| Hotline: 0983.970.780

Giai nhân xứ Huế vướng víu nợ thi nhân tiền chiến

Thứ Bảy 12/08/2023 , 07:24 (GMT+7)

Giai nhân xứ Huế trước khi trở thành nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị nức danh, đã gây xao động ‘người em sầu mộng’ cho tâm hồn thi nhân tiền chiến Lưu Trọng Lư.

Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị (1920 - 2002).

Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị (1920 - 2002).

Giai nhân xứ Huế thuở ấy có họ tên đầy đủ là Phùng Thị Cúc, sinh ra trong dòng họ quan lại ở Huế. Năm 1936, lúc 16 tuổi, giai nhân xứ Huế được gia đình gửi ra Hà Nội để theo đuổi đèn sách. Người được nhờ cậy trông nom giai nhân xứ Huế trên hành trình xa nhà ấy, chính là thi sĩ Lưu Trọng Lưu (1911 - 1991).

Tàu chuyển bánh rời khỏi núi Ngự sông Hương. Những cảnh vật khác lạ của đồi cao vực thấp qua ô cửa toa tàu khiến nữ sinh Phùng Thị Cúc ngắm nhìn say mê. Một điều nữ sinh Phùng Thị Cúc không biết, hoặc có biết cũng làm lơ, đó là thi sĩ Lưu Trọng Lư luôn ngắm cô không rời mắt suốt chuyến đi.

Khi tàu đến ga Hàng Cỏ, thi sĩ Lưu Trọng Lư đưa nữ sinh Phùng Thị Cúc về tận nơi ở trọ đã được thân nhân sắp xếp trước. Đó là một căn phòng nằm trong ngôi biệt thự gồm nhiều gian thiết kế riêng biệt và nguy nga. Nàng đã yên ổn chốn trú ngụ, nhưng chàng ngẩn ngơ không nỡ bước chân đi.

Thi sĩ Lưu Trọng Lư.

Thi sĩ Lưu Trọng Lư.

Thi sĩ Lưu Trọng Lư đứng bần thần trước cổng biệt thự nhiều giờ đồng hồ, chưa biết tính toán làm sao thương lượng với trái tim đang rối bời, thì thật may mắn lại gặp đồng nghiệp Phạm Hầu (1920 - 1944). Là con trai của quan thượng thư Phạm Liệu, nên Phạm Hầu được cha đưa từ Quảng Nam ra Hà Nội học hành vài năm trước Phùng Thị Cúc. Dĩ nhiên, đẳng cấp của Phạm Hầu thì cũng có một căn phòng trong ngôi biệt thự sang trọng mà Phùng Thị Cúc vừa được gia nhập.

Tuy đang theo học trường mỹ thuật Đông Dương, nhưng Phạm Hầu cũng là một thi sĩ với những câu thơ tình như “đưa tay ta vẫy ngoài vô tận/ chẳng biết xa lòng có những ai”. Thi sĩ Phạm Hầu dù làm thơ không nhiều, nhưng cũng được Hoài Thanh - Hoài Chân đưa vào cuốn “Thi nhân Việt Nam” như Lưu Trọng Lư. Cũng nòi thơ phú, cũng nòi đa tình, Phạm Hầu lập tức gật đầu đồng ý, khi thi sĩ đàn anh Lưu Trọng Lư xin ở ké.

Trong ngôi biệt thự đó, từ căn phòng của Phạm Hầu, chỉ cần mở cửa sổ ra là thấy cửa sổ của căn phòng mà Phùng Thị Cúc đang cư ngụ. Hàng ngày, mặc kệ Phạm Hầu cặm cụi hết vẽ chân dung đến vẽ phong cảnh, thi sĩ Lưu Trọng Lư chỉ đứng bên cửa sổ để chờ đợi bóng dáng của Phùng Thị Cúc xuất hiện.

Bất ngờ và ngỡ ngàng khi nhận ra người “hộ tống” mình trên chuyến tàu Huế - Hà Nội cũng sống ngay bên cạnh, Phùng Thị Cúc có những rung động riêng của thiếu nữ mới lớn. Cánh cửa sổ của hai căn phòng đối diện bắt đầu những đợt mở khép có chủ đích, có tâm tư.

Bài thơ “Một mùa đông” của thi sĩ tiền chiến Lưu Trọng Lư đã được sáng tác trong hoàn cảnh ấy: “Đôi mắt em lặng buồn/ Nhìn thôi mà chẳng nói/ Tình đôi ta vời vợi/ Có nói cũng không cùng/ Yêu hết một mùa đông/ Không một lần đã nói/ Nhìn nhau buồn vời vợi/ Có nói cũng không cùng/ Trời hết một mùa đông/ Gió bên thềm thổi mãi/ Qua rồi mùa ân ái/ Đàn sếu đã sang sông/ Em ngồi trong song cửa/ Anh đứng dựa tường hoa/ Nhìn nhau mà lệ ứa/ Một ngày một cách xa”.

Ngôn ngữ tạo hình độc đáo của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị.

Ngôn ngữ tạo hình độc đáo của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị.

Một mối tình câm, mà lai láng nỗi niềm. Khuôn mặt Phùng Thị Cúc thoắt ẩn thoắt hiện sau khung cửa sổ, trở thành nguồn cảm hứng lai láng cho thi sĩ Lưu Trọng Lư viết những dòng thơ đắm đuối: “Em chỉ là người em gái thôi/ Người em sầu mộng của muôn đời/ Tình em như tuyết giăng đầu núi/ Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời/ Ai bảo em là giai nhân/ Cho đời anh đau khổ/ Ai bảo em ngồi bên cửa sổ/ Cho vướng víu nợ thi nhân”.

Năm 30 tuổi, lúc đã có học vị Tiến sĩ Nha khoa, Phùng Thị Cúc khởi nghiệp điêu khắc với nghệ danh ghép tên chồng Bửu Điềm vào họ mình mà thành Điềm Phùng Thị. Những tác phẩm của Điềm Phùng Thị nhanh chóng chinh phục công chúng Pháp và vang danh khắp thế giới.

Từ bài thơ “Một mùa đông” với nhân vật trữ tình là nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị, nhạc sĩ Y Vân phổ nhạc thành ca khúc “Người em sầu mộng”, nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc thành ca khúc “Mắt buồn”, và nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc thành ca khúc “Ai bảo em là giai nhân”.

'Chuyện tình khó quên' lúc 20h ngày 12/8 trên Nông Nghiệp Radio.

"Chuyện tình khó quên" lúc 20h ngày 12/8 trên Nông Nghiệp Radio.

Chuyên mục “Chuyện tình khó quên” trên Nông Nghiệp Radio lúc 20h tối nay 12/8, chia sẻ với công chúng về giai thoại lãng mạn “Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị một thời người em sầu mộng”.

Xem thêm
Bí quyết sở hữu vé chương trình 'Bài hát của chúng ta' top 1 rating VTV3

Đến hết 30/10/2024, khách hàng chi tiêu thẻ quốc tế VPBank thỏa mãn điều kiện hoặc tham gia minigame trên fanpage sẽ nhận vé dự chương trình 'Our Song - Bài hát của chúng ta'.

Jannik Sinner mất ngủ vì sự cố doping

Tay vợt số 1 thế giới của quần vợt nam Jannik Sinner cho biết sự vụ liên quan tới câu chuyện doping khiến mình bị mất ngủ nhiều đêm.

Hàng nghìn người tham gia giải bán marathon 'Bước Chạy Kiên Cường'

HẢI PHÒNG Giải chạy bán marathon Hải Phòng mở rộng 'Bước Chạy Kiên Cường' sẽ được tổ chức tại huyện Thuỷ Nguyên để quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão Yagi.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.

Bình luận mới nhất