| Hotline: 0983.970.780

Gây thiệt hại cho người trồng dứa, doanh nghiệp chây ỳ đền bù

Thứ Năm 09/07/2020 , 09:52 (GMT+7)

Người dân phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) phản ánh, Nhà máy xi măng Long Sơn sản xuất, kinh doanh gây thiệt hại hoa màu nhưng không chịu đền bù.

Bà Hương kể lại chuyện phải nhảy xuống mương dẫn nước tránh đá khi Nhà máy xi măng Long Sơn nổ mìn khai thác đá mà không báo trước. Ảnh: Võ Dũng.

Bà Hương kể lại chuyện phải nhảy xuống mương dẫn nước tránh đá khi Nhà máy xi măng Long Sơn nổ mìn khai thác đá mà không báo trước. Ảnh: Võ Dũng.

Đi cũng dở, ở không xong

Nghe tin Nhà máy xi măng Long Sơn chở  thuốc nổ lên núi chuẩn bị khai thác đá, bà Đoàn Thị Hương, một người trồng dứa tại xóm Trường Sơn lại tim đập chân run.

Bà Hương cho hay, gia đình bà hiện có 4 ha đất trồng dứa tại vùng đồi Giăng Dây, ngay dưới ngọn núi Nhà máy xi măng Long Sơn đang khai thác. Đây là diện tích đất vợ chồng bà khai hoang từ những năm 1989-1990. Nhờ trồng dứa, trừ chi phí, mỗi năm gia đình bà lãi ròng trên dưới 200 triệu đồng.

Tuy nhiên, kể từ năm 2016, khi Nhà máy xi măng Long Sơn vận hành khai thác đất, đá và sản xuất, con mương thoát lũ của khu vực trồng dứa bị chặn lại. Nhà máy xi măng làm cống thoát nước nhưng quá nhỏ khiến hầu hết diện tích dứa bị ngập úng mỗi khi mưa lớn; khói bụi bám vào lá khiến cây dứa không quang hợp được; năng suất, chất lượng quả giảm rõ rệt.

“Mỗi lần nghe tin Nhà máy xi măng Long Sơn chuyển thuốc nổ lên núi chuẩn bị khai thác đá vợ chồng, con cái tôi lại nơm nớp lo sợ. Có lần họ nổ mìn không thông báo, gia đình tôi đang làm cỏ dứa phải núp xuống đường mương dẫn nước.

Trên ruộng dứa còn rất nhiều đá do nổ mìn trên núi văng xuống. Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc, yêu cầu Nhà máy xi măng Long Sơn sớm đền bù thỏa đáng cho thiệt hại của người trồng dứa. Doanh nghiệp khai thác đá nhưng phải làm sao để việc sản xuất của bà con không bị ảnh hưởng chứ”, bà Hương bức xúc.

Mương thoát nước bị chặn khiến cây dứa ngập úng, vàng vọt, giảm năng suất, chất lượng. Ảnh: Võ Dũng.

Mương thoát nước bị chặn khiến cây dứa ngập úng, vàng vọt, giảm năng suất, chất lượng. Ảnh: Võ Dũng.

Căn nhà của vợ chồng bà Hương nằm ngay sau Nhà máy xi măng Long Sơn. Bà Hương cho hay, tiếng ồn, bụi bặm khiến nhiều lúc gia đình bà muốn chuyển đi chỗ khác sinh sống nhưng không lấy đâu ra tiền và không biết làm gì để mưu sinh. “Chúng tôi chán lắm rồi! Đi không được, ở không xong. Ở đây khổ sở lắm”, bà Hương than phiền.

Bà Hương cho biết thêm, gia đình bà đã nhiều lần gửi đơn lên chính quyền nhưng đến nay vẫn không được giải quyết. Có những lần UBND phường Đông Sơn tổ chức họp các bên, có đại diện Phòng TN- MT thị xã Bỉm Sơn nhưng Nhà máy xi măng Long Sơn không có mặt.

Chây ỳ đền bù

Ông Vũ Việt Phương có 22,8 ha đất tại xóm Trường Sơn. Trong số này có  2 ha hoa màu, cây ăn quả bị gãy đổ do Nhà máy xi măng Long Sơn đắp đường lên núi khai thác đá.

Ông Phương cho rằng, Nhà máy xi măng Long Sơn chiếm dụng đất của gia đình mình để xây dựng dây chuyền sản xuất. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Phương cho rằng, Nhà máy xi măng Long Sơn chiếm dụng đất của gia đình mình để xây dựng dây chuyền sản xuất. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Phương cho rằng, việc nhà máy xi măng gây thiệt hại cho dân trồng dứa cần phải được giải quyết nhanh. Nếu không thể giải quyết được phải có phương án đền bù, giải phóng mặt bằng thỏa đáng để người dân chuyển đến nơi khác sinh sống, làm ăn.

Trong khi việc đền bù hoa màu chưa được giải quyết thì mới đây, Nhà máy xi măng Long Sơn lại tiếp tục xây dựng dây chuyền sản xuất khác chồng lấn lên đất của người dân.

 Ông Phương cho biết, tại một số cuộc họp, nhà máy công nhận việc gây ra thiệt hại cho người dân nhưng sau đó chây ỳ không chịu đền bù. Bên cạnh đó, nhà máy còn có hành vi chiếm dụng đất của người dân.

“Hiện nay, một số con đường vận chuyển của người dân trong khu vực trồng dứa đã bị Nhà máy xi măng Long Sơn đắp ngang nên việc vận chuyển dứa rất khó khăn. Dây chuyền đang xây dựng cũng có một phần nằm trên đất gia đình tôi khi chưa đền bù giải phóng mặt bằng”, ông Phương nói.

Khu vực trồng dứa của người dân bị thiệt hại do khai thác đất đá.

Khu vực trồng dứa của người dân bị thiệt hại do khai thác đất đá.

Có mặt tại khu vực trồng dứa của người dân phường Đông Sơn, chúng tôi ghi nhận hiện trạng nhiều vườn dứa vàng úa, kém phát triển. Khu vườn của bà Hương, ông Phương bị đá nhỏ, đá to tràn xuống. Có những phiến đá phải đến hàng chục tấn văng xuống vườn dứa.

Phía nam khu vườn nhà ông Phương có một con đường chở nguyên liệu từ trên núi xuống khu sản xuất của Nhà máy xi măng Long Sơn chắn ngang cửa thoát nước vùng trồng dứa của nhiều hộ dân.

Ông Lại Thành Tuyên, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Sơn cho biết, sau khi nhận phản ánh của người dân, nhà máy đã kiểm tra và khắc phục hệ thống thoát nước. Tuy nhiên, phải đến khi có mưa to thì mới kiểm chứng được các vườn dứa có tiếp tục bị ngập úng hay không.

“Nhà máy hứa sẽ đền bù nếu dứa tiếp tục bị ngập nước. Còn họ đã đền bù thiệt hại cho người trồng dứa bị ảnh hưởng thời gian vừa qua hay chưa thì tôi chưa rõ. Còn phản ánh của anh Phương về việc nhà máy chiếm dụng đất, chúng tôi sẽ mời các bên đến kiểm tra, xác minh cụ thể”, ông Tuyên cho hay.

Người dân phường Đông Sơn đã nhiều lần làm đơn nhưng Nhà máy xi măng Long Sơn vẫn chây ỳ đền bù. Ảnh: Võ Dũng.

Người dân phường Đông Sơn đã nhiều lần làm đơn nhưng Nhà máy xi măng Long Sơn vẫn chây ỳ đền bù. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Tuyên cho biết thêm, người dân còn phản ánh việc Nhà máy xi măng Long Sơn nổ mìn khai thác đá làm nứt nhà cửa thì sự việc này rất khó xác định.

Chúng tôi liên lạc để nắm thêm thông tin từ phía Nhà máy xi măng Long Sơn. Tuy nhiên, ông Trương Văn Lợi, Phó Giám đốc sản xuất Nhà máy xi măng Long Sơn, đề nghị PV tự tìm hiểu từ phía người dân và các cấp chính quyền: “Thì em cứ tìm hiểu đi, tự tìm hiểu đi! Xem người ta phản ánh thế nào đã”.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Năm 2024, Bình Điền đặt mục tiêu sản xuất, tiêu thụ 568.000 tấn phân bón

TP. HCM Trong năm 2024, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đặt ra nhiều mục tiêu và nhiệm vụ, trong đó sản lượng và tiêu thụ đạt trên 568.000 tấn phân bón các loại.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm