| Hotline: 0983.970.780

Gia Lai đau đầu với bài toán trồng rừng

Thứ Ba 16/08/2022 , 07:05 (GMT+7)

Trong giai đoạn 2017 - 2021, tỉnh Gia Lai đã trồng được gần 31.000ha rừng, song tỷ lệ cây sống rất thấp. Nhiều nơi, tỉ lệ rừng trồng đạt yêu cầu chỉ chiếm 20%.

Có nơi chỉ 20% diện tích rừng trồng đạt yêu cầu

Mới đây, đoàn giám sát của Hội đồng Nhân dân tỉnh Gia Lai đã làm việc với một số sở, ngành và địa phương về công tác trồng rừng và quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. 

Theo báo cáo, giai đoạn 2017 - 2021, toàn tỉnh Gia Lai đã trồng được gần 31.000ha rừng, song tỷ lệ cây sống rất thấp, nhiều nơi kết quả trồng rừng không được như kỳ vọng.

Công tác trồng rừng tại huyện Chư Păh. Ảnh: Tuấn Anh

Công tác trồng rừng tại huyện Chư Păh. Ảnh: Tuấn Anh

Huyện Krông Pa là địa phương có diện tích rừng lớn của tỉnh Gia Lai với gần 74.00ha rừng tự nhiên, 1.750ha rừng trồng và gần 27.000ha đất chưa có rừng. Từ năm 2018 - 2021, diện tích đất trống đã được huyện Krông Pa cho các hộ dân đăng ký tham gia trồng rừng và các ban quản lý rừng phòng hộ tham gia trồng rừng.

Từ năm 2018 - 2021, toàn huyện đã triển khai trồng được hơn 471ha rừng từ nguồn hỗ trợ theo Quyết định 38 của Thủ tướng Chính phủ và nguồn vốn khác. Tuy nhiên qua kiểm tra, nghiệm thu năm 2021 đối với diện tích rừng trồng giai đoạn 2018 - 2020, chỉ có hơn 65ha đạt yêu cầu (chiếm hơn 20%).

Cụ thể, năm 2018, UBND huyện Krông Pa đã chi trên 330 triệu đồng để 149 hộ trồng gần 145ha keo lai, mật độ trồng từ 1.800 - 3.333 cây/ha. Tuy nhiên đến nay, có tới 92ha cây bị chết, không đạt yêu cầu để nghiệm thu. Tương tự, năm 2019, huyện này chi 415 triệu đồng để trồng 105ha keo lai, bạch đàn với mật độ 1.600 cây/ha. Đến nay, có tới 76ha cây đã chết, không đạt yêu cầu để nghiệm thu; 28ha có tỉ lệ cây sống dưới 50%; chỉ có 37ha cây có tỉ lệ cây sống trên trên 50%.

Năm 2019, Ban quản lý Rừng phòng hộ Ia Rsai (huyện Krông Pa) trồng 40ha keo lai, đến thời điểm hiện tại chỉ còn 3,1ha, năm 2020 trồng 20ha thì nay chỉ còn sống được 3.7ha.

Tại huyện Chư Pưh, trong giai đoạn 2017 - 2021, tỉnh Gia Lai đã hỗ trợ để người dân trồng được trên 327ha rừng. Tuy nhiên, đến nay có tới 245ha có tỉ lệ sống thấp hơn 50% (chiếm tỉ lệ trên 74%). Ngoài ra, các huyện Phú Thiện, thị xã Ayun Pa… diện tích rừng trồng cũng bị chết rất nhiều. Không chỉ rừng trồng bằng nguồn ngân sách bị chết, diện tích cho các doanh nghiệp thuê đất trồng rừng cũng có tỉ lệ chết rất lớn.

Người dân trồng rừng đối phó?

Ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ rừng trồng đạt tiêu chuẩn thấp. Trong đó, toàn bộ diện tích trồng rừng giai đoạn 2018 - 2021 là người dân tự nguyện kê khai trả lại đất rừng đã lấn chiếm rồi đăng ký trồng rừng. Vì vậy, diện tích manh mún, rải rác, gây khó khăn cho công tác giám sát trồng và chăm sóc rừng.

Đoàn giám sát của Hội đồng Nhân dân tỉnh Gia Lai kiểm tra công tác trồng rừng tại huyện Krông Pa. Ảnh: Tuấn Anh.

Đoàn giám sát của Hội đồng Nhân dân tỉnh Gia Lai kiểm tra công tác trồng rừng tại huyện Krông Pa. Ảnh: Tuấn Anh.

Bên cạnh đó, người dân trồng rừng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên nhận thức về trồng rừng và việc thu hồi đất rừng bị lấn chiếm còn hạn chế. Cùng với đó, nhiều hộ dân thiếu đất sản xuất nên ngoài trồng rừng, còn trồng xen cả các loại cây khác khiến cây rừng bị ảnh hưởng. Đặc biệt, thời tiết nắng nóng, cây trồng không hợp thổ nhưỡng nên sinh trưởng kém và bị các loài động vật phá hoại. Nguồn gốc cây giống không đảm bảo...

Ngoài ra, khu vực trồng rừng xa xôi, phức tạp, phần lớn các hộ dân tham gia trồng rừng không có vốn đầu tư, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh. Tuy nhiên, suất đầu tư cho trồng rừng thấp, chỉ được 7 triệu đồng/chu kỳ trong giai đoạn 2018 - 2020 và từ năm 2021 chỉ còn 2,5 triệu đồng/chu kỳ trồng rừng nên hầu hết người dân thiếu mặn mà khi tham gia trồng rừng.

Về kế hoạch trồng rừng, ông Thảo cho biết, đối với diện tích đất trống tập trung thì nên giao cho các doanh nghiệp thực hiện trồng, còn lại đất phân tán, manh mún thì nên giao cho người dân.

“Quan điểm của tôi, nên trồng những cây nằm trong danh mục của Bộ NN-PTNT nhưng phải vừa có lợi cho người dân và vừa có rừng. Ngoài ra, đề người dân gắn bó, có động lực gắn bó trồng rừng thì các cấp, ngành phải nâng định mức hỗ trợ cho 1 chu kỳ trồng rừng. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ đối với những hộ dân từ bỏ vốn trồng rừng trên diện tích nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng”, ông Thảo chia sẻ.

Cần có thêm những chính sách hỗ trợ người dân trong công tác trồng rừng. Ảnh: Tuấn Anh.

Cần có thêm những chính sách hỗ trợ người dân trong công tác trồng rừng. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai cho biết, khó khăn nhất trong công tác trồng rừng là đất đai để trồng rừng còn manh mún, đất sản xuất xấu dẫn đến cây bị chết. Ngoài ra, khi giao khoán cho người dân trồng rừng vẫn mang tính đối phó để không bị thu hồi đất và nhận được tiền giao khoán trồng rừng.

“Về nguyên tắc, trồng rừng mà để cây chết thì phải thu hồi lại tiền giao khoán trồng rừng của người dân, như vậy sẽ rất khó khăn. Thay vào đó, sẽ giao khoán cho người dân trồng lại rừng, khi nghiệm thu phải có sản phẩm, không đạt thì người dân phải chịu trách nhiệm”, ông Hoan cho biết.

Trước những khó khăn trong công tác trồng rừng, ông Trương Văn Đạt, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Gia Lai đã yêu cầu Sở Tài chính rà soát lại các khoản nợ, kinh phí trồng rừng để xem xét nâng mức hỗ trợ trồng rừng cho người dân. Ngoài ra, Sở Nội vụ cần tham mưu về công tác tổ chức bộ máy, bổ sung nguồn nhân lực để làm tốt hơn nữa công tác trồng rừng. Ông Đạt cũng yêu cầu Gia Lai cần tham khảo mức hỗ trợ kinh phí trồng rừng ở các tỉnh bạn để tham mưu cho UBND tỉnh trình Hội đồng Nhân dân tỉnh xem xét, nghiên cứu ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác trồng rừng trên địa bàn tỉnh.

Xem thêm
Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cục Hải quan Bình Định vừa đối thoại với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan khi tham gia xuất nhập khẩu.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.