| Hotline: 0983.970.780

Giải quyết ngay tình trạng thiếu thuốc, đảm bảo sức khỏe người dân

Chủ Nhật 10/07/2022 , 13:45 (GMT+7)

Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát tổng thể các quy định hiện hành liên quan đến hoạt động mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế...

Đôn đốc các địa phương triển khai đấu thầu thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm hỏi người bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Nguyên Mỹ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm hỏi người bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Nguyên Mỹ.

Thời gian qua, trước những thông tin liên quan đến vụ việc đấu thầu kit test tại Việt Á khiến một số địa phương, cơ sở khám chữa bệnh có tâm lý e ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm trong việc đấu thầu mua sắm, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại nhiều địa phương.

Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Bộ Y tế đã đề xuất với Chính phủ các giải pháp trước mắt và lâu dài về việc giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế.

Theo Thứ trưởng Liên Hương, giải pháp trong ngắn hạn, trước mắt, Bộ Y tế đang tích cực soạn thảo để trình và tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết về bảo đảm thuốc, vật tư y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bằng BHYT. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ cấp phép quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế; đẩy nhanh tiến độ các gói thầu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và danh mục thuốc đàm phán tại Trung ương và địa phương; sửa đổi bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.

“Ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kết quả kiểm tra tại các địa phương, Bộ Y tế đã ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, các địa phương triển khai đấu thầu thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị để tránh tình trạng tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám mua sắm”, Thứ trưởng Liên Hương nói.

Về dài hạn, Thứ trưởng Liên Hương cho hay, Bộ Y tế cũng đang xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành sửa đổi, bổ sung các Luật Khám chữa bệnh, Luật BHYT, Luật Trang thiết bị y tế, Luật Dược...

Bệnh nhân chờ lấy thuốc BHYT tại Bệnh viện Thành phố Thủ Đức. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bệnh nhân chờ lấy thuốc BHYT tại Bệnh viện Thành phố Thủ Đức. Ảnh: Nguyễn Thủy.

528 sản phẩm thuốc được Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu

Ngày 4/7, Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế) đã tổ chức lễ mở hồ sơ đề xuất tài chính các gói thầu cung cấp thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia giai đoạn 2022-2023, với 528 sản phẩm thuốc, được Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại Quyết định số 4325 ngày 8/9/2021.

Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia Lê Thanh Dũng cho biết, 3 gói thầu gồm: Gói thầu số 1 cung cấp thuốc cho các tỉnh miền Bắc giai đoạn 2022-2023 gồm 46 nhà thầu có sản phẩm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và tiếp tục được mở Hồ sơ đề xuất tài chính; Gói thầu số 2 cung cấp thuốc cho các tỉnh miền Trung và khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2022-2023 gồm 45 nhà thầu có sản phẩm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và tiếp tục được mở Hồ sơ đề xuất tài chính; Gói thầu số 3 cung cấp thuốc cho các tỉnh miền Nam giai đoạn 2022-2023, gồm 45 nhà thầu có sản phẩm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và tiếp tục được mở Hồ sơ đề xuất tài chính.

“Tổng giá của 3 gói thầu là 8.890 tỷ đồng. Dự kiến, trong tháng 7/2022, Trung tâm sẽ công bố kết quả lựa chọn nhà thầu”, ông Dũng thông tin.

Các thuốc trong danh mục thuốc đấu thầu cấp quốc gia là những thuốc có chi phí lớn và thuốc có số lượng sử dụng nhiều như thuốc kháng sinh, thuốc tim mạch, thuốc điều trị tiểu đường, thuốc điều trị ung thư…, nhằm phát huy tối đa hiệu quả của công tác đấu thầu tập trung và đưa giá thuốc về mức hợp lý.

Về công tác đấu thầu mua sắm thuốc, ông Lê Thanh Dũng cho biết Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia đã gửi thư đàm phán giá lần 1 với 62 thuốc biệt dược, thuốc gốc có giá trị sử dụng lớn.

Theo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, đợt đấu thầu lần này có tăng về số lượng thuốc và giá thuốc ở tất cả các vùng miền.

Bởi thực tế, sau 2 năm chống dịch Covid-19, nhu cầu người dân đi khám, chữa bệnh quay trở lại rất đông. Số lượng thuốc gia tăng, thậm chí có thuốc có đơn vị mua với số lượng gấp đôi (200%). Số lượng thuốc này nếu so với năm 2020 và 2021 (trong giai đoạn dịch) lớn hơn rất nhiều, nhưng so với năm 2018 thì chỉ là tương đương, không có biến động.

Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đứng trước thực tế là không phải chỉ thiếu thuốc quý, hiếm (như thuốc giải độc, thuốc chữa nọc rắn cắn…), mà có nhiều loại thuốc liên quan đến cấp cứu, thuốc vận mạch; thuốc giá rẻ, phổ biến. Ảnh: Nguyên Mỹ.

Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đứng trước thực tế là không phải chỉ thiếu thuốc quý, hiếm (như thuốc giải độc, thuốc chữa nọc rắn cắn…), mà có nhiều loại thuốc liên quan đến cấp cứu, thuốc vận mạch; thuốc giá rẻ, phổ biến. Ảnh: Nguyên Mỹ.

Bệnh viện Chợ Rẫy thiếu nhiều loại thuốc, kể cả thuốc giá rẻ

Là một trong những bệnh viện tuyến cuối của Trung ương, lượng bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy luôn quá tải, tập trung đông từ các tỉnh thành phía Nam, nhất là thời điểm sau Covid-19. Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đứng trước thực tế là không phải chỉ thiếu thuốc quý, hiếm (như thuốc giải độc, thuốc chữa nọc rắn cắn…), mà có nhiều loại thuốc liên quan đến cấp cứu, thuốc vận mạch; thuốc giá rẻ, phổ biến cũng bị thiếu do không có ai tham gia đấu thầu. Đặc biệt là thuốc điều trị cho người sau ghép tạng khiến bệnh nhân phải mua ở ngoài với giá cao, không thuộc bảo hiểm y tế chi trả.

Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng khẳng định, có tình trạng các cơ sở y tế đang thiếu thuốc và vật tư tiêu hao. Trong tình huống cấp bách, Thứ trưởng tán thành việc cho phép kéo dài hợp đồng trúng thầu trước đó thêm 6 tháng, tuy nhiên ông Tuyên nhắc nhở các bệnh viện vẫn phải chủ động để tránh tình trạng thiếu thuốc kéo dài từ năm này qua năm khác.

Thẳng thắn nhìn nhận tình trạng thiếu thuốc tại các bệnh viện là có thật, TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, nếu không nhìn vào sự thật thì không thể giải quyết được ngay vấn đề.

Theo BS Thức, quy trình đấu thầu thuốc, vật tư y tế gồm 3 bước: lập dự toán, lập kế hoạch, thẩm định. Và khó nhất là nằm ở bước thẩm định, khi thẩm định xong mới chuyển qua thực hiện đấu thầu. Trước đây, Bộ Y tế chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ đấu thầu thuốc nhưng từ năm 2020, Bộ Y tế phân quyền về cho các bệnh viện tự thẩm định. Trong khi đó, thời gian qua, có nhiều sự cố xảy ra trong ngành y tế khiến người phụ trách đấu thầu có tâm lý e ngại, sợ làm sai, liên đới trách nhiệm. Điều này khiến cho quá trình đấu thầu của các bệnh viện chậm triển khai.

Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc trước mắt, BS Thức kiến nghị, cần có chính sách cho phép kéo dài hợp đồng đã trúng thầu trước đây thêm từ 6 tháng đến 1 năm để bệnh viện nhanh chóng mua sắm đáp ứng nhu cầu cần thiết phục vụ bệnh nhân. Thứ hai, trong Luật Đấu thầu hiện cho phép chỉ định thầu trong tình huống cấp bách, như vậy cần làm rõ định nghĩa như thế nào là tình huống cấp bách? Nếu không có định nghĩa cụ thể, bệnh viện rất khó giải thích khi bị kiểm tra và có khi bị quy kết “cố tình đẩy vào tình huống cấp bách để chỉ định thầu”. Các cổng thông tin của Bộ Y tế có công khai giá trúng thầu, song các thông tin kèm theo chưa được đầy đủ về cấu hình, tính năng, kỹ thuật. Các bác sĩ luôn cần thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tốt nhất, nhưng nhiều lúc bảo hiểm xã hội hay cơ quan thanh tra, giám sát chỉ căn cứ vào giá.

Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đề xuất Bộ Y tế quy định rõ thứ tự ưu tiên trong thông tin về giá tham khảo xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc, vật tư y tế tiêu hao, hóa chất. Trong đó, cần ưu tiên giá trúng thầu đăng tải công khai ở thời điểm gần nhất, báo giá cập nhật của nhà cung cấp.

Đối với thuốc, vật tư y tế tiêu hao, hóa chất không có kết quả trúng thầu được đăng tải công khai trong vòng 12 tháng, không thu thập đủ được ba báo giá sau khi đã đăng tải rộng rãi thư mời báo giá 20 ngày, bệnh viện đề xuất lấy giá thấp nhất trong số các báo giá đó làm giá kế hoạch, không nhất thiết phải chờ đủ ba báo giá. Thời hiệu báo giá nên được lấy theo thực tế ghi trên báo giá, tối thiểu không dưới 30 ngày kể từ ngày phát hành báo giá.

Về đấu thầu hóa chất xét nghiệm, Bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị cần bổ sung nội dung hoặc hướng dẫn cụ thể đấu thầu mua sắm hóa chất xét nghiệm tương thích với hệ thống máy để các bệnh viện có cơ sở triển khai đấu thầu mua sắm hoặc giao cho trung tâm đấu thầu mua sắm tập trung quốc gia hoặc địa phương đấu thầu, kết quả giao về cho bệnh viện thực hiện.

Với đấu thầu mua sắm vật tư, linh kiện thay thế trang thiết bị y tế bị hư hỏng (như đầu đèn máy CT scanner, ống nội soi tiêu hóa, đầu dò siêu âm...), Bệnh viện Chợ Rẫy đề nghị xem xét bổ sung văn bản cho phép được mời thầu đúng chủng loại vật tư y tế cần sửa chữa thay thế, nhằm đảm bảo được tính tương thích với hệ thống…

Tại buổi làm việc với Bệnh viện Chợ Rẫy chiều 30/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã yêu cầu Bộ Y tế có hướng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà các cơ sở y tế đang gặp phải, tránh việc đề xuất mang tính khẩu hiệu nhưng không giải quyết được vấn đề. "Chúng ta phải tìm cách tháo gỡ ngay, vì mục tiêu cao nhất là đảm bảo sức khỏe của người dân”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Bên cạnh việc giải quyết vấn đề nước mắt, về lâu dài Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành y tế phải có những giải pháp mang tính căn cơ. Các cơ sở y tế  cũng cần mạnh dạn đề xuất, kiến nghị sửa đổi các điểm chưa phù hợp trong các Thông tư, Nghị định, tránh tâm lý lo sợ, không dám làm.

"Bộ Y tế khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan rà soát tổng thể các quy định hiện hành liên quan đến hoạt động mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, chủ trương xã hội hóa, hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế để ban hành trước ngày 4/7 các quy định, hướng dẫn theo thẩm quyền nhằm khắc phục ngay tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh hiện nay, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho người dân; kịp thời đề xuất, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Khẩn trương tổ chức thực hiện đấu thầu tập trung thuốc ở Trung ương; chỉ đạo các tỉnh, các cơ sở y tế khẩn trương tổ chức đấu thầu thuốc theo đúng quy định, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm", Văn phòng Chính phủ ngày 29/6 truyền đạt ý kiến của Thường trực Chính phủ tại văn bản số 4035.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.