Các nhà máy đã ép được 1.683.666 tấn mía, sản xuất ra 149.320 tấn đường. Đường sản xuất từ đường thô NK là 76.590 tấn. Nguồn cung đường như trên là đảm bảo nhu cầu của thị trường. Tháng 1 và trong tháng 2 tới, các nhà máy đường còn lại sẽ bước vào vụ sản xuất. Do đó, kể từ tháng 1, khi bước vào chính vụ, sản lượng đường sẽ tăng cao.
Do ảnh hưởng của giá đường thế giới, đường nhập lậu… giá đường Việt Nam đang tiếp tục đứng ở mức thấp. Đầu tháng 12/2018, giá đường trắng tại London từ 345-352 USD/tấn. Đến cuối tháng đó chỉ còn quanh mức 340 USD/tấn (giá đường trắng ngày 31/12/2918 là 335,45 USD/tấn).
Cuối năm ngoái, đường lậu tràn về nhiều, sang bao, đóng gói và bán công khai tại các tỉnh ĐBSCL như Đồng Tháp, Long An, tại miền Trung và miền Bắc (Nam Định, Thái Bình). Giá đường lậu bán ở miền Bắc là 10.600 đ/kg, miền Trung từ 10.400-10.500 đ/kg.
Những yếu tố trên khiến cho trong tháng 12/2018, giá bán buôn đường kính trắng trong nước giảm từ 100-200 đ/kg. Đến cuối tháng 12/2018, giá bán buôn đường kính trắng từ 10.700-11.300 đ/kg ở Hà Nội, 10.500-10.800 đ/kg ở miền Trung và 10.600-11.200 đ/kg ở TPHCM.
Với sản lượng đường tăng cao từ tháng 1, cộng với giá đường thế giới đang ở mức thấp, Hiệp hội Mía đường cho rằng, trong tháng này, giá đường ở Việt Nam nhiều khả năng vẫn giữ như ở mức cuối tháng 12/2018. Điều đó đồng nghĩa với việc trong dịp Tết Kỷ Hợi, giá đường có thể sẽ không tăng và ở mức thấp.