| Hotline: 0983.970.780

Phát triển ngành điều bền vững gắn với chuỗi giá trị toàn cầu

Thứ Năm 28/09/2017 , 13:15 (GMT+7)

Sau hơn ba thập kỉ phát triển, Việt Nam đã trở thành nước có kim ngạch XK điều nhân số 1, chế biến đứng thứ 2 và đứng thứ 3 thế giới về năng suất và sản lượng điều.

Ngành điều đem lại giá trị kinh tế lớn và góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu nông dân và công nhân chế biến.

1151632452
Điều có kim ngạch XK lớn và đang cần định hướng phát triển trong thời gian tới

Tuy ngành sản xuất điều Việt Nam đạt được nhiều thành tựu nhưng chưa phát huy hết tiềm năng và đang đối diện với khó khăn rất lớn. Sản lượng giảm, hiệu quả sản xuất thấp, thu nhập từ điều không cao, giá trị gia tăng thấp, nhiều diện tích điều bị thoái hóa hoặc bị chuyển đổi sang trồng các cây khác như cao su, cà phê, hồ tiêu... có hiệu quả kinh tế cao hơn, hoặc chuyển sang mục đích sử dụng phi nông nghiệp.

Sản lượng điều trong nước mới đáp ứng được 1/3 nhu cầu của hơn 300 DN chế biến XK. Các doanh nghiệp chế biến NK điều nguyên liệu ngày càng tăng từ Campuchia, Ấn Độ, Bờ biển Ngà, Tây Phi... Năm 2016 Việt Nam NK hơn 1,1 triệu tấn điều thô làm giá thành sản phẩm tăng cao mà chất lượng sản phẩm không ổn định.

Trong khi đó, kinh nghiệm thế giới đã cho thấy rằng năng suất điều có thể tăng được 30 - 40% nếu áp dụng đồng bộ khoa học - công nghệ trong canh tác tiên tiến, đồng thời thay đổi bộ giống điều. Đây cũng có thể coi là một trong những giải pháp đột phá để phát triển ngành điều thời gian tới.

Ngoài những yếu kém về mặt công nghệ, ngành điều hiện tại chưa được quan tâm đầu tư một cách có hệ thống mà phát triển manh mún, rời rạc, thiếu sự hợp tác liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà - nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học, dẫn đến các hoạt động sản xuất chưa thực sự đạt hiệu quả đúng với tiềm năng phát triển của ngành.

Thực tế hiện nay đã chứng minh hạt điều bé nhỏ đã trở thành mặt hàng nông sản mũi nhọn của Việt Nam, cùng với lúa gạo, cao su, hồ tiêu…, vừa giải quyết công ăn việc làm cho người nông dân vừa đem lại hàng tỷ USD kim ngạch XK mỗi năm.

Khối lượng nhân điều XK năm 2016 là 346,5 ngàn tấn, kim ngạch đạt 2,84 tỷ USD, tăng 5,6% về khối lượng và 18,4% về giá trị so với năm 2015, là năm có kim ngạch XK cao nhất từ trước đến nay, đứng hàng thứ 2 sau cà phê.

Chỉ riêng 8 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã XK được 223 ngàn tấn hạt điều, kim ngạch đạt 2,2 tỷ USD, đạt 98,9% về lượng và 124,9% về giá trị so với cùng kỳ. Sau 28 năm tham gia XK (1988 - 2016), ngành điều không ngừng phát triển lớn mạnh, chiếm lĩnh thị trường thế giới, khẳng định được vị thế.

Từ năm 2006 đến nay Việt Nam trở thành quốc gia XK nhân điều lớn nhất thế giới, và ngành điều đang đi tiên phong trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cả nước có 345 doanh nghiệp tham gia XK điều, trong đó doanh nghiệp có kim ngạch dưới 5 triệu USD/năm chiếm 73%, đã dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, chất lượng không đồng đều, làm thiệt hại chung cho cả ngành, về lâu dài bất lợi cho ngành điều Việt Nam.

Đó chính là lý do Bộ NN-PTNT quyết định tổ chức hội thảo “Phát triển ngành điều bền vững gắn với chuỗi giá trị toàn cầu” với sự tham dự của các cơ quan ban ngành, lãnh đạo các tỉnh trồng điều lớn, Hiệp hội điều, các công ty sản xuất và chế biến hàng đầu trong ngành điều, các hợp tác xã và các tổ chức quốc tế.

Hội thảo là cơ hội cho các cơ quan quản lý, địa phương, các hiệp hội, tổ chức phát triển và các doanh nghiệp tâm huyết với ngành điều ngồi lại thảo luận định hướng phát triển, tổ chức ngành điều một cách bài bản.

Hội thảo cũng là cơ sở sẽ định hướng xây dựng, phát triển ngành điều theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chuỗi giá trị toàn cầu. Từ đó, thu hút sự quan tâm và kêu gọi các bên liên quan trong nước và nước ngoài tham gia vào chương trình xây dựng và phát triển ngành điều Việt Nam.

Kết quả dự kiến đạt được sau hội thảo sẽ định hình hướng đi phát triển ngành điều. Cụ thể, đưa ra các khuyến nghị để tổ chức phát triển ngành điều bền vững như tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh; tái canh vườn điều; đẩy mạnh phát triển liên kết công tư.

Tạo đồng thuận các tác nhân để hình thành chuỗi giá trị chiến lược trong đó có sự liên kết chặt chẽ giữa người nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước. Tạo thống nhất liên kết địa phương phát triển vùng chuyên canh quốc gia. Kiến nghị các chính sách và thể chế tạo môi trường phát triển ngành. Kêu gọi các bên tham gia cũng như huy động nguồn lực quốc tế và toàn xã hội đầu tư phát triển ngành điều.

Cuối cùng hội thảo nhằm đề xuất giải pháp tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân, ứng dụng khoa học- công nghệ, cải thiện quy hoạch ngành và quy hoạch vùng, thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để ngành điều giữ vững vị trí là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, đạt mục tiêu xuất khẩu 3 tỷ USD vào năm 2020.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.