TS.BS Lê Quốc Hùng là người đã cùng các y bác sĩ Khoa Bệnh Nhiệt đới (BV Chợ Rẫy) điều trị thành công cho hai trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam - là hai cha con người Trung Quốc.
Nhìn cảnh người dân đổ xô đi mua sắm, dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, người người nao núng lo sợ, đã và đang tính chuyện dọn đồ đi “sơ tán” khỏi vùng “dịch”… để cố gắng bảo vệ gia đình mình, TS Hùng đặt câu hỏi: Dịch bệnh Covid-19 có đáng sợ không các bạn? Tôi nghĩ rằng đáng sợ. Thế nhưng, sợ cái gì và cái gì làm cho chúng ta sợ?
Thứ nhất: Sợ chết
Xin thưa rằng, tỷ lệ chết chung của dịch bệnh này theo WHO chỉ tập trung ở những đối tượng lớn tuổi có nhiều bệnh nền và được can thiệp y tế trễ.
Song tỷ lệ này có sự thay đổi ở các quốc gia khác nhau và cũng tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố. Một quốc gia dù có trình độ y khoa cao nhưng không đủ số giường bệnh, không đủ nhân viên y tế phục vụ trong bối cảnh số bệnh nhân tăng vọt thì khó tránh khỏi tỷ lệ tử vong tăng cao.
Một quốc gia không giàu nhưng cương quyết thực hiện những biện pháp phòng chống dịch tốt, không có số bệnh nhân tăng vọt, mỗi bệnh nhân đều được chăm sóc theo dõi kỹ lưỡng thì tỷ lệ tử vong rất thấp, thậm chí là không có tử vong.
Ở Việt Nam, tỷ lệ người chết do TNGT còn cao hơn nhiều do bệnh dịch này. Vậy thì CHẾT do bệnh dịch này không phải cái đáng sợ nhất.
Thứ hai: Mắc bệnh phải tốn tiền điều trị, phải nằm bệnh viện lâu dài
Rất mừng là toàn bộ chi phí điều trị cho một bệnh nhân nhiễm bệnh đều được nhà nước chi trả, đây là điều chúng ta nên mừng vì là công dân Việt Nam. Ở một số quốc gia khác bệnh nhân phải là người chi trả chi phí điều trị và số tiền này không hề nhỏ.
Nằm viện lâu: thưa không! Nếu bệnh nhân hết triệu chứng bệnh và xét nghiệm vi sinh liên tục âm tính, đảm bảo không còn là nguồn lây bệnh cho cộng đồng thì sẽ được ra viện tiếp tục tự theo dõi tại nhà.
Có những bệnh nhân của chúng ta được xuất viện sau 5 - 7 ngày nằm viện. So với rất nhiều bệnh khác thì đây là thời gian khá ngắn.
Thứ ba: Sợ bị cách ly, kỳ thị, xa lánh
Không ai trong chúng ta muốn những người thân yêu của mình bị bệnh. Vậy, nếu bạn bị một căn bệnh có thể lây truyền cho người khác thì chính bản thân bạn phải nên tự cách ly để đầu tiên tránh cho người thân và sau đó là cộng đồng mình bị lây bệnh. Có gì mà phải sợ!
Thứ tư: Sợ nhiễm bệnh trong khu cách ly y tế
Sợ bị lây bệnh trong khi cách ly cùng với những người khác là mối lo của không ít người dân. Các bạn yên tâm, ngành y tế chúng tôi biết cách và triệt để thực hiện việc phòng ngừa lây nhiễm giữa những người đang được cách ly.
Vậy các bạn sẽ hỏi rằng “dịch bệnh rất đáng sợ” như tôi trả lời phía trên là sợ cái gì?
Tôi sợ bởi vì bất cứ quốc gia nào không kiểm soát tốt để dịch bùng phát trong cộng đồng thì hàng loạt, hàng loạt người sẽ mắc bệnh dẫn tới số bệnh nhân tăng vọt vượt qua sự kiểm soát của y tế, khi đó tỷ lệ tử vong sẽ tăng cao.
Và khi đó, xã hội bất chợt mất đi một lượng lớn người làm việc, số người bệnh đông làm gia tăng chi phí điều trị, giảm thu nhập quốc gia. Người bị tử vong không chỉ còn tập trung ở một nhóm đối tượng đặc biệt mà còn lan rộng ở tất cả những người mắc bệnh… và biết bao hệ lụy về chính trị, kinh tế, xã hội và con người sẽ còn ảnh hưởng trong một thời gian dài sau đó. Hãy nhìn vào Vũ Hán (Trung Quốc) bạn sẽ thấy tất cả.
Tôi, xin chia sẻ nỗi lo của các bạn nhưng sợ như thế nào cho đúng mới là quan trọng.
Các bạn đổ xô đi mua hàng, là vô tình các bạn đang “cố gắng” đi vào nơi đông người trong một “không gian kín”.
Ở nơi đó nếu có một người đang trong giai đoạn ủ bệnh thì khả năng bạn bị nhiễm bệnh sẽ cực cao. Và khi đó không biết có bao nhiêu người sẽ trở thành nguồn nhiễm mới. Thật không dám tưởng tượng thêm.
Trong khi nhà nước cam kết cố gắng đáp ứng đủ nhu cầu về hàng hóa thì các bạn vẫn đổ xô đi mua hàng. Nếu mỗi gia đình chúng ta đều đi mua đồ dự trữ với số lượng lớn và tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu nào đó thì chắc chắn sẽ tạo ra một cái “kho ảo” cực lớn trong xã hội.
Các công ty sản xuất thì đã có kế hoạch sản xuất định kỳ và khả năng cung ứng cũng có giới hạn theo công xuất xây dựng nhà máy dẫn tới khó bù đắp nhu cầu trong thời gian ngắn. Khi đó không ít người “chậm chân” không mua được, không có đồ dùng (trong khi có nhiều người khác quá dư) dẫn tới rối loạn trong xã hội.
Nếu chúng ta sợ dịch mà tự ý “sơ tán” ra khỏi vùng dịch, các bạn có chắc rằng trong số những người “sơ tán” ấy (hay chính bản thân bạn) không có người đã nhiễm bệnh trong giai đoạn ủ bệnh hay không. Khi đó vô tình các bạn sẽ trở thành một nguồn nhiễm mới như người trở về từ nước Anh. Công cuộc phòng chống dịch sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Cuối cùng, mặc dù thông tin về triệu chứng khi mắc bệnh, cách phòng ngừa bệnh, cách khai báo và hoạt động phối hợp giữa người dân với các cơ quan chức năng để ngăn ngừa dịch đã được công bố rất minh bạch và rõ ràng trên các phương tiện truyền thông chính thống xong vẫn có rất nhiều người xem nhẹ.