| Hotline: 0983.970.780

Giải bài toán an ninh nguồn nước cho ĐBSCL và Tây Nguyên

Thứ Hai 17/08/2020 , 15:33 (GMT+7)

An ninh nguồn nước, an toàn hồ đập cho ĐBSCL và Tây Nguyên là vấn đề được nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm và đặt câu hỏi cho Bộ NN-PTNT.

Hồ nước ngọt Ba Tri, Bến Tre cạn trơ đáy trong mùa khô 2020 là một vấn đề về an ninh nguồn nước cho ĐBSCL. Ảnh: Tùng Đinh.

Hồ nước ngọt Ba Tri, Bến Tre cạn trơ đáy trong mùa khô 2020 là một vấn đề về an ninh nguồn nước cho ĐBSCL. Ảnh: Tùng Đinh.

Trong Phiên giải trình "An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập" do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường diễn ra tại nhà Quốc hội sáng 17/8, nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm đến 2 khu vực quan trọng là ĐBSCL và Tây Nguyên, nhất là ảnh hưởng của an ninh nguồn nước đến nông nghiệp.

Xoay trục nông nghiệp ở ĐBSCL

ĐBSCL là bùng đồng bằng châu thổ, có tiềm năng lợi thế rất lớn về sản xuất nông sản, không chỉ đối với Việt Nam mà còn nổi tiếng thế giới. Khu vực này cung cấp 95% lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng thủy sản và 65% trái câu của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng NN-PTNT, trong những năm gần đây, do biến đổi khí hậu và những hoạt động phía thượng nguồn cũng như nội tại đã gây ra 3 tác động cực đoan rất lớn về an ninh nguồn nước đối với khu vực này.

"Từ phía biển, nước biển dâng, thay đổi triều cường, thay đổi hướng gió. Từ nội tại, do quy mô phát triển kinh tế của chúng ta rất nhanh cùng với việc khai thác nước ngầm, cát sỏi không đúng quy hoạch, trật tự khiến cho tầng đất bị sụt lún. Đặc biệt quan trọng nữa là yếu tố thượng nguồn do 5 quốc gia phía trên khai thác gây ảnh hưởng khốc liệt đến ĐBSCL", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phân tích.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hạnh Nghị quyết 120 để tính toán lại, thích ứng với biến đổi khí hậu và yếu tố thượng nguồn trên cơ sở tổ chức lại sản xuất, đời sống theo hướng thích ứng, tổng hợp nhiều ngành, nhiều vấn đề cho cả 13 tính ĐBSCL.

Riêng đối với nông nghiệp, Chính phủ giao xây dựng được đề án phát triển tái cơ cấu theo hướng thích ứng mới, thứ hai là xây dựng hệ thống thủy lợi thích ứng với cơ cấu sản xuất mới, thứ ba là rà soát, đánh giá, xây dựng đề án để xử lý vấn đề sạt lở đối với bờ sông, bờ biển của ĐBSCL và thứ 4 là xây dựng đề án tổng thể về phát triển giống cho 3 đối tượng: thủy sản, trái cây và lúa gạo để 10 năm nữa phải có được bộ giống hiện đại tầm cỡ khu vực và thế giới.

Cụ thể, chương trình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng mới đã được Thủ tướng phê duyệt với tinh thần chung là xoay trục sản xuất để thích ứng với tình hình an ninh nguồn nước mới.

"Nếu như trước đây ĐBSCL dựa vào nguồn nước ngọt là chủ yếu theo thứ tự lúa, thủy sản và trái cây thì sẽ phải xoay trục trở lại, xác định thủy sản là hàng đầu. Lý do là nước ngọt, nước lợ hay nước mặn đều có thể sản xuất thủy sản được và đáp ứng được nhu cầu của thị trường theo thứ tự về thủy sản, sau đó đến trái cây rồi lúa gạo", Bộ trưởng NN-PTNT chia sẻ.

Việc xoay trục này đã được thực hiện rất hiệu quả ở ĐBSCL trong 3 năm qua, không chỉ ở các tỉnh ven biển mà ở vùng cao hơn như An Giang, Đồng Tháp cũng chuyển dần lúa sang trái cây như xoài, chuối... Điều này cho thấy định hướng này hoàn toàn phù hợp và có thể thực hiện tốt.

Về các công trình, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết đang xây dựng cả những thiết chế cứng và mềm, đầu tiên là 7 công trình điều tiết mặn ngọt để tận dụng được các nguồn tài nguyên phục vụ sản xuất mà không ảnh hưởng đến môi trường và 5 trong số đó đã đi vào hoạt động tốt trong mùa hạn mặn vừa qua. Ngoài ra, khu vực ven biển sẽ kết hợp giữa kè với thảm thực vật nước mặn để tiếp tục giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu với ĐBSCL.

Giải pháp an ninh nguồn nước cho "nóc nhà" Tây Nguyên

Bộ trưởng NN-PTNT đánh giá, cùng với nhiều khu vực khác, Tây Nguyên đang chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Khu vực này được ví như "nóc nhà" của vùng, có 5,5 triệu ha đất, đặc biệt là đất đỏ bazan rất quý. Hiện nay, Tây Nguyên đang có nguy cơ đối mặt với 2 vấn đề lớn từ biến đổi khí hậu đó là hạn và lũ với 4 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, dân số của Tây Nguyên phát triển quá nhanh, từ năm 1975 đến nay đã tăng hơn 5 lần nên cần phải khống chế. Thứ hai, diện tích nông nghiệp ở Tây Nguyên phát triển quá nhanh, diện tích hơn 5 triệu ha nhưng có đến 2,6 triệu ha là đất nông nghiệp, đặc biệt là các cây công nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần khu trú lại, không phát triển theo bề rộng nữa mà phải đi vào chiều sâu, theo chuỗi, nâng giá trị thì mới giảm được mức tiêu thụ nước.

Nguyên nhân tiếp theo mà ông Nguyễn Xuân Cường đưa ra là thiết chế công trình, mặc dù có hơn 1.000 hồ nhưng các hồ ở Tây Nguyên rất nhỏ, tổng công suất chỉ 1,7 tỷ m3, rất thiếu so với nhu cầu. Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh việc tăng công suất cho các hồ sẵn có, xây thêm hồ mới thì phải quan tâm đến các hồ ao nhỏ.

"Những vùng lúa ngập úng hoàn toàn có thể chuyển sang thành hồ nhỏ, vừa có nơi san tải khi úng vừa có nơi dự trữ nước chống hạn", Bộ trưởng NN-PTNT trình bày trước các đại biểu.

Vấn đề cuối cùng mà người đứng đầu ngành nông nghiệp đưa ra đó là mật độ che phủ rừng ở Tây Nguyên. Theo ông, để giải quyết vấn đề này, Bộ NN-PTNT đã xây dựng đề án tăng độ che phủ rừng Tây Nguyên từ 46% lên 50% vào năm 2030, đủ đảm bảo được độ an toàn.

Xem thêm
Kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trương Hòa Bình; khiển trách bà Trương Thị Mai

Ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Trương Thị Mai, ông Trương Hòa Bình đã có những vi phạm, khuyết điểm bị Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Khởi công cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành

Đây sẽ là tuyến đường huyết mạch, có ý nghĩa chiến lược, kết nối Đông Nam bộ như sân bay Long Thành, các tuyến cao tốc, cảng biển với khu vực Tây Nguyên.