| Hotline: 0983.970.780

Giá cá hồi Sa Pa cao kỷ lục

Thứ Hai 08/08/2022 , 08:45 (GMT+7)

Chỉ trong thời gian ngắn, giá cá hồi Sa Pa tăng mạnh và đạt mức cao kỷ lục, nhưng người nuôi không phải ai cũng có cá để bán.

Thương lái thu mua cá hồi của người dân ở xã Ngũ Chỉ Sơn (Sa Pa, Lào Cai). Ảnh: QD.

Thương lái thu mua cá hồi của người dân ở xã Ngũ Chỉ Sơn (Sa Pa, Lào Cai). Ảnh: QD.

Sau khi dịch Covid-19 được khống chế, số lượng du khách đến Sa Pa tăng đột biến, chỉ trong kỳ lễ 30/4-1/5 vừa qua khu du lịch này đón gần 100.000 du khách. Số du khách lên đây vào dịp hè ngày càng gia tăng khéo theo các dịch vụ du lịch, ăn uống chạy theo đáp ứng nhu cầu.

Một trong những món đặc sản của Sa Pa đó là cá hồi. Khó có du khách nào có thể bỏ qua khi đặt chân đến đây. Chính vì vậy, lượng tiêu thụ cá hồi tươi và các sản phẩm qua chế biến tăng mạnh trong những tuần qua.

Ông Lê Trung Thức, chủ trang trại cá hồi Thức Mai ở thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn (Sa Pa, Lào Cai) cho biết, ngoài tự nuôi cá hồi và chế biến thành các sản phẩm đóng gói phục vụ người tiêu dùng, trang trại cũng thu mua thêm cá hồi cho các hộ nông dân trong khu vực. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá cá hồi thu mua tại ao nuôi đã tăng lên khoảng 370.000 đồng/kg, còn ngoài thị trường khoảng 420.000 đồng/kg. Tuy vậy, số lượng thu mua cũng không được nhiều vì người dân không còn cá để bán.

"Giá cá hồi thương phẩm tăng cao, dù có lợi cho nông dân nhưng lại khó cho sản xuất vì không có cá để mua, hoặc bị ép giá. Còn với những đơn hàng lớn, vì giá cao nên hàng bán lại chậm hơn bình thường. Tuy nhiên, đối tác cũng chấp nhận vì cá hồi Sa Pa không như mặt hàng khác, không chốt giá ngay khi ký hợp đồng mà giá tùy thuộc thời điểm thu hoạch, tùy thuộc thị trường", ông Lê Trung Thức nói.

Cũng theo ông Thức, cùng kỳ năm ngoái, giá cá hồi chỉ dao động khoảng 200.000 đồng/kg. Vì giá rẻ nên bà con không mặn mà nuôi, mặc khác do chưa biết chắc khi nào du lịch mới phục hồi. Do đó, khi số lượng du khách lên Sa Pa tăng nhanh, người dân không đủ cá để bán còn cá lứa mới chưa kịp lớn.

Giá cá hồi tăng nóng giúp một số hộ dân có thu nhập cao trong một thời gian ngắn. Gia đình ông Chảo Láo Khé, thôn Can Hồ A, xã Ngũ Chỉ Sơn đã bán được hơn 3 tấn cá hồi, thu về khoảng 1 tỷ đồng. Hiện gia đình ông đang nuôi lứa cá nhỡ, khoảng 3 tháng nữa là xuất bán. Ông Khé kỳ vọng giá cá hồi sẽ vẫn giữ ở mức cao trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm.

Ông Chảo Láo Tả, thôn Can Hồ B, người có kinh nghiệm trong nuôi cá hồi cho biết, hiện trong thôn cá hồi không đủ bán. Chục tấn cũng có người đặt tiền, thậm chí còn phải cạnh tranh giá cả mới có thể mua được. Tuy vậy, cá hồi khan hiếm người dân cũng không thể mở rộng vì hết sạch chỗ để nuôi.

Cũng theo ông này, hiện có những hộ chỉ còn cá 4-5 lạng, tuy nhiên họ kỳ vọng khoảng 3 tháng nữa cá kịp lớn, đạt trọng lượng khoảng 1kg mỗi con vẫn sẽ bán được giá, khoảng 300.000 đồng/kg. Vì khi cá hồi Sa Pa đạt trọng lượng 5 lạng trở lên, cá có thể lớn rất nhanh.

Cá hồi cắt khúc được sơ chế để đóng gói trước khi đem bán ra thị trường. Ảnh: QD.

Cá hồi cắt khúc được sơ chế để đóng gói trước khi đem bán ra thị trường. Ảnh: QD.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thủy sản nước lạnh Sa Pa (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, Bộ NN-PTNT), đồng thời là Phó Chủ tịch Hội cá nước lạnh Sa Pa cho biết, sau khi khống chế được dịch bệnh Covid-19, lượng du khách lên Sa Pa tăng vọt nên lượng tiêu thụ cá hồi Sa Pa tăng theo.

Mặt khác, do thời điểm xảy ra Covid-19, bà con giảm lượng nuôi nên sản lượng cá hồi Sa Pa sụt giảm dẫn tới khan khiếm nguồn cung. Trong khi, nhu cầu thị trường tăng người dân lại không có cá để bán. Chênh lệch cung cầu khiến giá cá hồi Sa Pa tăng vọt.

Tuy vậy, ông Nguyễn Thanh Hải cũng cảnh báo, việc giá cá hồi tăng đột biến nếu người dân ồ ạt nuôi, nuôi với mật độ dày hoặc các tự ý mở rộng quy mô sẽ dẫn tới vượt quá quy hoạch, không áp dụng đúng quy trình nuôi sẽ xảy ra dịch bệnh hệ quả rất khó lường.

Hiện người dân bắt đầu nuôi bổ sung để tăng sản lượng nên nhu cầu con giống cá hồi cũng tăng đột biến. Dù Trung tâm đã chủ động sản xuất được con giống trong nước, nhưng do nhu cầu quá lớn nên vẫn phải nhập khẩu trứng cá từ các nước châu Âu để ấp nở thành cá con phục vụ người nuôi.

Xem thêm
Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất