| Hotline: 0983.970.780

Giảm 50% chi phí thuốc bảo vệ thực vật nhờ mô hình 'Ruộng lúa bờ hoa'

Chủ Nhật 14/11/2021 , 07:26 (GMT+7)

Áp dụng công nghệ sinh thái qua mô hình "Ruộng lúa bờ hoa", ngoài nâng cao hiệu quả kinh tế, người nông dân còn có thể sản xuất những sản phẩm sạch, chất lượng cao.

Mô hình áp dụng công nghệ sinh thái 'Ruộng lúa bờ hoa' được triển khai tại huyện An Phú, tỉnh An Giang. Ảnh: Phạm Hiếu.

Mô hình áp dụng công nghệ sinh thái “Ruộng lúa bờ hoa” được triển khai tại huyện An Phú, tỉnh An Giang. Ảnh: Phạm Hiếu.

Giảm 4 triệu đồng/ha chi phí thuốc BVTV mỗi vụ

Vụ Thu Đông năm 2021, trên địa bàn huyện An Phú, tỉnh An Giang, mô hình áp dụng công nghệ sinh thái “Ruộng lúa bờ hoa” được triển khai với diện tích hơn 50ha với 3 mô hình trên cây lúa và 3 mô hình trên cây ăn quả, rau màu.

Tham gia triển khai mô hình “Ruộng lúa bờ hoa” với cánh đồng 6ha diện tích trồng lúa, ông Nguyễn Văn Gấu (ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang) cho hay, mô hình độc đáo này sẽ dẫn dụ một số loài thiên địch có lợi để khống chế sâu hại trên ruộng lúa, qua đó giảm thiểu số lượng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái, bảo vệ sức khỏe cho người nông dân, đồng thời nâng cao chất lượng nông sản cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Văn Gấu chia sẻ kinh nghiệm: “Để có thể triển khai một cách hiệu quả mô hình ‘Ruộng lúa bờ hoa’, người nông dân cần dành ra một diện tích bờ ruộng nhất định để trồng hoa. Ngoài ra cũng phải xử lý cỏ dại ven bờ theo phương pháp thủ công.”

Ông Gấu cũng cho biết thêm, nếu áp dụng theo đúng kĩ thuật của mô hình “Ruộng lúa bờ hoa”, chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) của người dân sẽ được giảm đi nhiều. Cụ thể, đối với ruộng lúa truyền thống, mỗi vụ người dân sẽ phải phun thuốc BVTV từ 5 - 7 lần. Tuy nhiên, với mô hình “Ruộng lúa bờ hoa”, số lần phun thuốc mỗi vụ giảm chỉ còn khoảng 2 - 3 lần.

Mô hình sẽ dẫn dụ một số loài thiên địch có lợi để khống chế sâu hại trên ruộng lúa. Ảnh: Phạm Hiếu.

Mô hình sẽ dẫn dụ một số loài thiên địch có lợi để khống chế sâu hại trên ruộng lúa. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Chi phí mỗi lần phun thuốc từ 700.000 - 800.000 đồng trên 1ha. Nhờ áp dụng mô hình ‘Ruộng lúa bờ hoa’, tôi đã tiết kiệm được khoảng 4 triệu đồng chi phí cho thuốc BVTV mỗi vụ. Vụ lúa Hè Thu vừa qua, tại địa phương, lợi nhuận từ ruộng lúa áp dụng mô hình này là khoảng 15 triệu đồng/ha, còn ruộng lúa không áp dụng chỉ khoảng 8 - 10 triệu đồng/ha”, ông Nguyễn Văn Gấu bày tỏ.

Thời gian qua, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, người nông dân bắt buộc phải giảm giá thành trong sản xuất để tăng lợi nhuận. Những mô hình trồng lúa truyền thống sẽ phải đầu tư chi phí nhiều hơn.

Theo thống kê của Trạm Trồng trọt và BVTV huyện An Phú (Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang), chi phí sản xuất, giá thành của 1 kg lúa áp dụng theo mô hình “Ruộng lúa bờ hoa” thấp hơn ruộng lúa đối chứng từ 500 - 700 đồng. Đến thời điểm hiện tại, qua so sánh với ruộng đối chứng, lợi ích và hiệu quả lớn nhất mà ruộng lúa áp dụng công nghệ sinh thái mang lại là giảm hơn 50% chi phí thuốc BVTV cho người nông dân.

Giá vật tư nông nghiệp tăng đã khiến giá thành sản xuất nông nghiệp bị đội lên, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân. Ở một số tỉnh ĐBSCL như TP. Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang và Đồng Tháp..., giá thuốc BVTV tăng trung bình từ 10 - 30% so với mọi năm, một số loại thuốc cá biệt tăng đến 50%.

Nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp

Ngoài nâng cao hiệu quả kinh tế, việc ứng dụng công nghệ sinh thái vào sản xuất còn giúp người nông dân tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao.

Theo ông Nguyễn Văn Khang, 'Ruộng lúa bờ hoa' là một trong những mô hình cần được nhân rộng. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo ông Nguyễn Văn Khang, “Ruộng lúa bờ hoa” là một trong những mô hình cần được nhân rộng. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo ông Nguyễn Văn Khang, cán bộ kĩ thuật Trạm Trồng trọt và BVTV huyện An Phú, hiện nay, nhìn tổng thể, đa số người nông dân đều áp dụng tất cả quy trình sản xuất tốt nhất trên đồng ruộng của mình: Thứ nhất, người dân đã tuân thủ theo khuyến cáo thời vụ của địa phương. Thứ hai, ngay từ đầu vụ, người dân đều áp dụng lượng giống gieo sạ từ 8 - 12kg với mỗi 1.000m2. Thứ ba, những nông dân áp dụng mô hình công nghệ sinh thái đều áp dụng cân đối phân hữu cơ, phân vô cơ và trung vi lượng.

“Đặc biệt, khi áp dụng công nghệ sinh thái trong mô hình ‘Ruộng lúa bờ hoa’, người nông dân chỉ phải sử dụng thuốc BVTV từ 2 - 3 lần/vụ. Đối với thuốc trừ sâu, rầy thì người dân hoàn toàn không cần sử dụng”, ông Nguyễn Văn Khang thông tin.

Bên cạnh đó, người nông dân cũng lồng ghép nhiều phương thức sản xuất khác như “3 giảm (giảm lượng giống gieo, giảm lượng phân bón, giảm thuốc trừ sâu) 3 tăng (tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng hiệu quả)” cũng như “1 phải (phải sử dụng giống lúa cấp xác nhận hoặc nguyên chủng mà ngành nông nghiệp địa phương khuyến cáo đưa vào sản xuất) 5 giảm (giảm lượng hạt giống gieo trồng, giảm phân bón, giảm sử dụng thuốc BVTV, giảm lượng nước tưới, giảm thất thoát sau thu hoạch)”.

Ứng dụng công nghệ sinh thái vào sản xuất sẽ giúp người nông dân tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ứng dụng công nghệ sinh thái vào sản xuất sẽ giúp người nông dân tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo cán bộ kĩ thuật Trạm Trồng trọt và BVTV huyện An Phú, “Ruộng lúa bờ hoa” là một trong những mô hình cần được nhân rộng vì hiện nay, giá vật tư nông nghiệp đầu vào như giống, phân bón, thuốc BVTV… tăng rất cao. Ngoài ra, thị trường thu mua lúa gạo ngày càng có những yêu cầu khắt khe, ngặt nghèo hơn về chất lượng, đặc biệt là vấn đề dư lượng thuốc BVTV.

Xem thêm
80% sản lượng dừa sáp Trà Vinh bán dưới hình thức nguyên liệu thô

Doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng diện tích dừa hữu cơ gắn với mã số vùng trồng xuất khẩu tại Trà Vinh, cần liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Chất lượng là yếu tố số 1 để nâng cao thương hiệu rau quả Việt Nam

‘Để nâng cao giá trị thương hiệu ngành rau quả Việt Nam, chất lượng là yếu tố số 1, sau đó mới đến giá cả', Phó Tổng Giám đốc Doveco Nguyễn Thanh Tùng cho hay.

Hà Nội sắp phê duyệt chủ trương cải tạo lại ba chung cư cũ

UBND TP. Hà Nội có văn bản kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP. Dương Đức Tuấn về việc thực hiện đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ ở Hà Nội.