| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp để ngành điều thoát cảnh 'bắc nước chờ gạo người'

Thứ Ba 31/10/2017 , 09:25 (GMT+7)

Kim ngạch XK trên 2,84 tỉ USD (năm 2016), đứng thứ 2 trong các mặt hàng nông sản XK (sau cà phê), tuy nhiên, gần 3/4 lượng nguyên liệu (trong tổng số 1,5 triệu tấn hạt điều thô phục vụ chế biến) lại đang phụ thuộc vào việc NK từ nước ngoài. 

Thực trạng này là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để đẩy mạnh khai thác dư địa cây điều.

Trao đổi với NNVN, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nêu thực trạng: Hiện nay, các ngành hàng nông sản lớn của Việt Nam như lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su... đã xây dựng được vùng nguyên liệu dồi dào, khó khăn chủ yếu nằm ở khâu chế biến và XK. Trong khi đó ngành điều thì ngược lại. Thị trường XK rất tốt, chúng ta cũng đã có được ngành công nghiệp chế biến hạt điều tiên tiến, thế giới đánh giá cao, nhưng nguồn nguyên liệu trong nước lại rất hạn hẹp.

16-59-39_img_0143
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh

Như vậy, nguyên liệu là bài toán lớn nhất của ngành điều cần phải giải quyết trong hiện tại cũng như trong thời gian tới, thưa Thứ trưởng?

Hiện công suất của các NM chế biến hạt điều trong nước đã đạt khoảng 1,5 triệu tấn hạt thô/năm. Tuy nhiên, sản lượng nguyên liệu trong nước mới chỉ đạt khoảng 400 nghìn tấn, mới đáp ứng trên 1/4 nhu cầu cho các NM, còn lại phải NK từ các thị trường quốc tế, trong đó chủ yếu từ Châu Phi.

Sự lớn mạnh của công nghiệp chế biến là điều kiện tốt cho ngành điều Việt Nam phát triển, bởi giá trị gia tăng của ngành nào cũng nằm ở khâu chế biến, và đây là điều kiện giúp chúng ta yên tâm mở rộng diện tích, sản lượng tăng lên mà không phải lo nhiều tới chuyện chế biến và tiêu thụ như nhiều ngành hàng nông sản khác. Tuy nhiên, việc phải phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu từ nước ngoài cũng là một thách thức lớn cho ngành điều. Bởi xu hướng các nước SX điều lớn trên thế giới cũng đang không ngừng tăng cường đầu tư cho chế biến sâu. Càng ngày các DN của Việt Nam càng không thể NK nguyên liệu dễ dàng như trước, mà phải từng bước chủ động dần nguồn nguyên liệu trong nước.

Vì vậy, cần nhanh chóng khai thác dư địa, việc xây dựng vùng nguyên liệu trong nước phải được đẩy lên một bước.

Vậy Bộ NN-PTNT đã xác định được chiến lược nào để tăng được sản lượng điều trong nước, thưa ông?

Hiện nay, diện tích điều của cả nước khoảng trên 300 nghìn ha, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Đông Nam Bộ (trong đó Bình Phước chiếm gần 50% tổng diện tích cả nước), một số tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa các cây trồng ngày càng khốc liệt, Bộ NN-PTNT xác định kể cả khi có các giải pháp căn cơ thì diện tích điều cũng không dễ mở rộng, nhiều khả năng chỉ có thể duy trì ở mức tối đa khoảng 400 nghìn ha (chỉ tăng được khoảng 100 nghìn ha so với hiện tại).

Vì vậy, đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất, nhất là ở các diện tích hiện có là giải pháp then chốt, khả thi, qua đó đưa ngành điều Việt Nam từng bước dần thoát khỏi tình trạng phải lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài.

16-59-39_dieu2
Điều là cây trồng có mức độ thâm canh rất thấp hiện nay

Với tinh thần đó, ngay từ khi có Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ NN-PTNT đã sớm có riêng một đề án dành cho phát triển điều bền vững, đồng thời cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo Phát triển điều bền vững, hoạt động rất tích cực, có sự vào cuộc quyết liệt ở các địa phương. Với nhiều giải pháp mạnh, đến nay, năng suất điều cả nước đã tăng lên đáng kể, từ mức bình quân chỉ có 0,8 – 0,9 tấn/ha năm 2011 lên bình quân khoảng 1,25 tấn/ha. So với bình quân thế giới, năng suất điều của Việt Nam có năm đã cao gấp đôi.

Tuy nhiên, năng suất điều của Việt Nam lại rất không đồng đều. Có nơi có trình độ thâm canh rất cao, năng suất đạt tới 5-6 tấn/ha, nhưng cũng có nơi trồng điều được chăng hay chớ, năng suất chỉ mấy tạ/ha. Vì vậy, nếu tập trung thâm canh điều để có năng suất cao, đồng đều thì sản lượng điều nguyên liệu của chúng ta sẽ tăng nhanh và rất lớn. Chỉ riêng vựa điều ở tỉnh Bình Phước, chỉ cần tăng được năng suất điều toàn tỉnh lên khoảng 1,8 tấn/ha, sẽ tăng thêm được tổng sản lượng khổng lồ.

Hiện tại, Bộ NN-PTNT cũng đã đặt mục tiêu cố gắng đến năm 2025, phải tăng được năng suất điều bình quân cả nước lên 1,7 – 1,8 tấn/ha, tăng thêm bình quân 500 kg/ha so với hiện nay. Tôi cho rằng đây là điều khả thi, bởi hầu hết diện tích điều của chúng ta chưa được đầu tư thâm canh, nên dư địa để tăng được từ mức năng suất rất thấp lên mức năng suất trung bình là không phải quá khó khăn.

Bộ NN-PTNT đã và đang có những giải pháp cụ thể nào để tăng năng suất cho cây điều trong thời gian tới, thưa Thứ trưởng?

Khó khăn nhất của cây điều đó là trước đây, nó được xác định là cây trồng để phủ xanh đất trồng đồi núi trọc là chính, trồng từ những thập niên 80 – 90 của thế kỷ trước trên những diện tích đất đai bạc màu thuộc các dự án trồng rừng như PAM, dự án 327, mật độ cũng rất thưa... Theo thống kê, khoảng 70% diện tích điều hiện tại là trồng trên đất xám bạc màu, cơ sở hạ tầng, nhất là thủy lợi để chủ động tưới rất yếu kém (mới chỉ có khoảng 30 nghìn ha trong tổng số 300 nghìn ha điều cả nước có áp dụng tưới).

16-59-39_dieu1
Phụ thuộc vào nguyên liệu NK là nguy cơ lớn cho ngành điều

Bên cạnh đó, bộ giống chưa được chọn lọc, lại được trồng chủ yếu tại các vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, nên khả năng, điều kiện thâm canh hết sức hạn chế. Đến nay, tại các tỉnh như Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã có nhiều mô hình thâm canh điều, cho năng suất ổn định từ 3-4 tấn/năm, có nơi tới 5-6 tấn/năm nhưng nhìn chung số này rất ít. Còn lại đại đa số là diện tích điều già cỗi, năng suất rất thấp...

Trước tình hình này, Bộ NN-PTNT đã và đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương tiến hành phân loại, đánh giá kỹ thực trạng các vườn điều ở các địa phương để có giải pháp cho từng khu vực, thậm chí tới từng vườn để có giải pháp phù hợp. Theo đó, đối với các vườn đã quá già cỗi, suy kiệt, giải pháp là phải trồng mới lại bằng bộ giống tốt. Với các vườn điều còn trẻ, đất tương đối tốt, giải pháp sẽ là ghép cải tạo bằng mắt ghép của các giống có chất lượng, năng suất cao...

Xin cảm ơn ông!

Để tạo nguồn lực đầu tư cho ngành điều, nhất là đầu tư thâm canh cho các vùng khó khăn, Bộ NN-PTNT đang định hướng hình thành một chương trình phục vụ tái cơ cấu, thâm canh riêng cho cây điều. Nếu chương trình này có sự hỗ trợ của Chính phủ thì sẽ rất tốt. Trước mắt, Bộ đã làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB) để tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ nhằm phát triển bền vững cho cây điều và một số đối tượng cây trồng khác gồm hồ tiêu và cây ăn trái...

Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cũng đang đề nghị các hiệp hội, DN trong ngành điều cũng như các DN cung ứng vật tư đẩy mạnh liên kết với các vùng nguyên liệu để tăng khả năng đầu tư cho người dân trồng điều...

(Thứ trưởng Lê Quốc Doanh)

 

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Vinachem cho ông Nguyễn Hữu Tú

Vinachem tổ chức lễ công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới trong ngành hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất