Giá xăng dầu hôm nay 10/10 ở trong nước
Kể từ lúc 15h00, giá xăng hôm nay 10/10 đồng loạt tăng mạnh. Cụ thể:
- Xăng RON 95-III: Tăng tới 1.260 đồng, không vượt quá ngưỡng 21.060 đồng/lít.
- Xăng E5 RON 92: Tăng mạnh 990 đồng, không cao hơn mức 19.840 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu hôm nay 10/10 cũng tăng mạnh. Theo đó:
- Giá Dầu diesel 0.05S: Tăng mạnh 1.100 đồng, không cao hơn mức 18.500 đồng/lít;
- Giá dầu hoả: Tăng tới 1.140 đồng, không vượt quá ngưỡng 18.790 đồng/lít.
- Giá dầu Mazut: Cũng tăng 1.140 đồng, không cao hơn mức 15.910 đồng/kg.
Sản phẩm | Vùng 1 | Vùng 2 |
---|---|---|
Xăng RON 95-V | 21.600 | 22.030 |
Xăng RON 95-III | 21.060 | 21.480 |
Xăng E5 RON 92-II | 19.840 | 20.230 |
DO 0,001S-V | 18.930 | 19.300 |
DO 0,05S-II | 18.500 | 18.870 |
Dầu hỏa 2-K | 18.790 | 19.160 |
Bảng giá xăng dầu trong nước mới nhất hôm nay 10/10/2024. Dữ liệu: Petrolimex
Tương tự kỳ điều hành trước, hôm nay liên Bộ cũng không trích, chi sử dụng từ Quỹ bình ổn giá với các mặt hàng nhiên liệu.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng tăng 20 lần, giảm 21 lần; dầu diesel có 18 lần tăng và 21 lần giảm.
Dư địa quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng nhiên liệu này của một số doanh nghiệp đầu mối vẫn ghi nhận mức dương lớn do nhiều kỳ điều hành gần đây không sử dụng quỹ.
Số dư quỹ tính đến cuối quý II/2024 là 6.061 tỷ đồng, giảm 18 tỷ đồng so với quý liền trước và là quý giảm thứ 5 liên tục. So với cuối năm 2023, số dư quỹ này giảm gần 600 tỷ đồng.
Như vậy, giá xăng dầu hôm nay 10/10/2024 ở trong nước tăng mạnh.
Cần sắp xếp lại thị trường xăng dầu trong nước
Với tình hình nguồn cung giảm, giá thế giới tăng cao, thị trường xăng dầu có nguy cơ tái diễn hiện tượng đứt gãy như năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 vừa qua.
Nguyên nhân sâu xa của bất ổn là nguồn hàng và việc "bóp" chiết khấu, theo các doanh nghiệp, hiện vẫn chưa được giải quyết dứt điểm trong nghị định xăng dầu đang được Bộ Công Thương xây dựng và lấy ý kiến.
Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty Xăng dầu Bội Ngọc (Trà Vinh), góp ý, vấn đề cần giải quyết là làm sao tách các doanh nghiệp nhập khẩu (doanh nghiệp đầu mối) ra khỏi hệ thống cửa hàng bán lẻ của họ để các cửa hàng bán lẻ hạch toán độc lập. Giải quyết vấn đề như thế thì toàn bộ doanh nghiệp bán lẻ trên toàn lãnh thổ Việt Nam mới hoạt động bình đẳng.
Theo ông Giang Chấn Tây, sở dĩ cần làm điều này là vì Bộ Công Thương đang thiết kế cho doanh nghiệp đầu mối quá nhiều quyền.
"Doanh nghiệp đầu mối là đơn vị duy nhất được tạo nguồn hàng từ nhập khẩu và mua hàng từ 2 lọc hóa dầu trong nước, rồi làm cả bán lẻ, rồi lại được giao quyền định đoạt giá bán lẻ… chẳng khác nào Bộ Công Thương vừa giao quyền sinh, quyền sát vào tay họ", ông Tây nói.
Theo ông, độc quyền sẽ khiến giá cả tăng cao làm thiệt hại cho cả nền kinh tế. Do đó, việc Bộ Công Thương cần làm ngay và đưa vào nghị định là không cho phép thương nhân đầu mối được bán lẻ.
"Hệ thống bán lẻ thuộc thương nhân đầu mối phải tách thành các công ty độc lập về tài chính để đảm bảo minh bạch, Nhà nước không thất thoát thuế và lợi nhuận không bị chuyển tới chuyển lui lòng vòng khó kiểm soát. Thị trường sẽ cạnh tranh để phát triển tốt hơn", ông Giang Chấn Tây nhận định.
Ông Văn Tấn Phụng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dầu khí Đồng Nai - cho hay, dự thảo cần quy định các doanh nghiệp đầu mối phải đảm bảo nhập khẩu và đầu mối nhập khẩu chỉ được bán cho các đơn vị thuộc sở hữu.
Theo ông Phụng, việc Bộ Công Thương cần làm chính là sắp xếp lại thị trường, rà soát và thanh lọc những doanh nghiệp đầu mối yếu kém, không đủ năng lực và các thương nhân phân phối sân sau của các doanh nghiệp đầu mối. Đây mới là vấn đề cốt lõi của việc ổn định nguồn cung của mặt hàng này.