Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP, sửa đổi mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10, quy định tại Phụ lục II - Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, theo Danh mục mặt hàng chịu thuế quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ.
Theo đó, mức thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (thuộc mã HS từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) từ 20% được giảm xuống 10%.
Thuế nhập khẩu ưu đãi là thuế được áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu từ các nước và vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ với Việt Nam. Xăng là một trong số các mặt hàng thiết yếu được áp loại thuế này.
Tỷ trọng nhập khẩu từ các nước hiện áp loại thuế này chiếm tỷ lệ không đáng kể trong tổng lượng xăng tiêu thụ cả nước. Do đó, việc giảm thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng động cơ, xăng không pha chì không góp nhiều trong việc giảm giá xăng, nhưng góp phần đa dạng hóa nguồn cung từ các quốc gia khác.
Theo Bộ Tài chính, tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu của Việt Nam hiện thấp hơn mức bình quân chung. Tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu ở nhiều nước hiện trong khoảng 40% - 55% đối với xăng và 35% - 50% đối với dầu. Trong khi đó, tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu ở nước ta khoảng 19,39% đối với xăng E5 RON 92; 21,95% đối với xăng RON 95 và khoảng 11,05% đối với dầu diesel.
Sau 2 lần giảm thuế bảo vệ môi trường vào tháng 4 và 7, tỷ trọng thuế trong giá xăng chiếm khoảng 20% và hơn 10% đối với dầu diesel.
Việc giảm một nửa thuế nhập khẩu ưu đãi với mặt hàng xăng, theo Bộ Tài chính, ít tác động đến thu ngân sách nhà nước. Theo Tổng cục Hải quan, năm 2021, tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế mặt hàng xăng dầu của nước ta là 475,26 triệu USD, trong đó nhập khẩu từ các nước có ký kết Hiệp định FTA với nước ta là 474,1 triệu USD (chiếm 99,7%).
Trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế mặt hàng xăng là 826,53 triệu USD, cơ bản cũng được nhập khẩu từ các nước có ký kết hiệp định FTA với Việt Nam.