| Hotline: 0983.970.780

Giấc mơ của 'vua tôm' Lương Thanh Văn

Thứ Bảy 12/02/2022 , 10:13 (GMT+7)

Ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Việt Úc chia sẻ nhiều kỷ niệm, cũng như định hướng đầu tư thời gian tới cho ngành tôm Việt Nam.

Ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch HĐQT và bà Lương Kim Thùa, phu nhân, cố vấn cấp cao Tập đoàn Việt Úc.

Ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch HĐQT và bà Lương Kim Thùa, phu nhân, cố vấn cấp cao Tập đoàn Việt Úc.

Trong những năm qua, Tập đoàn Việt Úc và cá nhân doanh nhân Lương Thanh Văn rất tâm huyết với sự phát triển phát triển nông nghiệp Việt Nam, trong đó có ngành tôm. Nhân dịp đầu Xuân Nhâm Dần 2022, ông nhận lời phỏng vấn cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam về chiến lược kinh doanh, giúp nâng tầm thương hiệu tôm nước nhà.

Năm 2021, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt trên 3 tỷ USD. Có thể nói, để có kết quả này, không thể không nhắc đến công lao của Tập đoàn Việt Úc. Đứng trước con số xuất khẩu kỷ lục của ngành tôm năm qua, ông suy nghĩ gì trong những ngày đầu trở về Việt Nam đầu tư?

Từ lúc còn bên Australia, tôi đã có một số thành công nhất định ở những ngành nghề khác như may mặc, chuỗi cửa hàng rửa hình. Tuy vậy, mang trong người dòng máu Việt Nam, tôi lúc nào cũng nung nấu một ước mơ, đó là quay trở về quê hương để góp một phần công sức vào sự phát triển chung của đất nước.

Trong những chuyến về thăm quê hương, tôi đi nhiều tỉnh thành khác nhau, khắp từ Nam ra Bắc và phát hiện ra ngành tôm có rất nhiều tiềm năng phát triển, từ điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý - thổ nhưỡng - khí hậu… cho đến con người, thị trường nội địa và đặc biệt là nhu cầu ngày càng lớn của thị trường thế giới.

Vào thời điểm đó, bà con nuôi tôm còn sơ khai, manh mún, sử dụng nhiều kháng sinh và chưa áp dụng nhiều khoa học kỹ thuật. Đặc biệt là sự phụ thuộc lớn vào nguồn tôm bố mẹ nhập khẩu, cũng như nguồn tôm giống và chất lượng tôm giống.

Tôi mong muốn giúp bà con có thể nuôi ra những con tôm thương phẩm chất lượng cao, với sản lượng ổn định để vừa đạt giá trị kinh tế, vừa phát triển bền vững với ngành. Đó chính là lý do đưa tôi trở về Việt Nam.

Tôi rất tự hào có thể nói rằng Việt Úc hiện tại là cánh chim đầu, là tập đoàn tiên phong tại Việt Nam có thể khép kín chuỗi giá trị ngành tôm, đồng thời khởi xướng công cuộc "Vì một ngành tôm Việt Nam công nghệ cao bền vững". Đây chính là hai định hướng chiến lược xuyên suốt 20 năm qua mà Việt Úc luôn theo đuổi, hiện thực hóa cho sứ mạng "Vì người Việt - Nâng tầm tôm Việt".

Hiện số lượng kiều bào lên tới trên 5,3 triệu người, trong đó có rất nhiều doanh nhân, thương gia thành đạt. Tuy nhiên, số lượng kiều bào quay về nước đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp còn khiêm tốn. Theo ông, Việt Nam cần có cơ chế chính sách đột phá nào để thu hút được thêm những doanh nhân tầm cỡ về đầu tư cho quê hương?

Trước đại dịch Covid-19, Việt Nam đã làm rất tốt trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Không chỉ hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp, kiều bào quay trở lại một cách an toàn, nhanh chóng, Chính phủ Việt Nam còn phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ban ngành như an ninh, y tế, giao thông, hải quan. Nhờ đó, Chính phủ đã có các biện pháp, giải pháp kịp thời, hiệu quả trong khi nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang vật lộn với dịch bệnh một cách gian nan.

Tôi nghĩ trong thời gian tới, nước ta cần tăng cường thu hút vốn nước ngoài, xây dựng các ưu đãi, cùng với việc thực hiện nhiều biện pháp như xúc tiến đầu tư trực tuyến, kết nối thông qua nhiều kênh, ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm phát triển của nước ta như nông nghiệp.

Đặc biệt, để ngành nông nghiệp trở thành “mảnh đất màu mỡ” thu hút kiều bào, doanh nhân về đầu tư, Chính phủ, Bộ, ban, ngành cần tạo điều kiện mở rộng cơ chế, chính sách điển hình như miễn, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ tín dụng đầu tư.

Bên cạnh đó, Chính phủ, Bộ, ban, ngành cần ưu tiên xây dựng, phát triển các thương hiệu nông nghiệp có nguồn gốc, xuất xứ từ Việt Nam. Điều đó giúp nâng cao hình ảnh, vị thế của các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường quốc tế.

Hiện ngành tôm của Việt Nam đã bắt đầu có những mục tiêu, định hướng, chiến lược rõ ràng. Với tư cách là một doanh nhân, một kiều bào yêu nước và đã đầu tư thành công trên mảnh đất quê hương, ông có tâm sự, khuyến nghị gì về tương lai và định hướng của ngành tôm Việt Nam trong thời gian tới?

Ngành tôm nước ta đã có những bước phát triển, thay đổi rất nhiều để đạt được thành công như hiện tại. Ngay từ những buổi đầu, Việt Úc đã xây dựng 2 định hướng phát triển tập đoàn và góp phần phát triển ngành.

Một là, khép kín chuỗi giá trị ngành tôm. Hai là, vì một ngành tôm Việt Nam công nghệ cao bền vững. Đây không phải là sự lựa chọn, mà là hướng đi tất yếu của tương lai.

Với định hướng khép kín chuỗi giá trị ngành tôm, từ tôm bố mẹ, tôm giống, tôm thương phẩm, thức ăn cho đến con tôm hoàn hảo trên bàn ăn người tiêu dùng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó, chúng ta hoàn toàn tự tin để xây dựng thương hiệu tôm Việt, nâng cao giá trị trên thị trường quốc tế.

Với định hướng phát triển công nghệ cao bền vững, chúng ta cần quan tâm đến ba yếu tố. Thứ nhất, là tính bền vững cho toàn ngành, bắt đầu từ việc chủ động được nguồn tôm bố mẹ. Việt Úc là tập đoàn thủy sản đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam thực hiện thành công chương trình di truyền và chọn giống tôm bố mẹ.

Tập đoàn Việt Úc ứng dụng công nghệ cao phát triển ngành tôm. Ảnh: VĐ.

Tập đoàn Việt Úc ứng dụng công nghệ cao phát triển ngành tôm. Ảnh: VĐ.

Đây không chỉ đơn thuần là ứng dụng các công nghệ sinh học mới nhất trên thế giới, để cho ra đời nguồn tôm giống chất lượng ngày càng vượt trội, mà còn là sự đảm bảo an toàn cho cả ngành tôm.

Nguyên do bởi trước đó, chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn tôm bố mẹ nhập khẩu. Điều này càng có ý nghĩa lớn trong giai đoạn đại dịch Covid-19 đang có nhiều ảnh hưởng tiêu cực lên chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ hai, là tính bền vững cho người nuôi tôm và môi trường. Chúng ta cần hạn chế tối đa và tiến đến không sử dụng kháng sinh và giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường xung quanh, ví dụ tiết kiệm nước và xử lý tốt chất thải.

Tại Việt Úc, chúng tôi phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao "VUS bền vững”. Đây là mô hình hoàn toàn không sử dụng kháng sinh, chỉ sử dụng vi sinh trong suốt vòng đời con tôm, từ tôm giống cho đến con tôm nằm trên bàn ăn người tiêu dùng.

Đặc biệt, các khu phức hợp nuôi tôm công nghệ cao của chúng tôi còn chuyển giao các công nghệ nuôi tôm vi sinh hiệu quả cao và thân thiện với môi trường đến bà con nuôi tôm khắp Việt Nam.

Cuối cùng, là yếu tố bền vững cho người tiêu dùng. Ngành tôm Việt Nam cần hướng đến con tôm thương phẩm hoàn hảo. Cụ thể, là hoàn toàn không chứa dư lượng kháng sinh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, và đặc biệt là khả năng truy xuất được nguồn gốc.

Tại Việt Úc, các khu phức hợp nuôi tôm công nghệ cao của chúng tôi đã thực hiện được điều này. Đó cũng là lý do tại sao con tôm của Việt Úc sẵn sàng đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn xuất khẩu đến từ những thị trường khó tính nhất như Nhật Bản, Mỹ và các nước châu Âu. Tôi mong sao, không chỉ tại Việt Úc, mà một ngày nào đó, tất cả các trại nuôi tôm thương phẩm trên khắp Việt Nam đều có thể cung cấp ra thị trường những con tôm hoàn hảo.

Chỉ khi làm được như vậy, chúng ta mới giúp xây dựng bền vững được thương hiệu tôm Việt Nam trên thị trường thế giới, đồng thời nâng cao được giá bán, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Từ đó, không chỉ riêng người nuôi tôm mà tất cả các bên tham gia vào chuỗi cung ứng trong giá trị ngành tôm của cả nước đều đạt được lợi nhuận cao hơn. Ngành tôm Việt Nam sẽ trở nên thịnh vượng, bền vững hơn.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.