 31 năm chửa đẻ để sinh hạ được 15 người con. Bà Tòng còn kể, có những năm bà và mấy cô con dâu cùng đẻ. Trong nhà một lúc đón mấy sinh linh chào đời. Người ngoài vào thăm nhà, chẳng ai phân biệt được đâu là cháu, đâu là con đẻ. Suốt mấy chục năm vất vả, con cái bìu ríu vừa lo cho đứa lớn lại đến việc chăm sóc đứa nhỏ vừa chào đời khiến bà bận không kịp thở.

Xem thêm
Việt - Pháp cùng nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu trong nông nghiệp

Đại sứ Pháp tại Việt Nam chia sẻ về việc tăng cường hợp tác song phương và đa phương nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.

Kế hoạch hành động Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp

Bộ trưởng Bộ NN-PTNN vừa ban hành quyết định về việc ban hành kế hoạch hành động thực hiện Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.