| Hotline: 0983.970.780

Giá lúa ĐBSCL tăng trở lại

Chủ Nhật 22/08/2021 , 15:11 (GMT+7)

Hiện giá lúa gạo ở ĐBSCL đang tăng nhẹ, nhưng chưa như kỳ vọng, các thương nhân tin tưởng xuất khẩu lúa gạo sẽ khởi sắc khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn.

Nông dân ĐBSCL đang thu hoạch lúa hè thu 2021. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nông dân ĐBSCL đang thu hoạch lúa hè thu 2021. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Giá lúa tăng 300 đồng/kg

Đến nay, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã thu hoạch được gần 800.000ha trong tổng số hơn 1,5 triệu ha lúa hè thu 2021, với năng suất ước đạt 57,86 tạ/ha (riêng TP. Cần Thơ đã thu hoạch xong). 

Một số tỉnh đang thu hoạch như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang và Long An… lúa chất lượng cao OM 18 được nông dân bán tươi cho thương lái và các doanh nghiệp ở mức từ 5.800- 6.000 đồng/kg.

Trong khi cách nay hơn 1 tuần, giá chỉ ở mức 5.600-5.700 đồng/kg trở lại. Giá các loại lúa OM 6976, OM 5451… ở mức 5.100-5.400 đồng/kg, trong khi trước đó giá chỉ 4.900-5.200 đồng/kg. Riêng giá lúa tươi IR50404 tại nhiều nơi có tăng nhẹ trở lại khoảng 200-300 đồng/kg nhưng vẫn còn ở mức thấp, dao động từ 4.500-4.950 đồng/kg. Tại nhiều địa phương, các loại lúa thơm, lúa tươi Đài thơm 8, RVT, ST24… bán được giá 6.200-6.500 đồng/kg.

Ngày 18/8, theo ghi nhận của một thương lái ở TP. Cần Thơ chạy ghe chở 6 tấn gạo bán cho kho tại khu vực TP. Sa Đéc (Đồng Tháp) lượng gạo nguyên liệu về các nhà máy thu mua lúa gạo khá ít, chỉ có một vài kho mua vào, các kho khác đóng cửa, ngưng mua do đang phòng chống dịch. Tuy nhiên giá gạo nguyên liệu bình ổn và có tăng nhẹ so với tuần trước. Hiện giá gạo thành phẩm như IR50404 vụ hè thu 2021 từ 8.000-8.100 đồng/kg, OM5451 từ 8.700-8.800 đồng/kg, Đài thơm 8 từ 9.000 - 9.100 đồng/kg, còn OM18 10.500 -10.600 đồng/kg…

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Tính đến nay, toàn tỉnh thu hoạch lúa hè thu đạt trên 81%, trên tổng số diện tích 228.479 ha, rất mừng một tuần nay hệ thống thương lái, doanh nghiệp đang tăng mua lúa trở lại nên giá thu mua hiện nay tăng nhẹ từ 100 - 300 đồng/kg so với tuần trước tùy theo giống. Hiện trên địa bàn An Giang có 12 doanh nghiệp, công ty thực hiện thu mua với diện tích là 15.654 ha, riêng Tập đoàn Lộc Trời thực hiện liên kết là 11.920 ha đảm bảo thu mua lúa cho bà con.

Rất mừng một tuần nay hệ thống thương lái, doanh nghiệp đang tăng mua lúa hè thu trở lại nên giá thu mua hiện nay tăng nhẹ từ 100 - 300 đồng/kg so với tuần trước. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Rất mừng một tuần nay hệ thống thương lái, doanh nghiệp đang tăng mua lúa hè thu trở lại nên giá thu mua hiện nay tăng nhẹ từ 100 - 300 đồng/kg so với tuần trước. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo ông Lâm, giá lúa không chỉ ở An Giang tăng giá trở lại mà nhiều địa phương khác ĐBSCL đã có tín hiệu khởi sắc nhờ hoạt động thu mua lúa gạo đang được các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh. Đặc biệt, những ngày qua, Bộ NN-PTNT đã phối hợp các bộ, ngành Trung ương, địa phương và doanh nghiệp có liên quan để triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân thu hoạch, tiêu thụ lúa và thúc đẩy các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động chế biến, xuất khẩu gạo.

Càng thuận lợi hơn, mới đây UBND tỉnh An Giang đã ký kết hợp tác với Bộ Tư lệnh quân khu 9 về việc tổ chức giúp nhân dân thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Ngoài ra, để thúc đẩy tiêu thụ, UBND tỉnh An Giang đã chủ động phối hợp với 3 tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ về tìm giải pháp tiêu thụ lúa, nếp và đã có những tín hiệu khả quan từ thị trường lúa, gạo. Đồng thời, tỉnh cũng đã mời gọi một số doanh nghiệp như Lộc Trời, Tân Long, Tấn Vương vào cuộc...

Gạo xuất khẩu bị ứ đọng tại cảng

Từ 16/8 đến nay, cảng Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) tạm dừng hoạt động do đơn vị này chỉ đảm bảo phuơng án vừa cách ly vừa sản xuất khiến cho hàng hóa tại cảng ứ đọng, không xuất khẩu được và tốn nhiều lệ phí.

Các doanh nghiệp rơi vào cảnh điêu đứng. Hiện xí nghiệp Lương thực Hòa Bình (thuộc Tổng công ty Lương thực Bình Định) tại An Giang còn tồn đọng 40 container tại cảng Thốt Nốt, trong đó có 20 container đã đóng thùng với 520 tấn gạo nhưng chưa kịp đưa xuống tàu xuất khẩu. Số còn lại đang chuẩn bị đóng thùng thì cảng bất ngờ tạm ngừng hoạt động.

Hiện cảng Mỹ Thới (An Giang) tồn đọng 60 container gạo với 1.560 tấn chưa xuất đi được. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện cảng Mỹ Thới (An Giang) tồn đọng 60 container gạo với 1.560 tấn chưa xuất đi được. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Còn tại cảng Mỹ Thới cũng đang tồn đọng 60 container gạo với 1.560 tấn chưa xuất đi được. Điển hình như Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang có hàng chục tấn gạo nằm chờ nhiều ngày qua tại cảng và lượng lớn hàng nằm chờ tại kho để ra cảng nhưng chưa xuất được.

Ông Võ Quốc Hùng, Phó trưởng Ban quản lý cảng Mỹ Thới (An Giang) cho biết, doanh nghiệp có gửi phương án vừa cách ly vừa xuất nhưng thẩm định không đạt do cảng có nhiều xe chở hàng ra vào, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.

Đại diện đơn vị quản lý cảng Thốt Nốt cho biết, đang liên hệ UBND TP Cần Thơ xin gia hạn hoạt động để tránh giải phóng lượng hang hoá tại cảng, giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP. Cần Thơ, cho biết: Hiện nay toàn thành phố có 26/45 doanh nghiệp xuất khẩu gạo hoạt động, nhưng cũng chỉ sản xuất 50% do phải đảm bảo giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Hiện trong kho của các doanh nghiệp còn tồn đọng 64.000 tấn lúa, 217.000 tấn gạo.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, dự báo việc sản xuất và tiêu thụ lúa gạo của tỉnh sẽ tiếp tục có những khó khăn trong thời gian tới.

Cái khó hiện nay là việc vừa duy trì hoạt động sản xuất vừa phòng chống dịch nên một số doanh nghiệp, đặc biệt trong hoạt động chế biến nông sản, thủy sản và chăn nuôi phải tạm dừng hoạt động ở các kho, nhà máy chế biến… dẫn đến việc thu mua trì trệ. Việc thu hoạch nông sản, khó được tổ chức thực hiện được do địa phương hạn chế việc cho tập trung đông người (trong khi thu hoạch lúa, thủy sản, vận chuyển, tập kết hàng hóa cần tập trung khoảng 10 - 30 người).

Doanh nghiệp không chủ động được thời gian vận chuyển do không thuê được container hoặc không thuê được chỗ trên tàu, gây ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp. Ngoài ra các chi phí khác cũng tăng theo do phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, một số doanh nghiệp còn hoạt động với khoảng 30 - 50 % công nhân hoặc sản xuất không liên tục.

"Tuần trước đó, 4 tỉnh, thành gồm: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và TP Cần Thơ đã ngồi họp với nhau bàn giải pháp và đã thống nhất sớm đưa 2 cảng Mỹ Thới (An Giang) và Thốt Nốt (Cần Thơ) trở lại hoạt động bình thường, để giảm áp lực cho cảng Cát Lái (TP.HCM). Đồng thời 4 tỉnh này đã làm văn bản chung để kiến nghị Thủ tướng, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản, cũng như có chính sách về gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp thu mua lúa gạo tạm trữ" ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang.

Xem thêm
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

10 năm Quỹ Vì tầm vóc Việt: Từ sự thấu hiểu, tạo sự thay đổi

Một thập kỷ qua, Quỹ Vì tầm vóc Việt đã kết nối và huy động sức mạnh cộng đồng để tạo nên những thay đổi tích cực, bền vững cho xã hội.

Độ nóng bất ngờ của căn phòng 3 ngủ tại Hanoi Melody Residences

Căn hộ 3 phòng ngủ (có diện tích từ 95-145m2) tại Hanoi Melody Residences đang được khách hàng rất quan tâm xuống tiền ngay giữa bối cảnh giá thị trường chung không ngừng gia tăng.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.