Công an huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) vẫn đang tiến hành điều tra vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Theo đó, nạn nhân là bà N.T.L (59 tuổi, thường trú huyện Sa Thầy).
Trước đó, bà L. đã đến Công an huyện Sa Thầy trình báo về việc bị các đối tượng mạo danh Công an TP. Hà Nội uy hiếp để lừa đạo chiếm đoạt tài sản với số tiền 292 triệu đồng.
Theo hồ sơ vụ việc, ngày 23/8, bà L. nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ, phía đầu dây bên kia tự xưng là Trung úy Nguyễn Thành Nam, Công an TP. Hà Nội. Người đàn ông này cho biết, bà L. đang bị Công an TP. Hà Nội điều tra liên quan đến vụ gây tai nạn khiến 1 người chết rồi bỏ trốn.
Thấy vậy, bà L. hoảng sợ đồng thời phủ nhận không liên quan chuyện đó vì nhiều tháng nay không ra khỏi địa phương do dịch bệnh. Sau khi nghe bà L. trình bày, người đàn ông kia cho biết sẽ báo cáo lại sự việc cho lãnh đạo công an TP. Hà Nội được biết.
Chưa kịp hoàng hồn, ít phút sau, bà L. lại nhận được 1 số điện thoại khác gọi xưng là Đại tá, Trưởng ban chuyên án Công an TP. Hà Nội. Người này cho biết đã xem hồ sơ và yêu cầu bà L. cung cấp thông tin về tài sản, thẻ căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng...
Chưa dừng lại, sau đó người này tiếp tục gọi điện lại cho bà L. nói rằng bà đang bị điều tra liên quan đến vụ buôn bán ma túy. Bà L. phủ nhận, người này cho biết nếu muốn chứng minh mình trong sạch thì phải gửi tất cả tiền vào số tài khoản của người này để tạm giữ. Điều tra xong, người này sẽ hoàn trả lại cho bà L.
Để giữ bí mật, người này yêu cầu bà L. phải tuyệt đối không được nói cho ai biết kể cả với gia đình, chồng con. Thậm chí, để tạo sự tin tưởng, người này còn gửi ảnh chụp quyết định tạm giam bà L. cùng địa chỉ tạm trú qua zalo.
Quá hoảng loạn, ngày 24 – 25/8, bà L. đã đem vàng đi bán và rút tiền trong sổ tiết kiệm rồi gửi vào 2 số tài khoản của người đàn ông tự xưng Đại tá Công an. Bà L. đã 5 lần gửi vào 2 số tài khoản trên với tổng số tiền lên đến 292 triệu đồng. Sau đó, bà L. gọi lại cho các số điện thoại trên thì thuê bao không liên lạc được.
Biết mình bị lừa, bà L. đến cơ quan Công an huyện Sa Thầy trình báo, đồng thời ra ngân hàng làm các thủ tục phong tỏa 2 tài khoản ngân hàng của đối tượng lừa đảo. Tuy nhiên, các đối tượng đã kịp thời giải ngân toàn bộ số tiền trên vào nhiều tài khoản khác nhau gây khó khăn cho việc điều tra.
Theo Trung tá Phan Tiến Dũng, Trưởng Công an huyện Sa Thầy, đây là những thủ đoạn lừa đảo không mới nhưng nhiều người vẫn mắc bẫy. Công an huyện Sa Thầy đã phối hợp với nhiều đơn vị khác để thông tin, tuyên truyền để người dân cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo trên.
Đồng thời, Công an huyện Sa Thầy cũng khuyến cáo, người dân không nên cung cấp thông tin cho người lạ, nếu thấy bất thường thì cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an để được hướng dẫn cách xử lý.