| Hotline: 0983.970.780

Già làng mẫu mực ở Cư Drăm

Thứ Ba 28/06/2022 , 10:25 (GMT+7)

Gần tuổi 70 nhưng cựu chiến binh Y Tlốc Ê Ban (dân tộc Ê Đê) thường gọi là Ama Nghiệp ở buôn Chàm B, xã Cư Drăm (Krông Bông, Đăk Lăk) vẫn rất năng động.

Già làng Ama Nghiệp (bìa trái) là người có uy tín, năng động, làm kinh tế giỏi

Già làng Ama Nghiệp (bìa trái) là người có uy tín, năng động, làm kinh tế giỏi

 Ama Nghiệp còn được nhiều người biết đến là già làng uy tín, gương mẫu ở xã vùng sâu Cư Drăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk.

Nhập ngũ năm 1971, phục vụ trong quân đội gần 10 năm, đến năm 1990 ông xuất ngũ về địa phương và tham gia công tác tại trạm y tế xã Cư Drăm. Đến năm 2000, vì điều kiện khó khăn, gia đình đông con (trong đó có 2 con bị tật nguyền) nên ông xin về nghỉ chế độ.

Khi về buôn, là người uy tín nên ông được bà con bầu làm trưởng ban công tác mặt trận, chi hội trưởng người cao tuổi, bầu làm già làng và thầy cúng của buôn. Dù ở nhiệm vụ, công việc nào, già làng Ama Nghiệp đều rất nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm, luôn hết lòng vì buôn làng.

Mỗi khi gia đình nào trong buôn có chuyện xích mích, mâu thuẫn, mất đoàn kết là ông có mặt ngay để giải quyết, hòa giải. Những gia đình nào có ma chay, hiếu hỉ, làm nhà mới già làng Ama Nghiệp đều nhiệt tình đến để giúp việc làm thủ tục lễ nghi truyền thống. Vì vậy trong nhiều năm qua, buôn Chàm B luôn yên bình, không xảy ra sự việc nghiêm trọng nào.

Già làng Ama Nghiệp tâm sự: “Buôn Chàm B có 133 hộ, hơn 500 khẩu. Người dân chủ yếu là dân tộc Ê Đê. Vì bà con trong buôn luôn tin tưởng nên khi gia đình nào có công việc hoặc xảy ra mâu thuẫn giữa các hộ thì dù bận công việc đến đâu hay trời mưa, đêm tối mình cũng cố gắng thu xếp để đến giúp đỡ”.

Không những vậy, già làng Ama Nghiệp còn là người nhạy bén, luôn đi đầu trong việc chuyển đổi cây trồng, phát triển kinh tế giúp gia đình thoát nghèo. Ông còn thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con trong buôn làm theo để cùng thoát nghèo. Trước đây với gần 6ha đất canh tác nhưng do trồng các loại cây không phù hợp, kém hiệu quả hoặc nhiều diện tích đất bị bỏ hoang nên gia đình ông thuộc diện hộ nghèo.

Khi về nghỉ chế độ, ông đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, cùng với gia đình chuyển đổi trồng các loại cây phù hợp với chất đất, khí hậu, hiệu quả kinh tế cao và tận dụng hết đất đai để trồng trọt. Trước đây chỉ có trồng lúa đồi, sắn, đậu, keo thì đến nay gia đình ông đã có gần 2ha cà phê, 3ha dứa đồi, trồng xen 2ha điều, 0,5ha chuối, hàng trăm cây ăn quả và 0,2 ha lúa nước...

Ngoài ra, gia đình ông còn chăn nuôi 3 con bò sinh sản, lợn, gà. Bình quân thu nhập của gia đình mỗi năm hơn 200 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí. Nhờ vậy, gia đình ông đã thoát nghèo, sửa được nhà, mua máy làm đất, máy tưới cà phê, xe công nông chở nông sản, làm nhà riêng cho các con.

Già làng Ama Nghiệp chia sẻ: “Đất đai của gia đình cũng nhiều nhưng do trước đây chưa mạnh dạn chuyển đổi cây trồng nên luôn trong tình trạng thiếu ăn. Giờ chuyển đổi cây trồng phù hợp, trồng được nhiều loại cây đem lại hiệu quả kinh tế cao nên kinh tế gia đình ổn định và dần khấm khá lên”.

Già làng Ama Nghiệp là người năng động, làm kinh tế giỏi, có uy tín trong buôn. Ông nhiều lần được bình chọn là người đại diện của xã Cư Drăm đi dự hội nghị gặp mặt các Già làng, Người có uy tín tiêu biểu cấp huyện, cấp tỉnh.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

OCOP Nghệ An cần những mảng màu như Tứ Phương

Muốn phát triển thương hiệu OCOP vững bền đòi hỏi lượng và chất phải song đôi, xuyên suốt hành trình đã qua, Tứ Phương luôn xem đây là yêu cầu bắt buộc.