| Hotline: 0983.970.780

Giải quyết nguồn cung gỗ nguyên liệu để đẩy mạnh xuất khẩu cuối năm

Thứ Tư 01/12/2021 , 14:44 (GMT+7)

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang phục hồi mạnh. Các doanh nghiệp ngành gỗ đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung gỗ nguyên liệu để đáp ứng các đơn hàng cuối năm 2021.

Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã có đơn hàng sản xuất đến giữa năm 2022. Ảnh: Thanh Sơn.

Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã có đơn hàng sản xuất đến giữa năm 2022. Ảnh: Thanh Sơn.

Đến thời điểm này, có thể nói ngành gỗ đang phục hồi khá nhanh sau giãn cách xã hội. Một khảo sát nhanh do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam thực hiện trong tháng 10 vừa qua tại 131 doanh nghiệp ở 23 tỉnh, thành phố, cho thấy, có 67% doanh nghiệp ngành gỗ đang hoạt động trên 70% công suất, 20% hoạt động trên 50% công suất và 13% hoạt động dưới 50% công suất.

Về thị trường, đầu ra cho các doanh nghiệp gỗ vẫn đang rất rộng mở trong thời gian còn lại của năm. Bởi đây là thời điểm các nhà thương nhân Mỹ (thị trường lớn nhất của ngành gỗ Việt Nam) đẩy mạnh nhập khẩu đồ gỗ nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm nội thất rất lớn cho dịp lễ Giáng sinh và năm mới.

Thông tin từ Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho hay, hầu hết các doanh nghiệp thành viên của Hội đã có sẵn đơn hàng để sản xuất đến hết quý 1, thậm chí đến giữa năm 2022.

Đầu ra không phải lo, nhưng các doanh nghiệp gỗ đang phải lo đầu vào, mà một trong những thách thức lớn là nguồn gỗ nguyên liệu.

Nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Mỹ, EU trong năm nay đã giảm khá nhiều do nhu cầu nội địa tăng cao tại các thị trường này (8 tháng đầu năm nay, nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Mỹ giảm 24%, từ EU giảm 13%).

Từ tháng 8 đến tháng 10, nhập khẩu gỗ về Việt Nam đã liên tiếp suy giảm, trong đó có nguyên nhân quan trọng là nguồn cung bị hạn chế.

Do nguồn cung thấp cộng với các chi phí phát sinh bởi Covid-19, trong khi nhu cầu tăng cao ở các nước chế biến gỗ (trong đó có Việt Nam), giá gỗ nguyên liệu trên thị trường thế giới đã tăng cao trong năm nay và có thể tiếp tục tăng trong thời gian còn lại của năm.

8 tháng đầu năm 2021, giá nhập khẩu trung bình gỗ óc chó và gỗ thông từ Mỹ về Việt Nam tăng khoảng 22% so với cùng kỳ 2020, trong khi giá nhập khẩu gỗ sồi và tần bì từ EU tăng khoảng 6%.

Trước tình hình đó, các doanh nghiệp ngành gỗ đang đẩy mạnh tìm kiếm, đa dạng hóa nguồn cung gỗ nguyên liệu.

Các doanh nghiệp ngành gỗ đang đa dạng hóa nguồn cung gỗ nguyên liệu để đẩy mạnh chế biến, xuất khẩu. Ảnh: Thanh Sơn.

Các doanh nghiệp ngành gỗ đang đa dạng hóa nguồn cung gỗ nguyên liệu để đẩy mạnh chế biến, xuất khẩu. Ảnh: Thanh Sơn.

Bên cạnh việc đẩy mạnh khai thác nguồn gỗ rừng trồng trong nước, gỗ cao su, là đa dạng hóa nguồn cung gỗ nguyên liệu nhập khẩu, nhất là gỗ ôn đới vì đây là nguồn nguyên liệu quan trọng để chế biến gỗ xuất khẩu vào các thị trường quan trọng như Mỹ, EU …

Trong những tháng qua, một phần gỗ nguyên liệu bị giảm sút nhập khẩu từ Mỹ, EU đã được bù đắp từ một số thị trường khác như New Zealand, Nam Mỹ và nhất là từ Úc.

Thông tin từ Forest Trends cho thấy lượng gỗ tròn Việt Nam nhập khẩu từ Úc trong 8 tháng đầu 2021 tăng tới 25 lần so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tần bì, thông, sồi, dương và óc chó là 5 loài gỗ tròn có lượng nhập lớn nhất.

Để giảm chi phí với gỗ nguyên liệu nhập khẩu, phương án mua chung đang được nhiều doanh nghiệp ngành gỗ tính đến.

Tại một hội thảo trực tuyến về nguồn cung gỗ nguyên liệu, ông Võ Quang Hà, Tổng Giám đốc Công ty Tavico (Đồng Nai) cho rằng các doanh nghiệp trong ngành gỗ cần có sự hợp tác mua chung gỗ nguyên liệu để có được những đơn hàng lớn, ổn định về giá và tối ưu hoá chi phí vận chuyển trong bối cảnh giá cước vận tải biển tăng rất cao trên toàn cầu.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA, cũng cho rằng các doanh nghiệp ngành gỗ cần một chiến lược nguyên liệu hiệu quả hơn. Trong đó, bao gồm cả việc tính toán các giải pháp nguyên liệu thay thế, kết hợp nguyên liệu cũng như liên kết mua chung.

Xem thêm
Xuất khẩu cao su của Việt Nam kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025

Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận những kết quả rất tích cực, dù nhu cầu tiêu thụ tại thị trường chủ lực Trung Quốc giảm mạnh.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chinh phục thị trường châu Âu

CZECH Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác giữa Việt Nam - Czech để cùng phát triển ngành hóa chất, phân bón và nông nghiệp.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.