| Hotline: 0983.970.780

Giấc mộng trước lúc 'quy ẩn' của vua lúa lai

Thứ Sáu 04/05/2018 , 11:05 (GMT+7)

Ở tuổi 88, người được mệnh danh cha đẻ lúa lai Trung Quốc, viện sĩ Viên Long Bình, nói ông muốn hoàn thành hai mục tiêu để về hưu vào năm 2020.

“Hiện tại tôi có nhiều áp lực lớn, nhưng có hai mục tiêu tôi nhất định muốn hoàn thành”, ông Viên Long Bình nói với các phóng viên Trung Quốc hồi tháng 4.

01-40-13_1
Vua lúa lai Trung Quốc Viên Long Bình (Ảnh: Sina)

Vua lúa lai Trung Quốc cho biết ông đã đến tuổi cần chú ý tới việc nghỉ ngơi, giữ gìn sức khỏe, song còn trọng trách trên vai nên chưa thể về hưu ngay.
 

Sản lượng hơn chất lượng

Viên Long Bình sinh năm 1930, được báo chí Trung Quốc gọi là “cha đẻ của lúa lai”. Tân Hoa Xã thống kê rằng ông Viên đã dẫn đầu các nhà khoa học nông nghiệp Trung Quốc đưa năng suất lúa từ 300 kg/mẫu lên trên 1.000 kg/mẫu. Mỗi mẫu Trung Quốc tương đương 666,6m2.

Thành tích này của ông Viên và các cộng sự, được coi là chìa khóa giúp Trung Quốc giải quyết vấn đề an ninh lương thực cho hơn một tỷ dân nước này.

“Mục tiêu thứ nhất của tôi là đưa năng suất lúa lai trên mỗi mẫu ruộng tiêu chuẩn đạt mức 1,2 tấn”. Tạp chí “Khoa học Kỹ thuật” của Trung Quốc, bình luận rằng trong cuộc đua đường dài về nâng cao năng suất lúa lai, ông Viên cùng đội ngũ của mình chưa một ngày ngơi nghỉ.

“Hiện sức khỏe của “Mễ thọ” Viên Long Bình vẫn rất ổn, tư duy minh mẫn, hy vọng trước tuổi 90, ông sẽ hoàn thành được mục tiêu tăng năng suất lúa lai”, tạp chí này cho biết. ("Mễ thọ" là cách gọi lịch sự trong tiếng Trung Quốc với những người 88 tuổi. Bởi chữ "Mễ", có hai chữ "bát", số 8, nằm đối nhau qua chữ "thập", tức là 88. "Mễ" cũng có nghĩa là gạo).

Viên Long Bình cho biết để nâng cao năng suất lúa lai, có ba tiêu chí cần chú trọng, đó là giống tốt, phương pháp tốt và đồng ruộng tốt. Trong đó, giống tốt và phương pháp tốt đều không tách rời những nỗ lực của nhân viên khoa học kỹ thuật.

Viện sĩ 88 tuổi tiết lộ rằng mỗi năm ông dành ít nhất 5 tháng tại các trạm nghiên cứu lúa lai ở Hải Nam, đích thân giám sát, coi sóc các giống lúa lai mới. “Hải Nam có thể nói là vùng đất vàng của miền nam Trung Quốc. Bình quân mỗi giống lúa cần trải qua 8 vụ để theo dõi, mỗi vụ một năm. Nhưng ở khu vực Tam Á thuộc Hải Nam, do ánh sáng, độ ẩm thích hợp, mùa đông cũng có thể trồng lúa, nên tại đây chỉ cần 3 năm là hoàn thành”.

“Phương hướng nghiên cứu lúa lai cần có sự điều chỉnh về chiến lược, bởi chúng ta đã giải quyết xong bài toán an ninh lương thực. Trước kia, chúng ta chỉ đơn thuần theo đuổi mục tiêu sản lượng cao, nay cần kết hợp nó với mục tiêu chất lượng gạo cao”, ông Viên cho biết. Tuy nhiên, ông khẳng định thêm rằng Trung Quốc không thể hy sinh sản lượng để đổi lấy mục tiêu chất lượng.

Vua lúa lai Trung Quốc cho rằng xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau, sản lượng lúa vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược mới. Trong cuộc trò chuyện được báo giới Trung Quốc ghi lại hồi cuối tháng 4, ông Viên có phát ngôn được cho là hiếm thấy so với tính cách trầm ổn thường lệ. “Giống lúa lai siêu cấp của tôi cực kỳ tốt, mọi người nên đến xem. Có thể nói giống lúa này như một đội ngũ binh sĩ tiêu chuẩn”.
 

Lúa lai chịu mặn

Theo Tân Hoa Xã, một chuyên gia lúa lai nổi tiếng khác của Trung Quốc là Trần Nhật Thắng đã phát hiện một giống lúa hoang dã chịu mặn vào năm 1986. Từ đó, Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu lúa lai chịu mặn, kết quả là giống “Hải Đạo 86” ra đời.

Về mục tiêu thứ hai, ông Viên cho biết đó là tham vọng trồng lúa lai trong môi trường nước mặn. “Xong mục tiêu thứ hai này, tôi sẽ nghỉ hưu”, ông Viên nói.

Vua lúa lai Trung Quốc cho biết việc trồng lúa trong môi trường nước mặn đã đạt được bước tiến quan trọng hồi năm ngoái.

“Ở điều kiện nồng độ nước mặn 0,6%, có một giống lúa lai trồng ở diện tích nhỏ nhưng lại cho năng suất 620 kg/mẫu”.

Diện tích đất ngập mặn ở Trung Quốc hiện vào khoảng 1,5 tỷ mẫu, phân bố ở Tây Bắc, Đông Bắc, Hoa Bắc và Tân Hải (thuộc Thiên Tân). Trong đó, có 200 - 300 triệu m2 có khả năng cải tạo để thành đất canh tác.

Viện sĩ 88 tuổi của Trung Quốc mong muốn đẩy mạnh trồng lúa lai chịu mặn với diện tích khoảng 100 triệu mẫu.

“Tính theo sản lượng thấp nhất là 300 kg/mẫu thì mỗi năm sẽ có hơn 30 triệu tấn lúa lai. Con số này tương đương tổng sản lượng lương thực mỗi năm của tỉnh Hồ Nam, có thể nuôi sống 80 triệu người”, ông Viên tính toán.

Nông nghiệp đang thiếu người tài

"Yêu cầu đầu tiên đối với những tiến sĩ mà tôi đào tạo là phải xuống đồng”, ông Viên Long Bình tiết lộ bí quyết đào tạo nhân tài nông nghiệp. "Máy tính rất quan trọng, sách vở rất quan trọng, nhưng sách vở không trồng ra được lúa nước, không trồng được lúa mì. Chúng ta hiện nay có một số tiến sĩ nặng về lý luận mà coi nhẹ thực hành, nắm được nhiều kiến thức từ sách vở, nhưng không có thực tiễn thì chẳng làm được gì".

Vua lúa lai Trung Quốc tỏ ra ít nhiều băn khoăn về thực trạng thiếu hụt nhân tài trong lĩnh vực nông nghiệp. "Hiện nay giới trẻ học ngành nông nghiệp rất ít, nhân tài cấp cao học ngành này lại càng thiếu".

"Trung Quốc dân số đông, nhưng diện tích đất canh tác bình quân đầu người lại ít. Không có khoa học kỹ thuật tiên tiến thì không thể nâng cao sản lượng. Điều quan trọng đối với khoa học kỹ thuật là gì? Đó chính là con người".

Ông Viên tiên đoán việc tận dụng công nghệ sinh học để ươm giống cây nông nghiệp là định hướng phát triển và xu thế tất yếu trong tương lai. Đối với thực phẩm từ công nghệ biến đổi gien, ông Viên nói cần có thái độ thận trọng, không nên phủ nhận hoàn toàn.

Từ năm 2016 đến nay, ông Viên Long Bình bắt đầu nghiên cứu lúa lai chịu mặn trên các thửa ruộng được tưới bằng nước mặn đã qua xử lý đơn giản. Năm 2017, ông Viên đạt được kết quả là giống lúa mới cho năng suất 620 kg/mẫu. Giống này đang tiếp tục được nghiên cứu ở Hải Nam.

 

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Nga mở cửa triển lãm khí tài quân sự hạng nặng giữa lòng Moscow

Triển lãm trưng bày các loại khí tài quân sự hạng nặng của phương Tây bị quân Nga thu giữ trong cuộc xung đột Ukraine đã được khai mạc tại Moscow hôm 1/5.