Hơn 3.500 nhân khẩu lo lắng nguy cơ sạt lở đất. Đầu tư gần 27,5 tỷ đồng nâng cấp công trình cấp nước sạch nông thôn. Lễ hội đua thuyền trên sông Nhật Lệ chào mừng ngày Quốc khánh 2/9. Cây sầu riêng hơn 100 năm tuổi ở miền Tây.
HƠN 3500 NHÂN KHẨU LO LẮNG NGUY CƠ SẠT LỞ ĐẤT
Võ Dũng - Sản xuất
Theo thống kê của UBND huyện Hướng Hóa, địa phương này hiện có 700 hộ dân với hơn 3500 nhân khẩu thuộc địa bàn 14 xã đang sinh sống tại 50 điểm có nguy cơ sạt lở đất. Trong đó, một số điểm người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án điện gió. Sau khi nhận tiền hỗ trợ người dân đã tự phát xây dựng nhà cửa ở những khu vực men theo các triền đồi, không được quy hoạch khu dân cư. Một số hộ còn xây dựng nhà cửa trên đất thuộc sự quản lý của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông. Đây đều là những điểm tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất cao.
Nhu cầu bức thiết của huyện Hướng Hóa hiện nay là phải huy động nguồn lực để xây dựng 8 khu tái định cư cho vùng sạt lở. Tuy nhiên, địa phương này mới xây dựng được 3 khu tái định cư. Điều này khiến hàng ngàn người dân đang sống bên các sườn núi, ven sông suối thấp thỏm lo âu, nhất là khi mùa mưa bão đã cận kề.
ĐẦU TƯ GẦN 27,5 TỶ ĐỒNG NÂNG CẤP CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN
Thanh Nga - Sản xuất
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ký quyết định phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022 - 2023 đầu tư các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung đợt 1.
Theo đó, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn là chủ đầu tư được phân bổ gần 27,5 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp, mở rộng một số công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, bao gồm: Dự án đầu tư xây dựng mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt Bắc Cẩm Xuyên cấp cho xã Cẩm Quang, với số tiền hơn 6,8 tỷ đồng; xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên 5,3 tỷ đồng. Dự án đầu tư xây dựng mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt Thiên Lộc cấp cho xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc hơn 7 tỷ đồng và dự án thay thế nguồn cấp nước cho hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà 8,2 tỷ đồng.
LỄ HỘI ĐUA THUYỀN TRÊN SÔNG NHẬT LỆ CHÀO MỪNG NGÀY QUỐC KHÁNH 2-9
Tâm Phùng- Tâm Đức - Sản xuất
Sáng 1/9, tại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã diễn ra lễ hội đua thuyền truyền thống tại bến phà Quán Hàu, tren sông Nhật Lệ, chào mừng ngày Quốc khánh 2/9. Lễ hội đụa thuyền truyền thống tại địa phương này đã có lịch sử hơn 500 năm và được công nhận là một trong các Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2022.
Lễ hội đua thuyền truyền thống năm nay có 12 đội nam và 5 đội nữ tham gia. Thuyền đua nam có 26 vận động viên, chia làm 2 bảng tranh tài ở cự ly 20km và thuyền đua nữ có 12 vận động viên tranh tài ở cự ly 10km.
Lễ hội đua thuyền có ý nghĩa văn hóa to lớn thể hiện sự đoàn kết, thống nhất ý chí của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, góp phần phát huy nét văn hóa truyền thống, đồng thời cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh về mảnh đất và con người Quảng Bình đến với bạn bè trong và ngoài nước, Đây cũng là nét đẹp văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ người dân ở vùng quê Quảng Ninh.
CÂY SẦU RIÊNG HƠN 100 NĂM TUỔI Ở MIỀN TÂY
Văn Vũ - Sản xuất
Cây sầu riêng khoảng 100 tuổi này do gia đình ông Huỳnh Công Thống (ngụ khu vực Tân An, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt- TP Cần Thơ) đang sở hữu. Theo ông Thống, cây sầu riêng đã có từ thời ông nội mình và được ông chăm sóc và gìn giữ đến hiện. Cây có chiều cao 27m, bề hoành 2,2m, gốc 2,77m, tán rộng gần 10m. Hàng năm cứ đến mùa, cây sầu riêng vẫn đơm bông kết trái, tỏa hương thơm ngát. Mỗi mùa cây cho từ 30- 35 trái, mỗi trái cân nặng trên 2kg.
Nhiều người đã tìm đến vườn để tận mắt chiêm ngưỡng cây sầu riêng hiếm thấy. Càng thích thú hơn khi được chủ vườn mời nếm thử hương vị thơm ngon, béo ngọt của sầu riêng trăm tuổi. Để duy trì và bảo tồn nguồn gen quý hiếm, ông Thống luôn chăm sóc kỹ cho cây sầu riêng cổ thụ, đây có thể là điểm dừng chân cho khách tham quan khi đến cù lao Tân Lộc. Xa hơn nữa là mong muốn cây sầu riêng trăm tuổi được công nhận là Cây di sản Việt Nam.