| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp vùng cao Nghệ An: Xác định thế mạnh từng vùng, giữ 60% độ che phủ rừng

Thứ Ba 17/09/2019 , 13:10 (GMT+7)

Tài nguyên rừng Nghệ An phong phú và đa dạng, vừa là nguồn cung cấp tiềm năng cho các ngành hàng lâm sản sản, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.

Tuy nhiên nhìn chung công tác quản lý, bảo vệ và tổ chức trồng rừng còn bộc lộ nhiều bất cập. NNVN trao đổi với Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Tiến Lâm để có góc nhìn tổng thể hơn về thực trạng và chiến lược phát triển rừng Nghệ An.

18-20-32_1
Ông Nguyễn Tiến Lâm nói về chiến lược phát triển ngành lâm nghiệp tỉnh Nghệ An.

Đất rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch của tỉnh là 1.160.242,2ha, chiếm 71,6% tổng diện tích tự nhiên. Tài nguyên rừng Nghệ An phong phú và đa dạng, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời là tư liệu sản xuất quý cho quá trình xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh. Ở chiều ngược lại, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng và tổ chức sản xuất lâm nghiệp của tỉnh còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhìn chung chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế sẵn có. Biểu hiện rõ nhất là chất lượng và hiệu quả rừng trồng còn thấp, diện tích kinh doanh gỗ lớn chưa nhiều... Vậy đâu là giải pháp lúc này, thưa ông?

Tái cơ ngành NN-PTNT nói chung và ngành lâm nghiệp nói riêng cần xác định cơ cấu cái gì, hướng đến mục tiêu nào, đâu là trọng tâm? Vấn đề này không thể bàn một cách chung chung được.

Muốn phát triển lâm nghiệp nhất thiết phải đảm bảo quỹ đất, phải có tài nguyên rừng, phải có nguồn lực (nhân lực và vật lực), công nghệ và thị trường. Cơ cấu lại ngành lâm nghiệp bản chất là hướng tới thị trường tốt nhất, bền vững nhất.

Muốn làm được điều đó, trước hết cần cơ cấu lại quỹ đất lâm nghiệp. Trước đây có thời kỳ phân chia vùng sinh thái bằng việc cắt dọc, tách biệt theo tuyến đường 48 và tuyến đường 7, cơ cấu sinh thái như thế là hết sức sai lầm.

Nghệ An sở hữu nhiều nét đặc thù, cơ bản hình thành 3 vùng sinh thái khá rõ rệt. Vì thế áp dụng theo hình thức cắt ngang, phân chia thành vùng núi cao, vùng núi thấp và trung du miền núi là phù hợp.

Ông có thể nói rõ hơn về nội dung trên?

Khi đã thống nhất quan điểm, đòi hỏi phải xác định thế mạnh từng vùng để áp dụng chiến lược cụ thể chứ không nên thực hiện một cách dàn trải, thiếu điểm nhấn.

Đơn cử như vùng núi cao, nếu tiến hành đầu tư hạ tầng ồ ạt vừa mất thời gian, lại tốn kém kinh phí mà hiệu quả không như mong đợi. Khu vực này được xem là nóc nhà của tỉnh Nghệ An và Bắc Trung Bộ, do đó cần xác định nhiệm vụ quan trọng nhất là bảo tồn tính đa dạng sinh học, tập trung khoanh nuôi nhằm nâng cao chất lượng rừng tự nhiên.

18-20-32_2
Thiếu đất sản xuất là thực trạng chung của người dân vùng cao.

Ngoài ra cần phát huy tối đa lợi thế, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên, cảnh quan thiên nhiên (hệ sinh thái) và giá trị thương hiệu sẵn có của Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây để đẩy mạnh du lịch sinh thái cộng đồng, từng bước cải thiện chất lượng đời sống cho đồng bào các dân tộc. Nên nhớ vùng núi cao Nghệ An có trên 30.000ha mang nét khí hậu đặc thù, đây là lợi thế vô cùng lớn, nếu biết tận dụng sẽ mở ra nhiều cơ hội trong tương lai.

Từ cơ sở thực tế, tỉnh xác định kinh tế lâm nghiệp nằm tại 9 huyện trung du và miền núi thấp, chính vùng này sẽ tạo ra giá trị lâm sản vượt trội. Trong chiến lược phát triển sẽ chú trọng tăng diện tích rừng trồng tập trung, ưu tiên chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng trồng gỗ lớn, nâng quy mô rừng trồng nguyên liệu năm 2025 lên 260.000ha.

Nghệ An có độ che phủ rừng thuộc tốp đầu cả nước, nhiều chuyên gia chung nhận định đây điều này là lợi bất cập hại. Quan điểm của ông như thế nào?

Có ý kiến nâng độ che phủ rừng miền Tây Nghệ An lên 75%, theo tôi đây là tính toán cơ học và không phù hợp. Để hoàn thành mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và đảm bảo quỹ đất phát triển KT-XH thì con số 75% là quá cao. Tổng hòa các yếu tố, sẽ hợp lý hơn nếu giữ vững ở mức 60%, tương đương 990.000ha diện tích có rừng.

Khách quan mà nói độ che phủ rừng càng cao giá trị càng lớn, nhưng đó là với những nước kinh tế phát triển, cuộc sống của người dân bản địa đảm bảo. Ngược lại, mức sống của đồng bào miền Tây Nghệ An còn thiếu thốn, bà con sống cạnh rừng nhưng không cậy nhờ được quá nhiều nguồn tài nguyên rừng. Điển hình như xã Châu Khê (Con Cuông), hiện độ che phủ tại đây trên 96%, rừng đậm đặc như thế thử hỏi lấy đâu ra tư liệu sản xuất?

Trong trường hợp muốn duy trì độ che phủ rừng ở mức cao, nhất thiết phải có chính sách riêng, đặc thù, không chỉ áp dụng cho từng huyện, từng xã mà phải tính đến tận cấp thôn, bản.

18-20-32_5
Phát triển cây dược liệu được xem là hướng đi phù hợp đối với các huyện miền Tây Nghệ An trong tương lai.

Đành rằng những năm qua người dân miền núi được thụ hưởng nhiều cơ chế, chủ trương thiết thực của Đảng và Nhà nước, nhưng mấu chốt bà con phải từng bước tự chủ được cuộc sống mới mong bền vũng được. Xét cho cùng họ cần chiếc cần câu hơn con cá.

Xin cảm ơn ông!

Thiếu đất rừng, người miền cao đói lay lắt

Xuất phát từ điều kiện đặc thù, người dân miền Tây xứ Nghệ hiện tại vẫn đối mặt với bộn bề gian khó. Nóng ran nhất, thu hút nhiều người quan tâm hơn cả vẫn là nhu cầu đất đai.

Không hẹn mà gặp, thực trạng thiếu tư liệu sản xuất đang đẩy hàng loạt gia đình khắp các huyện miền Tây lâm vào tình cảnh khốn cùng. Hộ anh Vi Văn Tạnh và chị Lô Thị Lá ở bản Mọi (xã Lục Dạ, huyện Con Cuông) là một lát cắt điển hình như thế.

Tuổi đời còn khá trẻ (cùng SN 1982) nhưng cả 2 đã có với nhau tận 4 mặt con, đứa đầu SN 2008, đứa út mới tầm 1 tuổi. Con cái nheo nhóc, vợ chồng lại không nghề nghiệp, ruộng nương cũng chẳng đáng là bao, thành thử vòng xoay đói nghèo mãi không dứt.

Gánh nặng đè nặng lên đôi vai gầy của Tạnh. Thường ngày Tạnh phải đi làm thuê, quần quật như con trâu nhưng công cán thu về hết sức rẻ mạt, ngày may mắn lắm kiếm được 120.000 đồng, những ngày hiếm việc đành trơ miệng chịu đói.

“Việc phân chia 3 vùng sinh thái rõ rệt rất quan trọng, giúp Nghệ An đảm bảo tính khả thi trong quá trình bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, đồng thời giữ ổn định quỹ đất cho nhiệm vụ phát triển kinh tế. Tôi tán thành cao phương án này.

Về độ che phủ, đây là chỉ tiêu “cứng” trong tất cả các kế hoạch phát triển nông - lâm - ngư xuyên suốt từ Chính phủ đến các địa phương. Tuy nhiên không thể cứng nhắc năm sau phải cao hơn năm trước, Nghệ An cần dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn để chốt con số cụ thể, chí ít là đến năm 2030. Có lẽ mức 60% là phù hợp với tình hình chung.

Để phát triển ngành chế biến lâm sản bền vững nên tập trung bảo vệ nuôi trồng rừng, cây trên đất rừng và dưới tán rừng, nhất thiết phải theo hướng lấy hiệu quả KT-XH làm trọng.

Quốc hội, Chính phủ cần làm rõ: Dân giữ rừng cho ai? Nếu giữ cho họ thì không phải lo, họ tự làm chủ được. Nếu giữ cho DN đòi hỏi DN phải bố trí trả định mức phù hợp, bằng không sẽ khó bền lâu. Nếu giữ cho Nhà nước thì Nhà nước phải trả kinh phí đảm bảo cho dân đủ sống, nói gì thì nói mức 400.000 đồng/ha như hiện nay chưa đủ để trang trải”

Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội NN-PTNT Việt Nam

“Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 80% dân số ở các nước phát triển đang sử dụng y học cổ truyền hoặc thuốc thảo dược để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Trên thế giới, những hoạt chất từ dược liệu đã và đang mang lại doanh thu hàng chục tỷ USD/năm. Với đặc điểm tự nhiên, khí hậu và thổ nhưỡng riêng, Việt Nam có nhiều lợi thế, cơ hội phát triển dược liệu.

Nhu cầu dược liệu để sản xuấ thuốc đông dược ở nước ta ước tính khoảng 60.000 tấn/năm, nhưng hiện tại mới đáp ứng được 1/3. Số còn thiếu phải nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc. Nhiều trường hợp, phần lớn tinh chất đã bị hút cạn trước khi được chuyển về, lợi bất cập hại là ở chỗ đó.

Để phát triển dược liệu cần cho phép người dân được canh tác, trồng dưới tán rừng, kể cả rừng quốc gia. Khái niệm không được “tác động” đến một số loại rừng cần được hiểu chính xác hơn”,

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Chung kết hội thi 'Cán bộ Agribank tài năng - thanh lịch' năm 2024

Chung kết hội thi có sự góp mặt tranh tài của 20 đơn vị xuất sắc đại diện cho 173 Công đoàn cơ sở của Agribank khắp cả nước tham gia.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.