Đăk Nông là tỉnh có cộng đồng dân cư gồm 40 dân tộc cùng sinh sống với hơn 81,3% lao động tham gia làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản…
Đây cũng là tỉnh có mật độ dân cư thưa thớt nhất Tây Nguyên và có hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhất khu vực.
Chính vì vậy, việc triển khai thực hiện dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn các tỉnh Tây Nguyên tại tỉnh Đăk Nông được đánh giá có nhiều ý nghĩa. Và sự thật, kết quả của dự án đã làm “thay da đổi thịt” khu vực dự án triển khai. Bộ mặt nông nghiệp, nông thôn có nhiều thay đổi tích cực quan trọng.
Dự án Phát triển sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất cho các tỉnh Tây Nguyên do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ, triển khai tại tỉnh Đăk Nông với tổng số vốn khoảng 400 tỷ đồng.
Thời gian triển khai dự án từ năm 2014 đến 6/2020. Với mục tiêu góp phần xoá đói giảm nghèo nhờ việc tăng cường phát triển bền vững về xã hội, sinh thái và môi trường tại cấp cộng đồng thông qua phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cơ sở hạ tầng xã hội, cải thiện điều kiện kinh tế xã hội và mức sống của người dân Tây Nguyên.
Sau 5 năm triển khai thực hiện, dự án đã hoàn thành 5 tiểu dự án và đưa vào hoạt động hiệu quả, bao gồm:
(i) Sửa chữa, nâng cấp cụm công trình thủy lợi huyện Cư Jút;
(ii) Sửa chữa, nâng cấp cụm công trình thủy lợi huyện Krông Nô;
(iii) Sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi Quảng Lộc, thôn 2 Đăk Sin huyện Đăk R'lấp,
(iv) Sửa chữa nâng cấp hồ Chế Biến và hồ Nam Dạ, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông;
(vi) Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng trung tâm giống thủy sản xã Đắk Mil góp phần nâng cấp 60 km đường giao thông liên thôn từ đường đất chuyển sang đường bê tông xi măng, kiên cố hóa 26 km kênh, nâng cấp cụm hồ, đập và xây mới 24 ao nuôi cá.
Theo báo cáo của tỉnh Đăk Nông, từ cuối năm 2015 đến nay, ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao, độ ẩm không khí thấp khiến dòng chảy các sông suối giảm mạnh.
Nhiều sông suối nhỏ ở mức cạn kiệt, trữ lượng nước các hồ thủy lợi hạ thấp. Hạn hán, thiếu nước tưới, nước sinh hoạt đã xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh, nghiêm trọng nhất là các huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song và Đắk G’Long.
Trước tình hình hạn hán ngày càng trở nên nghiệm trọng, Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất tỉnh Đăk Nông tiến hành sửa chữa và nâng cấp cụm công trình thủy lợi huyện Cư Jút được triển khai tại các xã Nam Dong, Đăk D’rông, Cư Knia, huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân trong vùng dự án.
Cụ thể, dự án đã đầu tư nâng cấp công trình thủy lợi: Công trình thủy lợi hồ Cư Pu, xã Nam Dong, Công trình thủy lợi hồ Đăk Dier, xã Cư Knia, Công trình thủy lợi hồ Đăk D’rông, xã Đăk D’rông với tổng mức đầu tư lên đến hơn 100 tỷ đồng.
Tiểu dự án sửa chữa và nâng cấp cụm công trình thủy lợi huyện Cư Jút sau khi hoàn thiện đã giúp giúp đảm bảo nguồn nước chủ động tưới cho 532 ha lúa nước, 285 ha cà phê, hồ tiêu, 216 ha ngô lai, 400 ha cây bông vải và cây hoa màu các loại góp phần cải thiện kinh tế và giảm nghèo cho 37.191 người tại 3 xã Nam Dong, Đăk D’rông, Cư Knia thông qua việc cải thiện điều kiện sản xuất nông nghiệp.
Tiểu dự án cũng góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất; giúp bảo toàn thiệt hại do mất đất, chuyên canh và đa canh trong nông nghiệp; hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương; đóng góp vào chương trình xóa đói giảm nghèo của khu vực.
Ông Nguyễn Văn Việt, người dân hưởng lợi từ tiểu dự Cư Jút cho hay: Sau khi có dự án, năng suất lúa hai vụ Đông Xuân và vụ mùa/thu đông nhờ điều kiện tưới được cải thiện đã tăng khoảng 10% lên mức trung bình 65,00 – 71,50 tạ/ha.
Vì vậy, lợi ích kinh tế của hệ thống công trình thủy lợi bao gồm: Tăng diện tích đất nông nghiệp sản xuất và tăng năng suất. Bên cạnh đó, đường đi khang trang, sạch sẽ thuận lợi cho người dân và cả trẻ nhỏ đi học.
Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung với gia tăng các giống cây chịu hạn, ít dùng nước, đảm bảo nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu là những mục tiêu quan trọng ngành nông nghiệp tỉnh Đăk Nông hướng đến trong giai đoạn 2020 – 2025.
Chính vì vậy, những tác động của dự án được đánh giá là tích cực, hiệu quả và phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Đăk Nông.
Ông Lê Viết Thuận – Chủ tịch công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh Đăk Nông:
Dự án xúc tiến và ra đời trong bối cảnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đối tượng hưởng lợi nhiều nhất của dự án này chính là người dân. Trong 5 năm triển khai, chúng tôi thấy dự án dã bám sát nhu cầu của người dân và thi công các công trình đạt chất lượng tốt.
Trước đây, khu vực này toàn đường đất và đường mòn nên việc đưa máy móc vào sản xuất là vô cùng khó khăn, đặc biệt là vào mừa mưa đường xá lầy lội.
Từ khi con đường được dự án đầu tư xây dựng đã tạo điều kiện rất lớn cho việc phát triển cơ giới hóa đồng ruộng và vận chuyển nông sản.
Bên cạnh đó, hệ thống kênh mương, thủy lợi được nâng cấp giúp tăng năng suất cây trồng đảm bảo thu nhập từ nông nghiệp cho người dân.