| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại Bình Thuận

Thứ Sáu 05/02/2021 , 11:03 (GMT+7)

Bình Thuận thuộc vùng khô hạn nhất nước nên vào mùa khô thường xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Do đó, tỉnh cần giải pháp lâu dài để giải quyết dứt điểm.

Nhiều nơi nguy cơ thiếu nước sinh hoạt

Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Thuận, căn cứ báo cáo các địa phương, mùa khô năm 2021 trên địa bàn có nguy cơ 67 xã, phường, thị trấn xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 41.571 hộ/160.523 nhân khẩu.

Mùa khô 2021, tỉnh Bình Thuận có nguy cơ 67 xã, phường, thị trấn xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ. Ảnh: KS.

Mùa khô 2021, tỉnh Bình Thuận có nguy cơ 67 xã, phường, thị trấn xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ. Ảnh: KS.

Trong đó tại huyện Bắc Bình có 8 xã; TP Phan Thiết có 4 xã, phường; huyện Hàm Thuận Nam có 6 xã; huyện Hàm Tân có 6 xã, thị trấn; huyện Tánh Linh có 13 xã, thị trấn; huyện Đức Linh có 11 xã, thị trấn; TX La Gi đến có 4 xã, phường và huyện đảo Phú Quý có 2 xã.

Ông Trần Văn Liêm, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và VSMTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, sở dĩ tỉnh Bình Thuận hay xảy ra hạn hán, thiếu nước sinh hoạt bởi tỉnh thuộc vùng khô hạn nhất cả nước. Trong khi đó 44/63 công trình cấp nước (CTCN) nông thôn có quy mô công suất cấp nước nhỏ dưới 1.000 m3/ngày, chủ yếu phục vụ cho các khu dân cư trên địa bàn thôn, xã sử dụng.

Không những thế các CTCN này lại chủ yếu khai thác từ nguồn nước dưới đất hoặc nguồn nước mặt trên sông suối nhỏ nên mức độ rủi ro và chịu tác động bất lợi của tình hình thời tiết rất cao.

Hồ Tân Minh, huyện Hàm Thuận hiện nguồn nước cạn kiệt do mùa mưa 2020 lượng mưa thấp. Ảnh: KS.

Hồ Tân Minh, huyện Hàm Thuận hiện nguồn nước cạn kiệt do mùa mưa 2020 lượng mưa thấp. Ảnh: KS.

Đặc biệt, trong năm 2020, lượng mưa trên địa bàn phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở phía Bắc tỉnh. Trong khi thời gian qua tình hình nắng hạn kéo dài trên địa bàn đã gây sụt giảm mực nước và lưu lượng nước dưới đất làm cho các giếng bị khô kiệt.

Bên cạnh đó, tình trạng tranh giành, sử dụng nguồn nước thô phục vụ sản xuất nông nghiệp gây áp lực cho công tác quản lý, sử dụng nguồn nước thô đảm bảo duy trì hoạt động cho các CTCN. Nhất là vào các tháng cuối mùa khô một số khu vực do nguồn nước từ các công trình thủy lợi bị khan hiếm nên nhiều hộ sử dụng nguồn nước sạch để tưới thanh long gây thiếu hụt lượng nước cấp cho sinh hoạt đối với các hộ ở địa hình cao và xa nhà máy nước.

Giải pháp khắc phục thiếu nước sinh hoạt  

Trước tình trạng nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô 2021, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận đề nghị các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, tổ chức đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp mùa khô năm 2020-2021 theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại kế hoạch số 4971 và Chỉ thị số 02.

Năm 2020 tỉnh Bình Thuận cũng xảy ra hạn hán, thiếu nước sinh hoạt cục bộ xảy ra nhiều nơi, chính quyền điều xe chở nước cấp cho dân. Ảnh: KS.

Năm 2020 tỉnh Bình Thuận cũng xảy ra hạn hán, thiếu nước sinh hoạt cục bộ xảy ra nhiều nơi, chính quyền điều xe chở nước cấp cho dân. Ảnh: KS.

Trong đó tập trung triển khai hoàn thành và đưa vào sử dụng 7 danh mục công trình đầu tư nâng cấp mở rộng CTCN, gồm: Nâng cấp mở rộng tuyến ống hệ thống nước Thiện Nghiệp (TP Phan Thiết); tuyến ống chuyển tải Tân Thắng - Sơn Mỹ (Hàm Tân); nâng cấp mở rộng Hệ thống nước Phan Tiến nối mạng tuyến ống xã Sông Lũy (Bắc Bình); cấp nước xã Tân Phúc, Tân Đức và cấp nước xã Tân Hà, Sông Phan (thuộc Hàm Tân); cấp nước xã Hàm Cường, Hàm Kiệm, Hàm Minh và nâng cấp Hệ thống cấp nước xã Tân Lập (thuộc Hàm Thuận Nam).

Về giải pháp lâu dài, theo ông Liêm, để đảm bảo cung cấp nước sạch theo nhu cầu dân cư nông thôn giai đoạn 2021-2025, tỉnh cần nghiên cứu phương án đầu tư các CTCN có công suất từ 5.000 – 15.000 m3/ngày nằm kế cận các công trình thủy lợi có quy mô lớn hoặc sông lớn. Như vậy, các CTCN mới đảm bảo có nguồn nước thô ổn định trong mùa khô hạn, giúp các nhà máy nước vận hành thường xuyên, liên tục, tránh bị gián đoạn, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện công tác bảo đảm an toàn về chất lượng nguồn nước thô cấp cho các nhà máy nước.

Các CTCN ở Bình Thuận đều có công suất nhỏ, trong khi nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng cao theo hàng năm. Ảnh: KS.

Các CTCN ở Bình Thuận đều có công suất nhỏ, trong khi nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng cao theo hàng năm. Ảnh: KS.

“Tại huyện Bắc Bình tỉnh cần tập trung đầu tư CTCN sử dụng nguồn nước từ hồ Sông Lũy và hồ Cà Giây. Huyện Hàm Thuận Bắc cần đầu tư CTCN sử dụng nguồn nước từ hồ Suối Đá, hồ Sông Quao và hệ thống các hồ chủ động tiếp nguồn nước từ hồ Sông Quao.

Còn huyện Hàm Thuận Nam đầu tư CTCN sử dụng hồ sông Móng – Ka Pét. Hàm Tân đầu tư CTCN sử dụng hồ sông Dinh 3 và đập dâng Cô Kiều. Huyện Tánh Linh đầu tư CTCN sử dụng đập dâng Tà Pao. Đức Linh đầu tư CTCN sử dụng sông La Ngà...”, ông Liêm nói và cho biết thêm, để đầu tư các CTCN trên nguồn vốn rất lớn, do đó cần quan tâm hỗ trợ các Bộ, ngành Trung ương để việc cấp nước sinh hoạt cho vùng nông thôn được bền vững.

Theo Trung tâm Nước sạch và VSMTNT Bình Thuận, những năm gầy đây đời sống của người dân vùng nông thôn trong tỉnh ngày càng cải thiện nên nhu cầu sử dụng nước sạch phục vụ sinh hoạt từ các CTCN không ngừng tăng lên, bình quân từ 12-15 %/năm. Trong khi giai đoạn 2016 -2020, tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh, vốn Trung ương hỗ trợ, viện trợ quốc tế và các nguồn vốn khác chỉ đạt tỉ lệ khoảng 36% so với nhu cầu vốn theo quy hoạch tổng thể cấp nước nông thôn đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Từ đó dẫn tới nhiều nhà máy nước phải vận hành quá tải so với công suất thiết kế, có trường hợp vượt gần gấp đôi công suất thiết kế song vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng thực tế của nhân dân trong mùa khô, gây nên tình trạng thiếu nước cục bộ.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.