Cụ thể, trước năm 2016, mỗi năm có khoảng 80 trường hợp đến khám và phẫu thuật chỉnh hình liên quan đến dị tật lõm ngực, riêng năm 2016 có 150 trường hợp.
Cũng theo bác sỹ Lê Hữu Phúc, cứ 1.000 trẻ sinh ra thì có khoảng 2-3 trẻ bị biến dạng lồng ngực. Đây là một loại dị tật bẩm sinh với khoảng 30% do di truyền và thường gặp nhiều hơn ở bé trai.
Còn theo bác sỹ Đặng Khải Minh, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhi đồng 1, những trẻ mắc dị tật lõm ngực nếu không được điều trị, chỉnh hình kịp thời sẽ gây biến dạng về mặt thẩm mỹ, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Bộ ngực của trẻ bị hõm sâu, sườn nhô lên cao, trẻ càng lớn ngực càng bị biến dạng mạnh khiến trẻ mất tự tin và ngại giao tiếp.
Về sức khỏe, lõm ngực có thể đẩy tim ra khỏi vị trí bình thường, có thể lệch trái, lệch phải hoặc bị ép ở chính giữa. Ngoài ra, lõm ngực còn gây ra khả năng suy căn phổi, thoát vị hoành...