| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp phòng chống dịch bệnh cá kèo

Thứ Tư 28/11/2018 , 14:50 (GMT+7)

Dịch bệnh trên cá kèo xảy ra liên tiếp và giá  sản phẩm thấp khiến nhiều bà con thua lỗ nặng, diện tích nuôi giảm dần...

10-10-14_2_truoc_tinh_trng_tren_phong_nong_nghiep_huyen_ho_binh_d_ket_hop_voi_trung_tm_khuyen_nong_tinh_bc_lieu_d_to_chuc_lop_tp_hun_ky_thut_nuoi_c_keo_cho_b_con_nong_dn
Kiểm tra dịch bệnh trên cá kèo

Huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 16.000ha. Ngoài con tôm, nông dân vùng nam quốc lộ 1A còn thả nuôi nhiều loài thủy sản khác như cua, cá kết hợp, trong đó nuôi nhiều nhất là cá kèo, tập trung chủ yếu ở xã Vĩnh Mỹ A. Cũng như con tôm, nghề nuôi cá kèo có những bước thăng trầm.

Cá kèo là một trong những đối tượng nuôi quảng canh - quảng canh cải tiến đã có từ lâu ở huyện Hòa Bình. Tuy nhiên hình thức nuôi thâm canh mới xuất hiện cách đây khoảng 10 năm. Có lẽ xuất phát từ tình hình nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh bị thiệt hại do dịch bệnh, một số hộ thử nghiệm nuôi cá kèo trong ao nuôi tôm. Mục đích là cho cá ăn chất cặn bã dưới đáy ao, nhưng lại cho kết quả không ngờ, tỷ lệ hộ nuôi thành công đến trên 90%, nhiều hộ có lãi lớn.

Từ năm 2010 đến nay, phong trào nuôi cá kèo ở huyện Hòa Bình không ngừng phát triển. Có năm diện tích thả nuôi đến trên 400ha, sản lượng thu hàng ngàn tấn. Trong đó đại đa số diện tích nuôi cá kèo nằm ở xã Vĩnh Mỹ A. Diện tích thả nuôi và sản lượng cá kèo liên tục tăng qua từng năm. Nuôi cá kèo theo hình thức thâm canh đã thật sự trở thành nghề có hiệu quả cao.

Tuy nhiên sự phát triển ồ ạt thiếu kiểm soát của mô hình nuôi cá kèo thâm canh lại kéo theo nhiều hệ lụy, nguồn giống tự nhiên ngày càng giảm trong khi chưa có cơ sở SX cá giống, từ đó giá cá giống tăng cao. Vật tư đầu vào không ngừng tăng giá, đầu ra của cá kèo thương phẩm rất hạn chế trong thời gian gần đây.

Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường do nuôi mật độ cao, bà con cải tạo ao chưa đảm bảo quy trình kỹ thuật, lạm dụng thuốc kháng sinh để phòng trị bệnh có cá… là những nguyên nhân làm cho nguồn nước bị ô nhiễm nặng, xuất hiện bệnh cá chết hàng loạt, nhiều hộ nuôi thua lỗ nặng.

Trao đổi với PV NNVN, ông Võ Văn Thắng (ngụ ấp 15A, xã Vĩnh Mỹ A) cho biết: “Cá kèo năm nay cũng như năm rồi, có khi cá nuôi được 1 tháng tuổi là bị nhiễm bệnh. Năm nay, gia đình tôi nuôi cá kèo được khoảng 3 tháng tuổi, không đạt kích cỡ, bị thương lái mua với giá thấp. Bên cạnh đó, cá kèo bị một số loại bệnh nên hao hụt rất nhiều…

“Nguyên nhân do thời tiết, khí hậu biến đổi thất thường, sử dụng thuốc men chưa đúng hướng dẫn của ngành nông nghiệp, cá kháng thuốc” , ông Thắng cho biết thêm.

Theo số liệu của ngành nông nghiệp huyện Hòa Bình tính đến cuối tháng 9/2018, toàn huyện chỉ còn 170ha cá kèo, trong đó xã Vĩnh Mỹ A 154ha. Dù đang gặp nhiều khó khăn nhưng theo các nhà chuyên môn thì mô hình nuôi cá kèo luân canh với nuôi tôm theo hình thức thâm canh là một giải pháp hữu hiệu để khắc phục những ao nuôi tôm bị thiệt hại do dịch bệnh. Nuôi luân canh cá kèo - tôm có ưu điểm là giúp cải tạo ô nhiễm môi trường cho ao nuôi tôm, giúp cắt đứt mầm bệnh cho ao tôm, ngoài ra nước thải ra của ao nuôi cá kèo dùng nuôi tôm thẻ chân trắng cũng rất thích hợp.

10-10-14_1
Ảnh: T.L

Trước tình hình trên, để giúp bà con nuôi cá kèo khắc phục những khó khăn, phòng chống dịch bệnh, vừa qua Phòng Nông nghiệp huyện Hòa Bình kết hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá kèo cho bà con nông dân xã Vĩnh Mỹ A. Lớp tập huấn đã cung cấp nhiều kiến thức cho bà con về kỹ thuật cải tạo ao nuôi, cách lựa chọn con giống, kỹ thuật chăm sóc, quản lý và biệp pháp phòng, trị một số bệnh thường gặp trên cá kèo…

Đồng thời ngành chuyên môn cũng khuyến cáo bà con nên áp dụng triệt để mô hình nuôi luân canh một vụ cá kèo - một vụ tôm nhằm cải thiện môi trường, cắt đứt mầm bệnh cho cá nuôi. Đối với những ao đã bị nhiễm bệnh ở vụ trước bà con cần áp dụng triệt để quy trình cải tạo, xử lý mầm bệnh, nên giảm mật độ thả nuôi khi môi trường nuôi cá đã bị ô nhiễm, nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro thiệt hại cho vụ nuôi tiếp theo.

Mặc dù thời “hoàng kim” của cá kèo đã qua, nhưng trong tương lai mô hình đối tượng nuôi này vẫn rất có triển vọng. Nếu bà con không nuôi ồ ạt như thời gian qua và có một quy trình nuôi khoa học theo hướng bền vững, tin rằng con cá kèo sẽ giúp họ vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất của mình.

 

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển