Theo UBND tỉnh Bình Thuận, đến cuối tháng 12/2020, tổng lượng nước trữ trong các hồ chứa thủy lợi trên toàn tỉnh là 215,57 triệu m3/258,99 triệu m3, đạt 83,23% so với dung tích thiết kế, thấp hơn so với trung bình nhiều năm.
Đáng chú ý các hồ chứa ở khu vực phía Nam tỉnh, lượng nước trữ hiện chưa tới 45% so với dung tích thiết kế nên nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước tương đối cao.
Trước tình trên, ngày 5/1, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã có chỉ thị về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước phục vụ dân sinh, sản xuất nông nghiệp và phòng, chống cháy rừng mùa khô năm 2020 - 2021 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT Bình Thuận chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến tình thời tiết, xây dựng ngay kế hoạch vận hành, điều tiết nước cho phù hợp; bảo đảm phục vụ cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất, và các nhu cầu thiết yếu khác. Cũng như phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức thủy lợi cơ sở để quản lý, bảo vệ nguồn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn giảm thiểu thấp nhất thất thoát.
Trên cơ sở đó, xây dựng phương án, kịch bản, lịch thời vụ năm 2021 để thông báo đến cấp chính quyền địa phương và người dân biết để chủ động ứng phó, thực hiện. Đồng thời chỉ đạo Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn, các đơn vị kinh doanh, sản xuất, cung ứng nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh tổ chức kiểm kê, quản lý, bảo vệ chặt chẽ nguồn nước trong các hệ thống công trình cấp nước tập trung.
Khẩn trương đăng ký nhu cầu sử dụng nguồn nước thô từ công trình thủy lợi phục vụ cho các nhà máy nước với đơn vị quản lý sử dụng công trình thủy lợi.
Đồng thời rà soát nhu cầu đầu tư công trình để bổ sung nguồn nước hoặc nâng công suất nhà máy, mở rộng hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước để duy trì năng lực và mở rộng phạm vi cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt cho nhân dân. Từ đó tổng hợp đề xuất UBND tỉnh xem xét bố trí vốn, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân, nhất là người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các địa phương khu vực ven biển thường xuyên bị thiếu nước sinh hoạt những năm trước đây.
UBND tỉnh Bình Thuận còn chỉ đạo Sở NN-PTNT chủ động phối hợp Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, Công ty Thủy điện Đại Ninh, Sở Công Thương đăng ký nhu cầu sử dụng nguồn nước chạy máy phát điện kết hợp cấp nước về hạ du của thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi và Đại Ninh hàng tháng để bổ sung nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho các huyện Tánh Linh, Đức Linh, Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc.
Đồng thời đôn đốc chủ đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình cấp nước sinh hoạt, công trình thủy lợi, kết hợp với nhiệm vụ hỗ trợ nước sinh hoạt đầu tư bằng các nguồn vốn khác nhau trong kế hoạch năm 2020 để đưa công trình vào khai thác sử dụng, cấp nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân ngay trong quý I năm 2021. Cũng như theo dõi đôn đốc các chủ đầu tư đầy nhanh tiến độ lập hồ sơ các công trình nước sạch nguồn vốn kế hoạch năm 2021 để sớm triển khai xây dựng bổ sung nước cho các vùng hạn hán theo kế hoạch số 4971 của UBND tỉnh...
Trước đó, ngày 28/12, như Báo Nông nghiệp Việt đưa tin, trước tình hình khu vực phía Nam tỉnh Bình Thuận có lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm, nên các hồ chứa thủy lợi thiếu hụt nước, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận đã cắt giảm diện tích sản xuất lúa Đông Xuân 290ha 2 của 2 huyện Hàm Thuận Nam và La Gi, ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, nước tưới cho cây trồng lâu năm (thanh long).