Cá chất lượng tốt, ổn định, cá nhập từ Trung Quốc khó xâm lấn thị trường.
Nhu cầu thị trường lớn
Ở một số hệ thống nhà hàng chuyên phục vụ các món cá hồi, cá tầm Sa Pa tươi sống, chế biến tại chỗ luôn có lượng khách nhất định. Vào những dịp cuối tuần, số lượng khách đông hơn và ai cũng muốn sử dụng ẩm thực của địa phương. Đặc biệt là khi thương hiệu cá hồi, cá tầm Sa Pa đã khẳng định được tên tuổi.
Trang trại cá hồi, cá tầm ở Sa Pa. Ảnh: KT. |
Cùng đi với gia đình lên Sa Pa du lịch, ông Võ Trần Nam ở Hà Nội cho biết, gia đình tôi dự kiến ở Sa Pa 3 ngày cuối tuần. Sau khi đi cáp treo lên đỉnh Fansipan, buổi tối gia đình đặt ăn tại nhà hàng dưới thị trấn và sẽ thưởng thức món cá hồi sống và lẩu cá tầm mà nhà hàng quảng bá là cá đều được nuôi tại Sa Pa này. Xem qua thực đơn tôi thấy khá phong phú, giá cả hợp lý.
Ông Trần Chung Hưng là chủ hệ thống nhà hàng Song Nhi, đồng thời cũng là chủ trang trại cá hồi, cá tầm ở Bản Khoang cho biết, trang trại của ông nuôi không đủ để bán, nên phải thu mua thêm từ những trang trại khác ở Sa Pa. Cá tầm tươi sống hiện có giá khoảng 160 nghìn đồng/kg, cá hồi khoảng 250 nghìn đồng/kg còn giá bán ra lần lượt là 250 nghìn đồng/kg và 350 nghìn đồng/kg. Trừ chi phí tính ra lợi nhuận không nhiều nên tiêu thụ số lượng lớn mới có công. Khi cá lên bàn ăn của thực khách ở nhà hàng, cá hồi, cá tầm có giá trung bình khoảng 500-600 nghìn đồng/kg.
Số lượng cá tiêu thụ cũng theo từng mùa, từng thời điểm có đông du khách hay không. “Có lúc tiêu thụ tới 2 tạ/ngày nhưng có lúc chỉ 1 tạ/ngày. Tuy nhiên, chưa bao giờ cá hồi, cá tầm Sa Pa bị ế cả” - ông Hưng nói.
Những con cá hồi Sa Pa cho thịt thơm ngon hơn cá Trung Quốc. Ảnh: KT. |
Chủ trang trại cá hồi, cá tầm Thức Mai cho hay, lượng khách du lịch đến Lào Cai hay Sa Pa sẽ còn tăng cao, nên nhu cầu tiêu thụ đặc sản cá hồi, cá tầm bản địa sẽ rất lớn. Vì vậy, người nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa có cơ hội nâng cao thu nhập, tạo thêm việc làm ở địa phương từ nghề này.
Không lo cá Trung Quốc cạnh tranh
Gần đây, ở Lào Cai xuất hiện cá tầm, cá hồi có nguồn gốc từ Trung Quốc và điều này liệu có ảnh hưởng tới nghề nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa? Ông Hưng cho rằng, so với cá Trung Quốc, cá nước lạnh nuôi ở Sa Pa có chất lượng hơn hẳn. Cá tầm Trung Quốc có ưu điểm là rẻ chỉ 100 nghìn đồng/kg, trong khi ở Sa Pa giá thành sản xuất cá tầm cũng đã là 100 nghìn đồng/kg. Nhưng không vì thế cá Trung Quốc có thể đe dọa, hoặc chiếm lĩnh được thị trường cá nước lạnh ở đây. Bởi ngoài chất lượng, thì số lượng cá nuôi của các chủ trại chỉ tiêu thụ tại chỗ trên địa bàn Sa Pa và thành phố Lào Cai đã không đủ.
Mặt khác, các hệ thống nhà hàng uy tín ở Sa Pa như Song Nhi, Hồng Long… chỉ sử dụng nguồn thực phẩm đầu vào có nguồn gốc tin cậy được nuôi tại địa phương. Vì vậy, cá Trung Quốc không có cửa lấn sân thị trường. Mặc dù theo ông Hưng, việc phân biệt cá Trung Quốc và cá trong nước là rất khó bởi giống cá đều được nhập từ Châu Âu về. Chỉ những người làm trong nghề nhiều năm mới có thể phân biệt giữa những loại cá này. Trong khi, cá Trung Quốc thường sử dụng tăng trọng, hoặc cho ăn chất tạo màu rồi mới đẩy ra thị trường.
Người dân xuất bán cá hồi ở Bản Khoang (Sa Pa). Ảnh: KT. |
Ông Nguyễn Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thủy sản nước lạnh Sa Pa (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I) – cho biết, cá hồi, cá tầm Trung Quốc trước đây chỉ được nhập qua lối tiểu ngạch thì nay đã được cho phép nhập khẩu. Với cá nước lạnh có thương hiệu ở Sa Pa, Lào Cai, người nuôi không đủ cung cấp cá ra thị trường. Tuy nhiên về lâu về dài, cá Trung Quốc sẽ tác động tới thị trường.
Theo ông Hải, cá hồi Sa Pa do ăn cám nhập khẩu Châu Âu nên thịt dai, giòn, màu sắc đỏ tươi và đều còn cá Trung Quốc thịt nhão, nhiều nước. Khi mổ phi lê, cá Trung Quốc thịt đỏ không đều. Còn cá tầm nhìn hình thức bên ngoài khó phân biệt, nhưng khi mổ phi lê cá Trung Quốc tanh và nấu chín cá nát…
"Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã công nhận nhãn hiệu tập thể “Cá nước lạnh Sa Pa”. Tuy thương hiệu tốt nhưng các sản phẩm chui trà trộn vào sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến người nuôi bản địa, vì vậy, cần tích cực ngăn chặn các sản phẩm không rõ nguồn gốc, đặc biệt là tuyên truyền cho hộ cung cấp cá nước lạnh, người tiêu dùng bảo vệ nhãn hiệu này". (Ông Nguyễn Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thủy sản nước lạnh Sa Pa) |