Tôm trúng mùa, được giá
Trong không khí rộn ràng chào đón xuân mới, nông dân Cà Mau càng thêm phấn khởi khi mô hình lúa - tôm tiếp tục bội thu. Những cánh đồng lúa vàng óng ả lẫn với vuông tôm trúng mùa đã trở thành bức tranh mùa xuân tươi sáng trên vùng đất cực Nam của Tổ quốc.
Cà Mau là một trong những địa phương đi đầu trong việc phát triển mô hình lúa - tôm, thân thiện với môi trường. Với diện tích canh tác khoảng 280.000ha, sản lượng nuôi tôm chiếm tỷ trọng lớn trong cả nước, ước tính năm 2024, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 410.000 tấn.
Trong năm 2024, toàn tỉnh Cà Mau đã phát triển hơn 37.100ha diện tích nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa. Huyện Thới Bình dẫn đầu với gần 19.000ha, trở thành địa phương điển hình của mô hình này. Điểm nổi bật của tôm càng xanh là ít hao hụt, tỷ lệ thành công cao và chi phí đầu tư thấp.
Ngoài ra, sự phát triển tốt của rễ lúa và gốc rạ sẽ giúp cho đất được cải tạo, phục hồi cho vụ nuôi trong mùa nước mặn tiếp theo. Mỗi hecta lúa - tôm mang lại lợi nhuận từ 50-100 triệu đồng/năm.
Ông Hồ Văn Trinh, nông dân ấp Lê Giáo, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, chia sẻ: Gia đình ông có 1,5ha đất trồng lúa kết hợp với nuôi tôm càng xanh. Trước đây, ông trồng lúa và nuôi tôm càng xanh theo phương pháp truyền thống nên năng suất chưa cao. Sau khi tham gia lớp học nuôi tôm, từ khâu cải tạo, sên vét, phơi đất, đến chăm sóc, quản lý tôm, lúa năng suất nâng cao.
Chỉ tính riêng tôm càng xanh, đợt này ông Trinh thu hoạch hơn 400kg. Với giá tôm thương phẩm loại 20 con/kg giá 100.000đ/kg, tôm loại 10 con/kg giá 170.000đ/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, ông Trinh còn lãi hơn 50 triệu đồng.
Ông Nguyễn Phi Thoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, nhận định: Với giá bán như vậy đã giúp người nuôi tôm kiếm vài chục triệu đồng mỗi vụ. Việc phát triển hiệu quả các mô hình kinh tế tuần hoàn giúp cho nhiều người vươn lên khá giàu. Những hộ nghèo, ít đất sản xuất cũng học hỏi các mô hình phát triển đa con này mà làm theo. Năm nay, mô hình tôm - lúa được mùa, trúng giá, nông dân Thới Bình đón Tết sung túc hơn.
Chứng nhận quốc tế cho vùng chuyên canh lúa - tôm
Năm 2024, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, tổ chức BUREAU VERITAS tại Việt Nam trao giấy chứng nhận BAP (thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất) của Tổ chức Liên minh thủy sản toàn cầu (GAA) cho vùng chuyên canh lúa - tôm của tỉnh Cà Mau. Đây là chứng nhận quốc tế thứ 2 (sau ASC được công nhận vào tháng 10/2022) và là chứng nhận BAP đầu tiên của Việt Nam được trao cho vùng chuyên canh tôm - lúa ở tỉnh Cà Mau.
Ông Nguyễn Phi Thoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Biển Bạch Đông cho biết, thực tế sau hơn 2 năm triển khai dự án cho vùng chuyên canh lúa - tôm xã Biển Bạch Đông, sự thích ứng của mô hình với biến đổi khí hậu và góp phần cải thiện thu nhập cho người nông dân hiệu quả thấy rõ. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục nhân rộng vùng chuyên canh lúa - tôm thêm khoảng 2.000ha.
Hơn 2 năm tham gia dự án đạt chứng nhận BAP, ông Võ Văn Được (ấp 6 La Cua, xã Biển Bạch Đông) chia sẻ, trước đây nuôi theo phương thức truyền thống không đạt hiệu quả cao. Từ khi thực hiện dự án nuôi mới theo chuẩn quốc tế BAP đã giảm thiểu tối đa những vấn đề khó khăn, thu nhập lên hơn 80 triệu đồng/ha/năm.
Theo tính toán của ông Nguyễn Văn Thương cũng ở ấp 6 La Cua, xã Biển Bạch Đông, với diện tích đất 3,2ha, mô hình lúa - tôm đã mang lại cho gia đình nguồn thu khoảng 200 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Hoàng Đạo, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình nhận định: Thới Bình có tiềm năng lớn để phát triển mô hình lúa - tôm. Nổi bật là mô hình xen canh lúa - tôm càng xanh và lúa - tôm sú, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần cải thiện thu nhập cho người nông dân.