| Hotline: 0983.970.780

Giá cước vận tải biển tăng mạnh do căng thẳng Biển Đỏ

Thứ Ba 09/01/2024 , 15:11 (GMT+7)

Căng thẳng ở Biển Đỏ đang khiến cho nhiều hãng tàu phải thay đổi lộ trình các tuyến châu Á - châu Âu, qua đó làm gia tăng mạnh cước vận tải biển.

Giá cước vận tải biển đi Mỹ, EU tăng mạnh do căng thẳng ở Biển Đỏ.

Giá cước vận tải biển đi Mỹ, EU tăng mạnh do căng thẳng ở Biển Đỏ.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thông tin từ một số doanh nghiệp thủy sản cho hay, một loạt hãng tàu lớn như Yang Ming Line, One, Evergreen Line, HMM, Maersk … đã gửi thông báo sẽ thu thêm phụ phí.

Nguyên nhân là do căng thẳng tại Biển Đỏ ảnh hưởng đến an toàn và đường vận tải của nhiều hãng tàu, nên họ buộc phải thay đổi hành trình các tuyến châu Á - châu Âu, tránh đi qua kênh đào Suez (chiếm 80% hàng hóa đi bờ Đông nước Mỹ/Canada và EU) và khu vực Biển Đỏ.

Việc các tàu hàng buộc phải vòng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi) khiến cho hành trình mất thêm 7-10 ngày. Điều này dẫn đến vòng quay của con tàu lâu hơn, dẫn tới phát sinh thêm nhiều chi phí vận tải biển. Thậm chí, một số tuyến vận tải phải cắt bỏ một số chuyến hàng hàng tuần dẫn đến thiếu chỗ hoặc đưa thêm tàu vào khai thác làm tăng thêm chi phí.

Với thông báo thu thêm phụ phí của các hãng tàu, giá cước vận tải biển đi Mỹ, Canada và EU từ tháng 1/2024 tăng rất nhiều so với tháng 12/2023. Cụ thể, đi bờ Tây nước Mỹ (Los Angeles) tăng 800-1.250 USD/container, tùy theo tuyến, đi bờ Đông nước Mỹ (New York) tăng từ 1.400-1.750 USD tùy theo tuyến.

Cước vận tải biển sang EU còn tăng mạnh hơn nữa. Cụ thể, cước đi Hamburg hiện có giá 4.350 USD-4.450 USD trong tháng 1/2024, trong khi giá tháng 12/2023 từ 1.200-1.300 USD.

Các doanh nghiệp thủy sản nhận định, nếu căng thẳng ở Biển Đỏ tiếp tục leo thang, sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu thủy sản trong năm 2024.

Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, căng thẳng ở Biển Đỏ cũng đang tác động lớn tới cước vận tải biển trên thị trường gạo thế giới. Hiện nay các tàu hàng đang chuyển hướng khỏi Biển Đỏ để đi vòng qua châu Phi ở mũi Hảo Vọng. Lộ trình này sẽ mất nhiều thời gian hơn cũng như chi phí cũng cao hơn, gây áp lực lên một số nước nhập khẩu gạo chính ở khu vực châu Phi và Trung Đông.

Theo ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cước vận tải biển với gạo Việt Nam đi châu Âu, nếu như chỉ ở mức dưới 1.000 USD/container trong năm 2023, thì tháng 1 này đã tăng lên tới 3.000 USD, thậm chí 4.000 USD tùy tuyến.

Ấn Độ và Pakistan đang là những nước xuất khẩu gạo bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi căng thẳng ở Biển Đỏ. Khu vực Tây Phi chiếm đến gần 50% tổng khối lượng gạo xuất khẩu hàng năm của Ấn Độ. Do đó, nếu tình trạng này kéo dài, các thương nhân xuất khẩu gạo Ấn Độ sẽ bị thiệt hại lớn về chi phí vận chuyển đối với các đơn hàng đã ký kết. Đã có thông tin một số thương nhân từ chối chào giá mới trong khi người mua đang yêu cầu các mức giá (FOB) thấp hơn để dự phòng rủi ro cước tàu. Giá chào bán gạo đồ của Ấn Độ đã giảm xuống do giá cước vận tải biển tăng cao.

Cước vận tải biển tăng mạnh và thời gian tàu hàng đi châu Phi và châu Âu sẽ dài hơn do thay đổi lộ trình, cũng đang tác động lớn tới xuất khẩu gạo của Pakistan. Một số thương nhân nước này còn bày tỏ nỗi lo ngại tình trạng thiếu hụt container rỗng sẽ lan rộng và đẩy giá cước tiếp tục leo thang nếu xung đột tại khu vực Biển Đỏ không có tín hiệu hạ nhiệt.

Hiện nay, các tuyến đi bờ Tây châu Phi và Bắc Mỹ đã bị ảnh hưởng trong khi châu Âu cũng sẽ khó tránh được trong thời gian tới. Tình trạng này dẫn tới gạo Basmati của Pakistan sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp do đây là những thị trường tiêu thụ chính với thời gian nhập khẩu tập trung trong tháng 1 và 2, là thời điểm thu hoạch vụ lúa Basmati hàng năm của Pakistan.

Do gạo Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường châu Á như Philippines, Indonesia, Trung Quốc …, châu Âu và Bắc Mỹ chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ nên cước vận tải biển tăng cao chưa ảnh hưởng nhiều tới xuất khẩu gạo Việt Nam. Mặt khác, vào thời điểm này, Việt Nam thường không xuất khẩu nhiều gạo do nguồn gạo năm cũ đã gần như cạn, trong khi vụ đông xuân ở ĐBSCL phải qua Tết nguyên đán mới thu hoạch rộ. Tuy nhiên, giá cước vận tải biển lên quá cao cũng đang gây ra những lo ngại nhất định với các thương nhân ngành hàng lúa gạo.

Xem thêm
Gia vị Việt Nam bị châu Âu cảnh báo tăng gấp 7 lần

Việt Nam là nước bị châu Âu cảnh báo nhiều nhất về gia vị nhập khẩu trong năm qua, với số trường hợp cao gấp 7 lần năm 2023.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Hỗ trợ doanh nghiệp Việt gia tăng lợi thế cạnh tranh

GEARS@VIETNAM giúp doanh nghiệp tại Việt Nam đo lường và thực hành ESG toàn diện trong quản trị nguồn nhân lực, giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.