| Hotline: 0983.970.780

Trồng rừng, nghề cần sự kiên nhẫn

Thứ Hai 16/05/2022 , 07:14 (GMT+7)

CAO BẰNG Trồng rừng là nghề đòi hỏi sự kiên nhẫn, vì phải 10 năm trở lên cây rừng cây mới phát triển tốt để cho thu hoạch với giá trị cao.

Những rừng thông hơn 20 năm tuổi đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân xóm Nà Mằn, Bản Piên, xã Phong Châu, huyện Trùng Khánh. Ảnh: Công Hải.

Những rừng thông hơn 20 năm tuổi đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân xóm Nà Mằn, Bản Piên, xã Phong Châu, huyện Trùng Khánh. Ảnh: Công Hải.

Vừa bán gần 12 ha rừng thông trồng hơn 20 năm, ông Hoàng Văn Nìn, xóm Nà Mằn, Bản Piên, xã Phong Châu (huyện Trùng Khánh, Cao Bằng) thu về gần 500 triệu đồng. Ông Nìn chia sẻ: Trồng rừng là nghề đòi hỏi sự kiên nhẫn vì phải 10 năm trở lên rừng cây mới phát triển tốt để cho thu hoạch với giá trị cao. Sau khi khai thác, tôi tiếp tục trồng rừng trên diện tích được giao".

Có vốn từ bán rừng thông, ông Nìn đầu tư xây chuồng trại, mua thêm 6 con trâu về vỗ béo. Thời gian tới, ông sẽ đầu tư mua thêm trâu vỗ béo để phát triển kinh tế. Với 8 con trâu sinh sản cùng đàn trâu vỗ béo trung bình 6 - 10 con/lứa, mỗi năm ông có thể thu nhập hơn 200 triệu đồng từ mô hình nuôi trâu.

Ông Nông Văn Thọ, Bí thư Chi bộ xóm Nà Mằn (Bản Piên) thông tin: Xóm có truyền thống trồng rừng từ vài chục năm nay. Xóm có 70 hộ thì 100% hộ dân đều phát triển trồng rừng. Hộ ít cũng từ 5.000m2 - 1 ha, hộ nhiều từ 3 - 6 ha. Cả xóm hiện chỉ còn 4 hộ nghèo, đời sống người dân ngày càng được nâng lên, người dân đồng thuận, đồng lòng cao tham gia vào chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã.

Những cánh rừng sản xuất xanh mướt ở Thị trấn Xuân Hòa, huyện Hòa Quảng. Ảnh: Công Hải.

Những cánh rừng sản xuất xanh mướt ở Thị trấn Xuân Hòa, huyện Hòa Quảng. Ảnh: Công Hải.

Ông La Đức Toàn, Trưởng Ban quản lý Rừng phòng hộ sông Quây Sơn cho biết: Huyện Trùng Khánh có hơn 35.000 ha đất có rừng, trong đó hơn 33.000 ha đất rừng tự nhiên, tỷ lệ che phủ rừng đạt 50,9%. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã trồng được hơn 400 ha rừng, trong đó trồng được 230 ha rừng sản xuất, 115 ha rừng phòng hộ, 60 ha rừng thay thế, hơn 50.000 cây phân tán; chăm sóc hơn 550 ha rừng phòng hộ.

Nhân dân đã khai thác 5.568 m3 gỗ rừng sản xuất, góp phần vào việc nâng cao giá trị rừng, đem lại thu nhập cao. Ngoài các xã, thị trấn vùng đồng thấp, nhiều xã vùng cao, vùng biên giới cũng có phong trào trồng rừng phát triển tốt như Ngọc Khê, Chí Viễn, Đình Phong, Xuân Nội…

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Hà Quảng kiểm tra công tác trồng, bảo vệ rừng của người dân. Ảnh: Công Hải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Hà Quảng kiểm tra công tác trồng, bảo vệ rừng của người dân. Ảnh: Công Hải.

Theo Chi cục Kiểm lâm Cao Bằng, toàn tỉnh hiện có hơn hơn 353.000 ha rừng tự nhiên, gần 17.000 ha rừng trồng. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2021 đạt trên 56%. Năm 2021, toàn tỉnh trồng mới 1.847 ha rừng, trong đó 524 ha rừng sản xuất Dự án Bảo vệ và Phát triển rừng; gần 400 ha rừng trồng sau khai thác; 100 ha rừng trồng thay thế; trồng hơn 800 nghìn cây phân tán… Tổng khối lượng gỗ khai thác hơn 27.400 m3 gỗ các loại. Trong năm 2021, Chi cục phát hiện, xử lý 179 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, nộp ngân sách Nhà nước 1,1 tỷ đồng.

Bà Hoàng Thị Duyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cao Bằng cho biết: Công tác kiểm tra, giám sát, bảo vệ rừng tại gốc là nhiệm vụ thường xuyên của ngành kiểm lâm. Tuy nhiên, địa bàn nhiều huyện trong tỉnh rộng, lực lượng mỏng nên cán bộ kiểm lâm luôn phải căng mình, tập trung toàn bộ quân số để bảo vệ màu xanh của rừng. Chỉ cần lơ là một chút, các đối tượng xấu sẽ lợi dụng để khai thác rừng trái phép.

Phát triển trồng rừng giúp Công ty TNHH Quang Minh (Cao Bằng) có đủ nguồn nguyên liệu để sản xuất ván ghép thanh. Ảnh: Công Hải.

Phát triển trồng rừng giúp Công ty TNHH Quang Minh (Cao Bằng) có đủ nguồn nguyên liệu để sản xuất ván ghép thanh. Ảnh: Công Hải.

Lực lượng kiểm lâm tỉnh luôn tăng cường tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao năng lực cho cán bộ kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng ở cơ sở; sử dụng phần mềm theo dõi diễn biến rừng theo dõi diễn biến rừng. Tăng cường lực lượng tuần tra, chốt chặn trên những tuyến đường, vùng trọng điểm đảm bảo ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.

“Thời gian tới, Chi cục tiếp tục tham mưu cho Sở NN-PTNT, UBND tỉnh Cao Bằng làm tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng; tăng cường tuần tra, kiểm tra rừng, truy quét, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi phá rừng và khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Tiếp tục thực hiện các đề án, dự án bảo vệ và phát triển rừng; chỉ đạo các hạt kiểm lâm tăng cường bám sát địa bàn, thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tại các địa phương”, bà Duyên cho biết thêm.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Những công nghệ 'chia lửa' cho lực lượng giữ rừng

Rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai. Việc ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng đầu nguồn giúp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.