Quang cảnh hội nghị |
Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Trung ương MTTQ VN và lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên. Hội nghị còn có sự tham dự của 224 già làng tiêu biểu khu vực Tây Nguyên.
Tây Nguyên là vùng đất đa dân tộc, đa văn hóa, dân số trên 5 triệu người với 47 dân tộc anh em (trong đó có 12 tộc người thiểu số tại chỗ), cư trú ở gần 7.800 thôn/buôn/tổ dân phố, trong đó có trên 2.800 buôn, thôn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (với khoảng 2 triệu người là đồng bào các dân tộc thiểu số, chiếm 35% tổng dân số toàn vùng).
5 tỉnh Tây Nguyên hiện có khoảng 3.000 già làng, trong đó không ít các già làng Tây Nguyên đã trải qua hai cuộc kháng chiến. Già làng ở Tây Nguyên là những người có kinh nghiệm trong cuộc sống, có uy tín trong gia đình và cộng đồng, là trụ cột quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển cuộc sống mới trong cộng đồng.
“Già làng nói - dân làng nghe, già làng hô - dân làng hưởng ứng, già làng làm - dân làng làm theo”. Tiếng nói của các già làng như cán cân để điều chỉnh các mối quan hệ trong cộng đồng. Già làng Tây Nguyên được ví như những cây Kơ-nia bất diệt của đại ngàn Tây Nguyên hùng vỹ, có vai trò gắn kết, hòa giải; là cây cột chính, là con người minh triết nhất của làng...
Sau 10 năm triển khai thực hiện Quyết tâm thư (2009 - 2019), là người đứng đầu trong buôn làng, các già làng Tây Nguyên luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào, các cuộc vận động của Đảng, Nhà nước; luôn xứng đáng là cầu nối giữa chính quyền với nhân dân, với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Các già làng đã tích cực tuyên truyền, vận động dân làng hăng say lao động sản xuất, đổi mới cách làm, phát huy tiềm năng thế mạnh vùng đất Tây Nguyên để xóa đói giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng làng.
Bên cạnh đó, các già làng Tây Nguyên cũng hết sức chú trọng việc vận động dân làng nâng cao cảnh giác, không nghe, không tin, không làm theo kẻ xấu, kiên quyết làm thất bại mọi âm mưu, hành động của các thế lực phản động lợi dụng vấn đề nhân quyền, dân chủ, dân tộc, tôn giáo gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc ở Tây Nguyên. Phát huy vai trò của người cao tuổi, tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng”, làm nòng cốt trong các phong trào ở buôn làng, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Quyết tâm thư, đã có không ít già làng góp công lớn trong việc vận động thành công những đối tượng lười lao động, bị kích động dẫn đến quấy rối buôn làng, xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước... Những đối tượng này đã ra đầu thú, trở về làng đoàn tụ với gia đình, làm ăn chân chính.
224 già làng tiêu biểu của Tây Nguyên là 224 "cây Kơ-nia" giữa bạt ngàn rừng cây Kơ-nia ở các buôn xa làng gần khắp 5 tỉnh Tây Nguyên. Có thể kể tên những "cây Kơ-nia" tiêu biểu như già làng Điểu Mun (dân tộc M'nông, SN 1945) ở bon ND Rong B, xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức, Đăk Nông; đó là già làng A Thiếu (dân tộc Hờ Lăng) ở làng Lung, xã Ya Xia, huyện Sa Thầy, Kon Tum; già làng KSen ở thôn Ka Minh, xã Gủng Ré, huyện Di Linh, Lâm Đồng...
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của các già làng trong việc phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.
Trao bức trướng cho già làng tiêu biểu 5 tỉnh Tây Nguyên |
Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: "Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, phấn đấu đạt kết quả cao hơn trong sự nghiệp đoàn kết và phát triển Tây Nguyên, tôi xin trao đổi một số nội dung sau đây: Tôi mong muốn các già làng và người cao tuổi các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục giáo dục con cháu, vận động đồng bào các dân tộc trên địa bàn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những lời dạy trong Thư của Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tổ chức tại Pleiku, tỉnh Gia Lai năm 1946, gắn với nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị.
Đề nghị các già làng tích cực vận động con cháu giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc; xoá bỏ một số tập tục lạc hậu, mê tín, dị đoan hiện còn tồn tại làm ảnh hưởng đến sự phát triển của từng dân tộc và sự phát triển chung của cộng đồng; không thách cưới, không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống; không để tang ma kéo dài, ăn uống linh đình...
Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng buôn làng bình yên và ngày càng phát triển; tham gia các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; luôn đề cao cảnh giác phòng, chống âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch trong và ngoài nước chống phá công cuộc đổi mới của đất nước, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc; thực hiện bốn không: “Không nghe, không tin, không làm theo và không sợ” kẻ xấu xúi giục, kích động. Gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động tại địa phương, cơ sở và các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam phát động...".