| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp '2 trong 1'

Thứ Sáu 22/07/2016 , 10:37 (GMT+7)

Áp dụng công nghệ trên có nhiều ưu điểm so với phương thức tưới nước và bón phân truyền thống, trong đó giảm lượng nước tưới đến 40%, tăng hiệu quả sử dụng phân bón đến 20 - 30%, giảm công lao động tưới nước và bón phân đến 90%.

Theo nghiên cứu của Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, SX cà phê ở Tây Nguyên có xu hướng tưới thừa so với lượng khuyến cáo kỹ thuật phổ biến ở mức 100 m3/ha/lần tưới. Với gần 500.000ha cà phê ở Tây Nguyên, có trung bình 3 lượt tưới/ngày, đã lãng phí trên 150 triệu m3 nước.

Cùng với việc tưới nước, phương pháp bón phân cho cà phê chủ yếu là vãi bằng tay. Biện pháp này có ưu điểm là dễ làm và ít tốn công nhưng nhược điểm lớn là phân bị bốc hơi nếu không có mưa và bị rửa trôi khi gặp mưa lớn, dẫn đến hiệu suất sử dụng phân bón cho cây trồng không cao.

Tuy nhiên khi áp dụng mô hình tưới tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước của Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, vấn đề lãng phí nguồn nước sẽ được giải quyết. Bởi lượng nước tưới được phân phối trực tiếp đến từng cây và được điều chỉnh dễ dàng (60 - 100 lít/giờ), tức là lần tưới đầu chỉ cần tối đa 4 - 5 giờ để tưới đủ lượng nước cho cây ra hoa tập trung.

Tại 2 tỉnh Đăk Lăk và Gia Lai, nhiều nông dân đã áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm và bón phân qua nước cho thấy có nhiều ưu điểm so với phương thức tưới nước và bón phân truyền thống, trong đó giảm lượng nước tưới đến 40%, tăng hiệu quả sử dụng phân bón đến 20 - 30%, giảm công lao động tưới nước và bón phân đến 90%.

09-21-28_2

 

Ông R’Chăm Sui ở làng Kép 1, xã Ia Mnông, huyện Chư Păh (Gia Lai) thực hiện mô hình tưới tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước từ năm 2012 cho biết, gia đình ông áp dụng mô hình tưới tiết kiệm đã giảm được áp lực thiếu nước, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Lợi nhuận từ SX tăng gấp đôi do tiết kiệm được tới 90% chi phí công lao động. Hơn nữa còn tiết kiệm được phân bón từ 1,7 - 2,5 triệu đồng/ha.

Theo TS Phan Việt Hà, Trưởng phòng Kế hoạch - Khoa học và hợp tác quốc tế (Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên), nguyên tắc hoạt động hệ thống này là nước trước khi dẫn đến cây cà phê sẽ qua một “hệ thống trung tâm” gồm đồng hồ đo lưu lượng nước dùng để theo dõi lượng nước tưới một cách chính xác, kiểm tra lưu lượng của máy bơm, lưu lượng tưới; bộ châm phân và hệ thống ống các cấp từ lớn đến nhỏ phân phối nước đều đến từng gốc cây.

Đặc biệt hệ thống ống được thiết kế cho từng tiểu vùng tưới với các van điều chỉnh phù hợp với công suất máy bơm để các béc phun đầu ra đạt lưu lượng 60 lít/giờ. Hệ thống đường ống tưới chôn ngầm giữa các hàng cà phê và được giãn vào gốc bởi ống nhỏ 6 ly có gắn 1 đầu béc phun với bán kính phun khoảng 80cm, vừa đủ tưới cho diện tích bồn.

Bộ châm phân là thiết bị châm dinh dưỡng vào ống chính, giúp đưa dinh dưỡng trực tiếp đến vùng rễ của cây qua béc phun đầu ra. Rễ được hấp thu đầy đủ dinh dưỡng để nuôi cây phù hợp cho từng giai đoạn sinh lý của cây, hạn chế việc bốc hơi làm mất đạm, tăng hiệu quả sử dụng phân bón.

09-21-28_4

 

“Công nghệ này đã được Viện Khoa học thủy lợi và Tổng cục Thủy lợi công nhận như một trong những phương thức tưới tiết kiệm cho cây trồng cạn ở Việt Nam. Cùng với việc tưới nước thì bón phân cũng là biện pháp quan trọng góp phần nâng cao năng suất cà phê”, TS Hà chia sẻ.

Cũng theo TS Hà, ngoài việc triển khai công nghệ này trên cây cà phê, viện cũng đã nghiên cứu và bước đầu chuyển giao công nghệ tưới tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước cho nông dân trồng hồ tiêu. Ứng dụng công nghệ này sẽ giảm được lượng nước tưới từ 20 - 30%, tăng hệ số sử dụng phân bón, giúp tiết kiệm được lượng phân bón khoảng 30 - 40%, tăng hiệu quả sản xuất cho người trồng tiêu...

“Các kết quả về tưới nước tiết kiệm đã được chúng tôi phổ biến ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ áp dụng cho cây cà phê, tiêu và điều với quy mô ước tính hơn 50ha/loại cây trồng/tỉnh. Công nghệ cũng được các dự án khuyến nông trung ương của Bộ NN-PTNT áp dụng trên cây trồng cạn…”, TS Hà chia sẻ.

 

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.