Trang trại của người dân bỏ hoang do ngập nước, không thể sản xuất |
Từ năm 2016, nhà máy Thủy điện Đak Srông 3A (thuộc Công ty Cổ phần Thủy điện Hoàng Anh Tô Na) thực hiện việc ngăn dòng khiến nước dâng gây ngập lụt lên đất sản xuất, làm thiệt hại nhiều cây trồng, vật nuôi của 43 hộ dân thuộc xã Ia Rsai và Ia Rsươi, huyện Krông Pa.
Không những vậy, việc ngăn dòng nước của nhà máy thủy điện làm ngập cả con đường dân sinh gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Trong khi nhà máy thủy điện có mở con đường mới cho người dân đi lại nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Đất của mình nhưng không thể canh tác
43 hộ dân thuộc 2 xã Ia Rsai và Ia Rsươi đang khóc ròng khi hơn 16ha diện tích đất của họ bị ngập nước, không thể sản xuất, nuôi trồng.
Mặc dù người dân nơi đây đã rất nhiều lần làm đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng yêu cầu nhà máy thủy điện bồi thường thiệt hại nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Ông Đỗ Văn Thuận (trú tại số 98 Hai Bà Trưng, thị xã Ayun Pa) có 4,6 ha đất trong vùng ngập của Nhà máy Thủy điện Đak Srông 3A, trong đó diện tích bị thiệt hại chờ thủy điện bồi thường là 6.000m2. Theo ước tính của ông Thuận, nếu gộp cả đất đai, cây trồng, chi phí đầu tư… thì thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.
Điều đáng nói, trong 3 năm qua ông không dám đầu tư vì phía công ty hứa bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, không biết vì lý do gì đến nay thủy điện vẫn không chịu bồi thường.
"Tôi mong muốn công ty sớm giải quyết bồi thường thiệt hại để tôi có nguồn vốn tái đầu tư trên diện tích không bị ngập, không bị thu hồi và ổn định cuộc sống”, ông Thuận cho biết.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Hậu (trú tại phường Đại Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) mới mua 2,5 ha đất nơi đây thì có 1,4 ha bị ngập và chờ bồi thường. Anh Hậu cho biết: “Gia đình tôi đã bỏ ra hơn 2 tỷ để mua đất, đầu tư trang trại, trồng cây ăn trái. Giờ phải ngưng đầu tư, chăm sóc để chờ bồi thường. Việc nhà máy thủy điện kéo dài thời gian bồi thường đã gây thiệt hại rất nhiều cho gia đình tôi”.
Theo các hộ dân, con số thiện hại do thủy điện gây ra ước tính khoảng 30 tỷ đồng và đã kéo dài hơn 3 năm. Chính điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của các hộ gia đình nơi đây. Nhiều người dân bức xúc việc nếu công ty không sớm bồi thường thiệt hại thì họ sẽ kéo lên nhà máy không cho phát điện nữa.
Bao giờ mới được bồi thường?
Bức xúc chuyện bồi thường, ông Phạm Văn Sinh (trú tại thôn Quỳnh Phú, xã Ia Rsươm) có 2 ha đất bị ảnh hưởng và chờ bồi thường cho biết, ông không còn tiền để tái đầu tư trên diện tích này nữa. Trong khi đất có sổ đỏ cũng không thể dùng để đi vay tiền đầu tư do chưa xác định được giá trị bồi thường.
“Thiệt hại của người dân khá rõ ràng nhưng công ty cứ kéo dài thời gian bồi thường là có chủ ý, gây thiệt hại lớn cho người dân”, ông Sinh bức xúc.
Hơn 3 năm qua người dân không thể nuôi trồng trên đất của mình. |
Đề cập đến vấn đề này, ông Rơ Lan Baih, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa cho biết, giữa năm 2018, Công ty Cổ phần thủy điện Hoàng Anh Tô Na có ý kiến đề nghị địa phương phối hợp xác định giá trị thiệt hại để bồi thường cho người dân. Phía địa phương và công ty cũng đã tiến hành kiểm kê giá trị thiệt hại của người dân, còn về tiến độ, thời gian bồi thường thì không thuộc thẩm quyền của địa phương.
Trong khi đó, ông Cao Văn Dũng, Phó ban Quản lý Dự án đền bù di dân tái định cư huyện Krông Pa cho biết, tháng 4/2019, đơn vị đã ký hợp đồng kinh tế với Công ty cổ phần thủy điện Hoàng Anh Tô Na về việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thu hồi đất thuộc lòng hồ Nhà máy Thủy điện Đak Srông 3A. Cùng với đó là giải quyết các vướng mắc, phát sinh của các hộ dân trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Ông Dũng cho biết, Ban quản lý đã tham mưu và được UBND huyện Krông Pa ban hành thông báo thu hồi đất số 75/TB-UBND ngày 18/6. Theo đó sẽ thu hồi đất của 43 hộ dân với diện tích gần 164.000 m2 để giải phóng mặt bằng vùng bán ngập thuộc nhà máy Thủy điện Đak Srông 3A. Đây là cơ sở để xác định giá trị thiệt hại và tiến hành bồi thường cho người dân.
“Qua tính toán dự kiến, 43 hộ dân bị thiệt hại và thu hồi đất sẽ được bồi thường khoảng 15 tỷ đồng, dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ hoàn thành công tác bồi thường", ông Dũng cho biết.