Dạo 1 vòng qua các gian hàng bán thịt heo ở chợ Lớn và chợ Đầm (TP Quy Nhơn) trong những ngày này, đập vào mắt chúng tôi là không khí buồn tẻ, các lối đi lại thênh thang bởi vắng bóng người tiêu dùng.
Nghe hỏi thăm về tình hình mua bán, 1 chị chủ gian hàng bán thịt heo ở chợ Lớn vừa phe phẩy cây đuổi ruồi cho những miếng thịt heo tươi rói để trên sạp, vừa thở dài thườn thượt, nói: “Giá thịt đắt như vàng kiểu này có mấy ai dám mua ăn đâu chú.
Trước đây, cứ tầm 9 giờ sáng là các gian hàng bán thịt heo trong chợ ken kín khách mua, các lối đi chen chúc người. Mỗi người đi chợ mua 2 – 3kg thịt là chuyện bình thường.
Bây giờ thi thoảng nhà ai có đám giỗ cực chẳng đã mới mua lượng thịt ấy, còn lại hầu hết người đi chợ đều tránh gian hàng thịt heo”.
Theo chị Hồng, 1 tiểu thương chuyên cân móc hàm nguyên con heo rồi ra thịt, bỏ mối cho những người bán lẻ tại các chợ nhỏ và hàng quán trong TP Quy Nhơn, trong 3 ngày qua giá thịt heo cân móc hàm bỗng tăng từ 120.000 đồng/kg lên 130.000 đồng/kg.
1 tạ thịt cân móc hàm về mổ ra chỉ được 18kg thịt ba chỉ và sườn non, 2 loại thịt trên bán được giá cao từ 160.000 - 170.000 đồng/kg, khoản lãi chênh lệch từ 2 loại thịt nói trên không đủ bù lỗ cho những phần thịt còn lại của con heo.
“Ngoài 2 loại thịt ba chỉ và sườn non bán có lãi, còn lại thịt nạt tôi bỏ cho các cơ sở sản xuất nem chả hiện chỉ có giá 130.000 đồng/kg, ngang tiền vốn mua vào. Những phần còn lại của con heo đều bán dưới giá 130.000 đồng/kg.
Ví như thịt mỡ tôi bán cho các cơ sở làm bánh chưng, bánh tét chỉ có giá 70.000 đồng/kg, thịt nọng chỉ 100.000 đồng/kg, xương giò bán cho các quán bún chỉ 110.000 đồng/kg. Tính ra hiện nay bán 1 con heo 1 tạ thịt cân móc hàm tôi bị lỗ mất 700.000 - 800.000 đồng, biết lỗ mà vẫn cứ phải bán để giữ bạn hàng”, chị Hồng bộc bạch.
Chị Hồng tiếc nuối nhớ lại: Vào thời điểm heo cân móc hàm còn đứng ở mức giá 45.000 - 50.000 đồng/kg, mua bán kiểu gì cũng có lãi. Khi ấy giá thịt rẻ, món thịt ngon nhất trong con heo như thịt ba chỉ và sườn non chỉ 60.000 - 70.000 đồng/kg nên thu hút được nhiều người tiêu dùng, lượng thịt bán ra mỗi ngày rất cao. Đến cả món rẻ nhất trong con heo là mỡ vẫn bán được giá cao hơn giá vốn mua vào, lãi toàn phần.
“Heo móc hàm có giá 45.000 - 50.000 đồng/kg kéo dài đến 2 - 3 năm. Đến khi dịch tả lợn châu Phi hoành hành, người nuôi bán tháo chuồng giá heo còn xuống thấp hơn nữa. Sau khi dịch tả lợn châu Phi lắng dịu, giá heo không ngừng tăng cao cho đến nay”, chị Hồng nhớ lại.
Bà Trần Thị Lệ (54 tuổi) ở thôn Lương Lộc, xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước), cho hay: “Vừa rồi, có thương lái đến trại heo của tôi hỏi có heo cân không và ra giá mua đến 90.000 đồng/kg hơi.
Nghe giá heo tăng cao tôi cũng ham thiệt, nhưng 400 con heo của tôi mới tái đàn hơn 2 tháng, chỉ mới đạt trọng lượng khoảng 75kg/con nên chưa thể xuất chuồng.
Heo trại phải nuôi có trọng lượng hơn 1 tạ/con mới gỡ gạc được vốn đầu tư con giống. Giá heo giống hiện rất đắt, khi tôi tái đàn 400 con heo này mỗi con giống sạch bệnh tôi mua ở trại giống có giá gần 4 triệu đồng/con”.
Giá heo càng tăng cao người chăn nuôi càng có lãi, thế nhưng đàn heo thịt ở Bình Định hiện đã “ngót”, hầu hết các trang trại và hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh này hiện không còn heo để bán. Thế nhưng thị trường tiêu thụ thịt heo ở Bình Định không có dấu hiệu “khủng hoảng thiếu”, bởi giá thịt quá đắt đã khiến người tiêu dùng thay đổi sự lựa chọn về thực phẩm cho những bữa ăn hàng ngày.
“Trong thời dịch Covid-19 hoành hành mọi hoạt động kinh doanh mua bán đều tê liệt, chẳng ai làm ra tiền, vậy mà đi chợ mua 1kg thịt ba chỉ đến 170 ngàn đồng, nếu mua 1kg sườn non phải móc hầu bao đến 200 ngàn đồng hỏi ai mà không xót.
Trong khi đó đồ hải sản như cá, mực vừa bổ dưỡng vừa rất rẻ. Cả gà ta hiện dù đã tăng giá nhưng vẫn còn khá rẻ, chỉ gần 60.000 đồng/kg, mua 2kg gà chỉ 120 ngàn đồng về kho xả cả nhà ăn thoải mái, mua nửa ký sườn non mất 100 ngàn cả nhà gắp không đủ lượt”, chị Đinh Thị Hoa, phường Bình Định (TX An Nhơn), chia sẻ.